LUẬT CỜ VUA FIDE 2018
GIỚI THIỆU
Luật cờ Vua FIDE bao gồm các vấn đề có liên quan đến việc thi đấu trên bàn cờ Vua. Luật cờ Vua FIDE gồm có hai phần:
1. Luật chơi cơ bản;
2. Luật thi đấu.
Văn bản bằng tiếng Anh là văn bản gốc của Luật cờ Vua (đã được thông qua tại Hội nghị FIDE lần thứ 88, Goynuk, Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ) có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
MỞ ĐẦU
Luật cờ Vua không thể bao quát tất cả các tình huống có thể xảy ra trong một ván cờ, cũng như không thể quy định hết tất cả các vấn đề hành chính liên quan.
Nếu có các tình huống xảy ra không được quy định hoàn toàn chính xác bởi bất cứ điều nào trong Luật, thì có thể nghiên cứu những tình huống tương tự được quy định trong bộ Luật để đưa ra một quyết định chính xác. Các điều Luật cho rằng Trọng tài có đủ thẩm quyền, khả năng phán quyết với tinh thần khách quan tuyệt đối. Một điều luật quá chi tiết có thể làm hạn chế quyền xét đoán của Trọng tài và vì thế cũng làm mất đi khả năng tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý và sát với thực tế để giải quyết vấn đề. FIDE mong rằng tất cả các kỳ thủ và các Liên đoàn đều đồng thuận với quan điểm này.
Điều kiện cần thiết để một ván đấu được tính hệ số đánh giá (rating) của FIDE là ván cờ đó phải được thi đấu theo Luật cờ Vua FIDE.
Đối với các ván đấu không được tính rating của FIDE thì cũng nên thi đấu theo Luật cờ Vua của FIDE.
Các Liên đoàn thành viên có thể đề nghị FIDE đưa ra một phán quyết về các vấn đề có liên quan đến Luật cờ Vua.
LUẬT CHƠI CƠ BẢN
Điều 1. Nguyên tắc và mục tiêu của ván cờ
1.1. Ván cờ Vua được giao đấu giữa hai đấu thủ bằng cách di chuyển các quân cờ của mình trên một chiếc bàn hình vuông gọi là “bàn cờ”.
1.2. Đấu thủ cầm quân cờ có màu sáng (bên Trắng) thực hiện nước đi trước, đấu thủ cầm quân cờ có màu tối (bên Đen) thực hiện nước đi tiếp theo, sau đó hai bên luân phiên nhau thực hiện nước đi.
1.3. Một đấu thủ được xem là “đến lượt đi” khi đối phương đã “thực hiện xong” nước đi của mình.
1.4. Mục tiêu của mỗi đấu thủ là đưa quân Vua của đối phương vào tình trạng “bị tấn công” (bị chiếu) mà ở đó đối phương không còn nước đi nào đúng luật.
1.4.1. Đấu thủ đạt được mục tiêu này được gọi là đã “chiếu hết” (hoặc chiếu bí) đối phương và thắng ván cờ. Không được để quân Vua của mình trong tình trạng bị chiếu, không được đẩy Vua mình vào thế bị chiếu, không được “ăn” quân Vua của đối phương.
1.4.2. Đấu thủ có quân Vua bị chiếu hết là người thua ván cờ.
1.5. Nếu xuất hiện thế cờ mà cả hai đấu thủ đều không thể chiếu hết quân Vua của đối phương thì ván cờ đó có kết quả hòa (xem Điều 5.2.2).
Điều 2. Vị trí ban đầu của các quân trên bàn cờ
2.1. Bàn cờ được tạo bởi một khung 8x8 bao gồm 64 ô vuông bằng nhau xen kẽ các màu sáng (ô trắng) và màu tối (ô đen). Bàn cờ được đặt giữa hai đấu thủ sao cho ô góc bên phải ở phía gần với các đấu thủ có màu trắng.
2.2. Khi bắt đầu ván cờ, bên Trắng có 16 quân cờ màu sáng (quân trắng), bên Đen có 16 quân cờ màu tối (quân đen).
Các quân cờ bao gồm:
Một quân Vua trắng có ký hiệu là V | ||
Một quân Hậu trắng có ký hiệu là H | ||
Hai quân Xe trắng có ký hiệu là X | ||
Hai quân Tượng trắng có ký hiệu là T | ||
Hai quân Mã trắng có ký hiệu là M | ||
Tám quân Tốt trắng không có ký hiệu | ||
Một quân Vua đen có ký hiệu là V | ||
Một quân Hậu đen có ký hiệu là H | ||
Hai quân Xe đen có ký hiệu là X | ||
Hai quân Tượng đen có ký hiệu là T | ||
Hai quân Mã đen có ký hiệu là M | ||
Tám quân Tốt đen không có ký hiệu |
Các quân cờ theo mẫu Staunton:
2.3. Vị trí ban đầu của các quân trên bàn cờ như sau:
2.4. Tám dãy ô theo chiều dọc của bàn cờ được gọi là các “cột dọc”. Tám dãy ô theo chiều ngang của bàn cờ được gọi là các “hàng ngang”. Đường thẳng nối các góc của các ô cùng màu vào nhau, chạy từ một cạnh của bàn cờ tới cạnh liền kề được gọi là “đường chéo”.
3.1. Không được đi quân đến ô cờ đã có một quân cùng màu khác đang đứng.
3.1.1. Nếu đi quân đến ô cờ có quân của đối phương đang đứng thì được xem là bắt quân (ăn quân) và quân của đối phương bị bỏ ra khỏi bàn cờ đồng thời trong cùng một nước đi.
3.1.2. Một quân cờ được gọi là đang tấn công quân của đối phương nếu quân đó có thể bắt quân tại ô cờ đó theo các Điều từ 3.2 đến 3.8.
3.1.3. Một quân được xem là đang khống chế một ô, kể cả khi quân này di chuyển thì sẽ khiến cho quân Vua cùng màu với nó rơi vào tình trạng bị chiếu.
3.2. Quân Tượng có thể đi tới bất cứ ô cờ nào trên cùng đường chéo mà nó đang đứng.
3.3. Quân Xe có thể đi đến bất cứ ô cờ nào trên cùng cột dọc hoặc hàng ngang mà nó đang đứng.
3.4. Quân Hậu có thể đi tới bất cứ ô cờ nào trên cùng cột dọc, hàng ngang hoặc đường chéo mà nó đang đứng.
3.5. Khi thực hiện những nước đi này, quân Tượng, quân Xe hoặc quân Hậu không được nhảy qua đầu các quân khác đang chắn giữa đường.
3.6. Quân Mã có thể nhảy tới ô gần nhất với ô mà nó đang đứng nhưng không nằm trên cùng hàng ngang, cột dọc hay đường chéo.
3.7.1. Quân Tốt có thể tiến lên một ô cờ ngay phía trước nó trên cùng một cột, với điều kiện ô này còn trống, hoặc
3.7.2. ở nước đi đầu tiên của nó, quân Tốt có thể đi như điều 3.7.1 hoặc tiến lên hai ô cờ liền nhau trên cùng cột dọc với điều kiện cả hai ô cờ đó đều còn trống, hoặc
3.7.3. quân Tốt có thể di chuyển tới ô mà có quân của đối phương đang đứng chéo ngay phía trước nó ở cột liền kề và bắt quân này.
3.7.4.1. Một quân tốt đứng tại ô cùng hàng với quân tốt của đối phương ở cột liền kề mà quân tốt của đối phương vừa đi lên hai ô từ vị trí ban đầu, thì có thể bắt tốt của đối phương giống như khi quân tốt đó chỉ đi lên một ô.
3.7.4.2. Việc bắt quân này chỉ hợp lệ khi thực hiện ngay sau khi nước đi đó của đối phương và được gọi là “bắt Tốt qua đường”.
3.7.5.1. Khi một đấu thủ đang đến lượt đi, đưa quân Tốt tiến đến hàng ngang xa nhất tính từ vị trí ban đầu, thì ngay tại nước đi này phải đổi quân Tốt đó thành một quân cờ khác cùng màu như quân Hậu, quân Xe, quân Tượng hoặc quân Mã và đặt tại ô mới đến.Vị trí đặt quân cờ mới được gọi là “ô phong cấp”.
3.7.5.2. Việc đấu thủ lựa chọn quân cờ nào để phong cấp không bị giới hạn bởi các quân đã bị bắt trước đó.
3.7.5.3. Việc đổi quân Tốt thành một quân cờ khác được gọi là phong cấp và quân mới đưa vào có hiệu lực ngay lập tức.
3.8. Có hai cách thực hiện nước đi của quân Vua:
3.8.1. di chuyển đến một ô liền kề;
3.8.2. “nhập thành”, đây là một nước đi giữa quân Vua và một trong hai quân Xe cùng màu trên hàng ngang đầu tiên của đấu thủ, được tính như là một nước đơn lẻ của quân Vua và thực hiện như sau: quân Vua di chuyển hai ô cờ từ vị trí ban đầu sang phía quân Xe, sau đó chuyển quân Xe đến ô cờ mà quân Vua vừa băng qua.
Trước khi bên Trắng nhập thành bên cánh Vua Trước khi bên Đen nhập thành bên cánh Hậu | Sau khi bên Trắng nhập thành bên cánh Vua Sau khi bên Đen nhập thành bên cánh Hậu | |
Trước khi bên Trắng nhập thành bên cánh Hậu Trước khi bên Đen nhập thành bên cánh Vua | Sau khi bên Trắng nhập thành bên cánh Hậu Sau khi bên Đen nhập thành bên cánh Vua |
3.8.2.1. Quyền được nhập thành bị mất khi:
3.8.2.1.1. nếu quân Vua đã từng di chuyển rồi, hoặc
3.8.2.1.2. nếu quân Xe đã từng di chuyển rồi.
3.8.2.2 Tạm thời chưa được nhập thành:
3.8.2.2.1. nếu ở ô cờ mà quân Vua đang đứng hoặc ô cờ mà quân Vua phải băng qua hoặc ô cờ mà quân Vua sẽ đến đang bị khống chế bởi một hay nhiều quân của đối phương, hoặc
3.8.2.2.2. nếu có bất kỳ quân cờ nào khác đang đứng ở khoảng giữa quân Vua và quân Xe định nhập thành.
3.9.1. Quân Vua được coi là “bị chiếu” nếu như nó bị một hay nhiều quân của đối phương tấn công, kể cả khi những quân này đang ở thế bị ghim, tức là nếu nó di chuyển sẽ khiến cho quân Vua cùng màu ở trong tình trạng bị chiếu.
3.9.2. Không có quân cờ nào được di chuyển nếu đẩy Vua cùng màu rơi vào tình trạng bị chiếu hoặc bỏ mặc Vua trong tình trạng bị chiếu.
3.10.1. Một nước đi hợp lệ khi nước đi đó đáp ứng được tất cả những quy định của các Điều từ 3.1 đến 3.9.
3.10.2. Một nước không hợp lệ khi nước đi đó không đáp ứng được những quy định của các Điều từ 3.1 đến 3.9.
3.10.3. Một thế cờ là không hợp lệ khi thế cờ đó không được thực hiện bằng một loạt các nước đi hợp lệ.
4.1. Mỗi nước đi chỉ được thực hiện bằng một tay.
4.2.1. Chỉ có đấu thủ đang đến lượt đi mới được quyền sửa lại vị trí đứng của một hay nhiều quân trên bàn cờ, với điều kiện phải thông báo trước ý định của mình (ví dụ “J’adoube” hoặc “I adjust”, tiếng Việt có nghĩa là “Tôi sửa quân”).
4.2.2. Các trường hợp chạm quân khác đều được coi là cố tình chạm quân, trừ khi thấy rõ ràng là do sơ ý.
4.3. Ngoài trường hợp đã nêu trong Điều 4.2, nếu đấu thủ đang đến lượt đi chạm quân trên bàn cờ với ý định đi quân hoặc bắt quân thì:
4.3.1. chạm một hay nhiều quân của mình, đấu thủ phải đi quân đã chạm đầu tiên có thể di chuyển được.
4.3.2. chạm một hay nhiều quân của đối phương, đấu thủ phải bắt quân đã chạm đầu tiên có thể bắt được.
4.3.3. chạm mỗi bên một hoặc nhiều quân, đấu thủ phải bắt quân đã chạm đầu tiên của đối phương bằng quân đã chạm đầu tiên của mình, nếu điều này không đúng luật thì phải đi quân hoặc bắt quân đã chạm đầu tiên mà nó có thể di chuyển được hay bắt được. Nếu không thể xác định được quân của bên nào bị chạm đầu tiên, thì quân của đấu thủ đó xem như đã bị chạm trước quân của đối phương.
4.4. Nếu một đấu thủ đang đến lượt đi:
4.4.1. chạm vào quân Vua và một quân Xe của mình, thì phải nhập thành về phía quân Xe đó nếu nước đi này hợp lệ.
4.4.2. cố tình chạm vào quân Xe trước quân Vua thì không được phép nhập thành về phía quân Xe đó ở nước đi này, tình huống này áp dụng theo Điều 4.3.1.
4.4.3. dự định nhập thành, chạm vào quân Vua trước rồi đến quân Xe, nhưng nhập thành với quân Xe đó không hợp lệ, thì đấu thủ phải thực hiện một nước đi hợp lệ khác với quân Vua (gồm cả việc nhập thành với quân Xe còn lại). Nếu quân Vua không có nước đi hợp lệ, thì đấu thủ được quyền thực hiện bất kỳ nước đi nào khác đúng luật.
4.4.4. phong cấp cho quân Tốt, việc chọn lựa quân cờ nào để phong cấp sẽ kết thúc ngay khi chạm quân cờ đó vào ô phong cấp.
4.5. Nếu không một quân nào bị chạm theo Điều 4.3 và 4.4 có thể di chuyển hoặc bắt quân thì đấu thủ được thực hiện bất kỳ nước đi nào khác đúng luật.
4.6. Có thể tiến hành phong cấp theo những cách như sau:
4.6.1. quân Tốt không cần phải đặt vào ô phong cấp,
4.6.2. việc bỏ quân Tốt ra và đặt quân cờ mới vào ô phong cấp có thể được thực hiện theo bất cứ trình tự nào.
4.6.3. Nếu có một quân của đối phương đang đứng tại vị trí mà quân Tốt được quyền phong cấp thì quân đó sẽ bị bắt.
4.7. Tại một nước đi hoặc một phần của nước đi hợp lệ, khi đấu thủ đã rời tay khỏi quân cờ vừa đặt vào một ô, thì quân cờ đó không thể di chuyển đến ô khác được nữa. Nước đi này được xem là đã hoàn thành trong trường hợp:
4.7.1. bắt quân, khi quân cờ bị bắt được đưa ra khỏi bàn cờ và đấu thủ đặt quân của mình vào vị trí mới của nó rồi buông tay ra khỏi quân cờ đó.
4.7.2. nhập thành, khi đấu thủ rời tay ra khỏi quân Xe vừa đặt tại ô cờ mà quân Vua đã đi qua. Khi đấu thủ rời tay khỏi quân Vua, nước đi vẫn chưa được hoàn thành, tuy nhiên đấu thủ sẽ không được quyền thực hiện bất cứ nước đi nào khác ngoài việc nhập thành bên phía đó, nếu hợp lệ. Nếu việc nhập thành bên cánh đó không hợp lệ, đấu thủ phải thực hiện một nước đi hợp lệ khác với quân Vua (bao gồm cả việc nhập thành với quân Xe còn lại). Nếu quân Vua không còn nước đi hợp lệ nào thì đấu thủ được quyền thực hiện bất kỳ nước đi hợp lệ nào khác.
4.7.3. phong cấp, khi đấu thủ rời tay ra khỏi quân cờ vừa mới đặt vào ô phong cấp và quân Tốt đã được đưa ra khỏi bàn cờ.
4.8. Một đấu thủ sẽ mất quyền khiếu nại các vi phạm của đối phương theo các Điều từ 4.1 đến 4.7 một khi đấu thủ đó đã chạm vào một quân cờ với ý định đi quân hoặc bắt quân.
4.9. Nếu một đấu thủ không có khả năng di chuyển các quân cờ thì có thể mời một người trợ giúp được Trọng tài chấp thuận để thực hiện các thao tác này.
5.1.1. Đấu thủ nào chiếu hết quân Vua của đối phương sẽ giành chiến thắng. Ván đấu kết thúc ngay lập tức với điều kiện là nước chiếu hết phải hợp lệ theo Điều 3 và các Điều từ 4.2 đến 4.7.
5.1.2. Đấu thủ thắng ván cờ khi đối phương tuyên bố đầu hàng. Ván đấu kết thúc ngay lập tức.
5.2.1. Ván cờ hòa khi đấu thủ đến lượt đi không còn nước đi hợp lệ nào và quân Vua của đấu thủ đó đang không trong tình trạng bị chiếu. Ván cờ được gọi là kết thúc ở thế “hết nước đi” (còn được gọi là “Pat”). Ván đấu kết thúc ngay lập tức với điều kiện nước đi dẫn tới thế hết nước đi này hợp lệ theo Điều 3 và các Điều từ 4.2 đến 4.7.
5.2.2. Ván cờ hòa khi xuất hiện thế cờ mà ở đó không đấu thủ nào có thể chiếu hết quân Vua của đối phương bằng các nước đi hợp lệ. Ván cờ được gọi là kết thúc ở “thế chết”. Ván đấu kết thúc ngay lập tức với điều kiện nước đi dẫn tới thế hòa cờ này hợp lệ theo Điều 3 và các Điều từ 4.2 đến 4.7.
5.2.3. Ván cờ hòa theo sự thỏa thuận của hai đấu thủ trong thời gian diễn ra ván đấu, với điều kiện cả hai đấu thủ phải thực hiện ít nhất một nước đi. Ván đấu kết thúc ngay lập tức.
LUẬT THI ĐẤU
6.1. “Đồng hồ cờ” là loại đồng hồ đôi hiển thị thời gian của hai bên, được liên kết với nhau sao cho tại một thời điểm chỉ có thời gian của một bên chạy được.
“Đồng hồ” trong Luật cờ Vua có nghĩa là nói về thời gian của một trong hai bên.
Mỗi bên có một “lá cờ”.“Rụng cờ” có nghĩa là thời gian thi đấu quy định cho một đấu thủ đã hết.
6.2.1. Trong quá trình thi đấu, mỗi đấu thủ phải cho dừng đồng hồ của mình sau khi thực hiện xong nước đi của mình và cho đồng hồ của đối phương chạy (tức là phải bấm vào bên đồng hồ của mình). Đây được gọi là “hoàn thành” nước đi. Một nước đi được tính là hoàn thành nếu:
6.2.1.1. nước đi kết thúc ván đấu (xem các Điều 5.1.1, 5.2.1, 5.2.2, 9.6.1 và 9.6.2), hoặc
6.2.1.2. đấu thủ đã thực hiện nước đi kế tiếp trong khi vẫn chưa hoàn thành nước đi trước đó.
6.2.2. Mỗi đấu thủ đều được phép dừng đồng hồ của mình ngay sau khi thực hiện nước đi, kể cả sau khi đối phương đã thực hiện nước đi kế tiếp. Khoảng thời gian tính từ khi thực hiện nước đi trên bàn cờ cho đến lúc bấm đồng hồ được coi là phần thời gian của đấu thủ đó.
6.2.3. Đấu thủ đi quân cờ bằng tay nào thì phải bấm đồng hồ bằng tay đó. Không được phép để sẵn ngón tay hoặc đặt hờ bàn tay trên đồng hồ.
6.2.4. Các đấu thủ phải sử dụng đồng hồ đúng cách. Không đập mạnh tay, không được cầm lên, không bấm đồng hồ trước khi thực hiện nước đi hoặc làm đổ đồng hồ. Sử dụng đồng hồ sai cách sẽ bị phạt theo Điều 12.9.
6.2.5. Đấu thủ chỉ được phép chỉnh sửa quân cờ trong khi đồng hồ của mình đang chạy.
6.2.6. Nếu một đấu thủ không có khả năng sử dụng đồng hồ, có thể mời một người trợ giúp được Trọng tài chấp thuận để thực hiện các thao tác này. Đồng hồ của đấu thủ đó sẽ được Trọng tài điều chỉnh cho hợp lý. Việc điều chỉnh này sẽ không áp dụng đối với đồng hồ của một đấu thủ khuyết tật.
6.3.1. Khi sử dụng đồng hồ cờ, mỗi đấu thủ phải hoàn thành một số lượng nước đi tối thiểu hoặc tất cả các nước đi trong một khoảng thời gian cho phép bao gồm cả lượng thời gian được cộng thêm cho mỗi nước đi. Tất cả những điều này phải được quy định trước.
6.3.2. Thời gian còn lại chưa dùng hết của đấu thủ ở một giai đoạn sẽ được cộng thêm vào thời gian của đấu thủ đó ở giai đoạn tiếp theo nếu có quy định.
Ở thể thức “kéo giờ” (time-delay mode), cả hai đấu thủ đều được cho một lượng “thời gian chính”. Mỗi đấu thủ cũng sẽ có thêm một lượng “thời gian phụ cố định” cho mỗi nước đi. Thời gian chính sẽ bắt đầu giảm dần nếu thời gian phụ đã hết. Nếu đấu thủ bấm dừng đồng hồ của mình trước khi hết thời gian phụ thì thời gian chính sẽ vẫn còn nguyên, không phụ thuộc vào lượng thời gian phụ đã sử dụng.
6.4. Phải kiểm tra kỹ theo quy định của Điều 6.3.1 ngay sau khi có một bên rụng cờ.
6.5. Trọng tài sẽ quyết định vị trí đặt đồng hồ cờ trước khi bắt đầu ván đấu.
6.6. Đồng hồ của bên Trắng được cho chạy ở thời điểm bắt đầu ván đấu.
6.7.1. Điều lệ của mỗi giải đấu sẽ quy định cụ thể về một thời gian được đến trễ. Nếu không quy định cụ thể thì thời gian đến trễ được mặc định là số không (0). Bất cứ đấu thủ nào đến sau thời gian này đều bị xử thua, trừ khi Trọng tài có quyết định khác.
6.7.2. Nếu Điều lệ của một giải đấu quy định thời gian được đến trễ khác 0 và nếu cả hai đấu thủ cùng không có mặt từ đầu ván đấu, thì bên Trắng sẽ bị mất toàn bộ thời gian đã trôi qua cho đến khi anh ta có mặt, trừ khi có quy định cụ thể hoặc có quyết định khác của Trọng tài.
6.8. Việc rụng cờ được xác định khi Trọng tài nhìn thấy hoặc khi một trong hai đấu thủ xác nhận điều này.
6.9. Ngoại trừ việc áp dụng quy định của một trong các Điều 5.1.1, 5.1.2, 5.2.1, 5.2.2, 5.2.3, nếu một đấu thủ không hoàn thành số lượng nước đi nhất định trong khoảng thời gian cho phép thì sẽ thua ván đấu. Tuy nhiên, ván đấu sẽ hòa nếu xảy ra thế cờ mà một đối thủ không có khả năng chiếu hết quân Vua của đối phương bằng bất kỳ loạt nước đi hợp lệ nào.
6.10.1. Mọi chỉ số trên đồng hồ đều xác nhận thời gian đã sử dụng trừ trường hợp nó có dấu hiệu bị hỏng. Trọng tài sẽ phải thay đồng hồ bị hỏng và sử dụng khả năng phán quyết tốt nhất của mình để thiết lập các chỉ số trên chiếc đồng hồ mới.
6.10.2. Trong thời gian diễn ra ván đấu, nếu phát hiện ra một hoặc cả hai bên đồng hồ đã bị cài đặt sai, cả hai đấu thủ hoặc Trọng tài phải bấm dừng đồng hồ ngay lập tức. Trọng tài sẽ cài đặt lại đồng hồ cho đúng, điều chỉnh thời gian và đếm số lượng nước đi nếu cần. Trọng tài sẽ sử dụng khả năng phán quyết tốt nhất của mình để thiết lập lại các chỉ số trên đồng hồ.
6.11.1. Nếu cần tạm dừng ván đấu, Trọng tài sẽ phải bấm dừng đồng hồ.
6.11.2. Một đấu thủ chỉ được bấm dừng đồng hồ khi cần sự trợ giúp của Trọng tài, ví dụ như khi thực hiện việc phong cấp mà không có sẵn quân cờ để thay thế.
6.11.3. Trọng tài sẽ quyết định khi nào ván đấu bắt đầu trở lại.
6.11.4. Khi một đấu thủ dừng đồng hồ để tìm sự trợ giúp của Trọng tài, Trọng tài sẽ xác định hành động đó có hợp lệ hay không. Nếu không có lý do chính đáng để dừng đồng hồ, đấu thủ đó sẽ bị phạt theo Điều 12.9.
6.12.1. Các màn ảnh, màn hình hoặc các bàn cờ minh họa lại các thế cờ hiện hành, các nước đi, số lượng nước đi đã được thực hiện hay đã hoàn thành và cả loại đồng hồ dùng để hiển thị số lượng nước đi đều được phép đặt trong khu vực thi đấu.
6.12.2. Đấu thủ không được khiếu nại khi chỉ căn cứ vào những thông tin hiển thị từ những thiết bị này.
Điều 7. Những tình huống bất thường
7.1. Nếu xảy ra một tình huống bất thường thì các quân cờ phải trả về vị trí trước đó và Trọng tài sẽ sử dụng quyền phán quyết tốt nhất của mình để xác định việc điều chỉnh thời gian trên đồng hồ. Điều này bao gồm cả quyền không thay đổi thời gian của đồng hồ. Nếu cần, Trọng tài cũng sẽ điều chỉnh bộ đếm nước đi của đồng hồ.
7.2.1. Trong quá trình diễn ra ván đấu, nếu phát hiện vị trí ban đầu của các quân cờ bị sai thì ván đấu sẽ bị hủy bỏ và các bên sẽ thi đấu ván cờ mới.
7.2.2. Trong quá trình diễn ra ván đấu, nếu phát hiện bàn cờ bị đặt sai so với quy định ở Điều 2.1 thì ván đấu vẫn được tiếp tục nhưng phải chuyển thế cờ hiện tại sang một bàn cờ được đặt đúng.
7.3. Trường hợp các đấu thủ ngồi nhầm màu quân ngay từ đầu, nếu cả hai đấu thủ chỉ mới đi ít hơn 10 nước thì ván đấu sẽ hủy bỏ và thi đấu lại ván mới với màu quân đúng. Nếu đã thực hiện 10 nước đi hoặc nhiều hơn thì ván đấu vẫn tiếp tục.
7.4.1. Nếu một đấu thủ làm lệch vị trí của một hay nhiều quân cờ thì phải sửa lại cho đúng trong thời gian của chính mình.
7.4.2. Nếu cần thiết, đấu thủ hoặc đối phương sẽ dừng đồng hồ và yêu cầu Trọng tài can thiệp.
7.4.3. Trọng tài có thể áp dụng hình phạt với đấu thủ đã làm sai lệch vị trí các quân cờ.
7.5.1. Một nước đi không hợp lệ được tính là hoàn thành sau khi đấu thủ đã bấm vào đồng hồ cờ của mình. Nếu trong quá trình thi đấu mà một nước đi không hợp lệ đã hoàn thành được phát hiện, phải khôi phục lại thế cờ ngay trước nước đi sai luật đó. Nếu không thể khôi phục được, thì ván đấu sẽ tiếp tục từ thế cờ gần nhất có thể xác định được trước khi nước đi sai luật xảy ra. Áp dụng Điều 4.3 và 4.7 để tìm nước thay thế cho nước đi không hợp lệ. Ván đấu sẽ được tiếp tục với thế cờ đã được khôi phục này.
7.5.2. Nếu đấu thủ di chuyển quân Tốt đến hàng ngang xa nhất và bấm đồng hồ, nhưng không thay quân Tốt bằng một quân cờ mới thì nước đi này bị xem là không hợp lệ. Quân Tốt sẽ phải được thay bằng một quân Hậu cùng màu.
7.5.3. Nếu đấu thủ bấm vào đồng hồ mà không thực hiện nước đi sẽ bị tính lỗi và phạt giống như một nước đi không hợp lệ.
7.5.4. Nếu một đấu thủ sử dụng hai tay để thực hiện một nước đi (như trường hợp nhập thành, ăn quân hay phong cấp) và bấm đồng hồ, điều đó sẽ bị tính lỗi và bị phạt giống như một nước đi không hợp lệ.
7.5.5. Nếu lần đầu tiên đấu thủ thực hiện nước đi không hợp lệ như theo Điều 7.5.1, 7.5.2, 7.5.3 hoặc 7.5.4, thì Trọng tài sẽ cộng thêm 02 phút vào thời gian của đối phương; nếu lần thứ hai thực hiện nước đi không hợp lệ thì Trọng tài sẽ xử đấu thủ đó thua ván cờ. Tuy nhiên, ván đấu được xử hòa nếu xảy ra thế cờ mà đối phương không thể chiếu hết quân Vua của đấu thủ đó bằng bất kỳ nước đi hợp lệ nào.
7.6. Nếu trong quá trình thi đấu phát hiện bất cứ quân cờ nào đứng sai vị trí của nó, thế cờ ngay trước khi có sự sai lệch đó sẽ được khôi phục lại. Nếu thế cờ ngay trước đó không thể khôi phục, thì ván đấu sẽ tiếp tục bằng thế cờ gần nhất có thể xác định được trước khi có sự sai lệch. Ván đấu sẽ được tiếp tục ngay từ thế cờ đã được khôi phục này.
8.1.1. Trong quá trình thi đấu, mỗi đấu thủ phải ghi lại từng nước đi của mình và của đối phương một cách chính xác, rõ ràng và dễ đọc nhất bằng cách ghi hệ thống ký hiệu đại số (Phụ lục C) vào tờ “biên bản” quy định của giải đấu.
8.1.2. Đấu thủ không được phép ghi trước nước đi, trừ khi đấu thủ kiến nghị hòa theo Điều 9.2 hoặc 9.3 hoặc thực hiện ván cờ hoãn đấu theo Hướng dẫn I.1.1.
8.1.3. Đấu thủ cũng có thể thực hiện ngay nước đi đáp trả nước đi của đối phương trước khi ghi biên bản, nhưng phải ghi lại nước đi trước đó của mình trước khi thực hiện nước đi tiếp theo.
8.1.4. Biên bản chỉ được sử dụng để ghi lại các nước đi, thời gian trên đồng hồ, các đề nghị hòa, các vấn đề khiếu nại và những dữ liệu khác có liên quan.
8.1.5. Cả hai đấu thủ phải ghi lại đề nghị hòa trong biên bản thi đấu bằng ký hiệu dấu bằng (=).
8.1.6. Nếu một đấu thủ không thể tự ghi biên bản thì có thể mời một người trợ giúp được Trọng tài chấp thuận để giúp đấu thủ ghi lại nước đi. Đồng hồ của đấu thủ đó sẽ được Trọng tài điều chỉnh cho hợp lý. Việc điều chỉnh này không áp dụng đối với đồng hồ của một đấu thủ khuyết tật.
8.2. Biên bản thi đấu phải để cho Trọng tài quan sát được trong suốt ván đấu.
8.3. Các biên bản thi đấu thuộc quyền sở hữu của người tổ chức giải đấu.
8.4. Nếu một đấu thủ còn ít hơn 05 phút trên đồng hồ của mình ở một giai đoạn và không có cộng thêm từ 30 giây trở lên cho mỗi nước đi thì trong thời gian còn lại của giai đoạn này, đấu thủ đó không bắt buộc phải tuân thủ Điều 8.1.1.
8.5.1. Nếu cả hai đấu thủ đều không ghi biên bản theo Điều 8.4 thì Trọng tài hoặc một người trợ lý sẽ cố gắng có mặt để ghi lại nước đi. Trong trường hợp này, ngay sau khi một bên rụng cờ thì Trọng tài phải dừng đồng hồ. Sau đó, cả hai đấu thủ phải sử dụng bản ghi chép của Trọng tài hoặc biên bản của đối phương để ghi bổ sung vào biên bản của mình.
8.5.2. Nếu chỉ có một đấu thủ không ghi biên bản theo Điều 8.4, thì ngay sau khi một trong hai bên rụng cờ, đấu thủ này phải cập nhật biên bản một cách đầy đủ trước khi thực hiện nước đi. Đấu thủ có thể mượn biên bản của đối phương nhưng phải trả lại trước khi thực hiện tiếp nước đi.
8.5.3. Nếu không có biên bản nào được ghi lại một cách đầy đủ, các đấu thủ phải khôi phục lại ván cờ trên một bàn cờ thứ hai dưới sự giám sát của Trọng tài hoặc người trợ lý. Người này trước tiên sẽ ghi lại vị trí hiện tại, thời gian của mỗi bên, đồng hồ bên nào đang chạy và số nước đi đã hoàn thành, nếu có các thông tin này, trước khi thực hiện việc khôi phục biên bản.
8.6. Nếu thông tin trên các biên bản không thể chỉ rõ được một đấu thủ có vượt quá thời gian cho phép hay không, thì nước đi tiếp theo sẽ được xem như là nước đi đầu tiên của giai đoạn kế tiếp, trừ khi có thể chứng minh rằng số nước đi đã thực hiện hoặc đã hoàn thành có nhiều hơn quy định.
8.7. Khi kết thúc ván đấu, hai đấu thủ phải ký vào cả hai biên bản có ghi rõ kết quả của ván đấu. Nếu ghi không đúng thì kết quả này vẫn có giá trị, trừ khi Trọng tài có quyết định khác.
9.1.1. Điều lệ của một giải đấu có thể quy định rằng các đấu thủ không được phép đề nghị hoặc thỏa thuận hòa, cho dù dưới một số lượng nước đi nhất định hay cả ván đấu, mà không có sự cho phép của Trọng tài.
9.1.2. Tuy nhiên, nếu điều lệ giải cho phép thỏa thuận hòa thì những điều dưới đây sẽ được áp dụng:
9.1.2.1. Một đấu thủ muốn đề nghị hòa thì phải đề nghị sau khi thực hiện nước đi trên bàn cờ và trước khi bấm đồng hồ. Một đề nghị hòa tại bất cứ thời điểm nào khác của ván đấu vẫn có giá trị nhưng phải xem xét theo Điều 11.5. Không có bất cứ điều kiện nào được kèm theo lời đề nghị. Trong cả hai trường hợp trên, lời đề nghị không thể rút lại và vẫn còn hiệu lực cho đến khi đối phương chấp nhận, hoặc nói từ chối, hoặc từ chối bằng cách chạm vào một quân với ý định đi quân hoặc bắt quân, hoặc ván cờ được kết thúc theo một số cách khác.
9.1.2.2. Mỗi đấu thủ sẽ phải ghi lại đề nghị hòa trong biên bản của mình với ký hiệu dấu bằng (=).
9.1.2.3. Việc kiến nghị xử hòa theo Điều 9.2 hoặc 9.3. được coi như một đề nghị hòa.
9.2.1. Ván cờ được xử hòa khi một đấu thủ đang đến lượt đi đưa ra khiếu nại đúng về một thế cờ giống nhau được lặp lại ít nhất 03 lần (không nhất thiết phải lặp lại nước đi):
9.2.1.1. thế cờ sắp xuất hiện, nếu đấu thủ ghi trước nước đi của mình vào biên bản, điều này không được thay đổi, rồi thông báo cho Trọng tài biết ý định thực hiện nước đi đó của mình hoặc
9.2.1.2. thế cờ vừa xuất hiện và đấu thủ đề nghị hòa đang đến lượt đi.
9.2.2. Thế cờ được xem là lặp lại khi và chỉ khi chính đấu thủ đề nghị xử hòa đang đến lượt đi, các quân cờ cùng loại, cùng màu đều đứng ở vị trí cũ và khả năng di chuyển tất cả các quân của hai đấu thủ đều không thay đổi; Theo đó các thế cờ dưới đây sẽ không được xem là giống nhau nếu:
9.2.2.1. tại thế cờ khởi đầu, một quân Tốt đã có thể thực hiện bắt Tốt qua đường.
9.2.2.2. quân Vua có quyền nhập thành ở bên quân Xe chưa di chuyển, nhưng đã mất quyền đó sau khi di chuyển. Quyền nhập thành chỉ bị mất khi quân Vua và hoặc quân Xe đã từng di chuyển.
9.3. Ván đấu được xử hòa khi một đấu thủ đang đến lượt đi đưa ra lời khiếu nại đúng, nếu:
9.3.1. Đấu thủ đó ghi nước đi của mình vào biên bản, không được thay đổi, và thông báo với Trọng tài ý định thực hiện nước đi đó dẫn đến việc trong 50 nước đi sau cùng đã thực hiện của mỗi bên, không có nước di chuyển nào của quân Tốt và không có nước bắt quân nào, hoặc
9.3.2. không có nước di chuyển quân Tốt và không có nước bắt quân nào trong 50 nước đi sau cùng của mỗi bên đã hoàn thành.
9.4. Nếu đấu thủ chạm vào một quân theo Điều 4.3 thì sẽ mất quyền đề nghị xử hòa theo Điều 9.2 hoặc 9.3 tại nước đi đó.
9.5.1. Nếu một đấu thủ đề nghị xử hòa theo Điều 9.2 hoặc 9.3 thì đấu thủ đó hoặc Trọng tài sẽ bấm dừng đồng hồ (xem Điều 6.12.1 hoặc 6.12.2), đấu thủ không được phép rút lại lời đề nghị của mình.
9.5.2. Nếu xét thấy đề nghị đúng, ván cờ được xử hòa ngay lập tức.
9.5.3. Nếu xét thấy đề nghị không đúng, Trọng tài sẽ cộng thêm 02 phút vào thời gian còn lại của đối phương, sau đó ván đấu tiếp tục. Nếu đề nghị đó dựa trên một nước đi dự kiến, nước đi đó phải được thực hiện căn cứ theo các Điều 3 và 4.
9.6. Ván đấu sẽ được xử hòa nếu xảy ra một hoặc cả hai điều dưới đây:
9.6.1. xuất hiện thế cờ lặp lại như trong điều 9.2.2 ít nhất 05 lần.
9.6.2. mỗi đấu thủ đã hoàn thành tối thiểu 75 nước đi mà ở đó không có nước đi của quân Tốt và không có nước bắt quân nào. Nếu nước đi cuối cùng là nước dẫn đến chiếu hết cờ thì sẽ xét ưu tiên nước chiếu hết.
10.1. Trừ khi điều lệ của một giải đấu có quy định khác, đấu thủ thắng ván đấu hoặc thắng do đối phương vắng mặt sẽ có một điểm (1), đấu thủ thua ván đấu hoặc vắng mặt sẽ có không điểm (0), đấu thủ hòa ván đấu sẽ có nửa điểm (½),
10.2. Tổng số điểm của bất kỳ ván đấu nào không bao giờ có thể vượt quá số điểm tối đa bình thường được đưa ra cho ván đấu đó. Điểm cho một cá nhân kỳ thủ phải là điểm số thông thường cho một ván đấu, ví dụ như một điểm số ¾ - ¼ là không được phép.
11.1. Các đấu thủ không được có bất cứ hành động nào gây bất ổn cho ván đấu.
11.2.1. “Địa điểm thi đấu” được định nghĩa bao gồm “khu vực thi đấu”, nhà vệ sinh, khu giải lao, khu hút thuốc và những khu vực khác theo sự chỉ định của Trọng tài.
11.2.2. Khu vực thi đấu được định nghĩa là nơi các ván đấu của một cuộc thi đấu diễn ra.
11.2.3. Chỉ khi được sự đồng ý của trọng tài thì mới có thể:
11.2.3.1. một đấu thủ rời khỏi địa điểm thi đấu.
11.2.3.2. đấu thủ đang đến lượt đi được rời khỏi khu vực thi đấu.
11.2.3.3. một người không phải là đấu thủ hay Trọng tài được đi vào khu vực thi đấu.
11.2.4. Điều lệ của một giải có thể quy định rõ rằng đối phương của đấu thủ đang đến lượt đi phải xin phép Trọng tài khi muốn rời khỏi khu vực thi đấu.
11.3.1. Trong quá trình thi đấu, các đấu thủ không được phép sử dụng các sổ ghi chép, các nguồn thông tin, lời khuyên hay phân tích bất kỳ ván nào trên một bàn cờ khác.
11.3.2.1. Trong ván đấu, đấu thủ không được phép có bất kỳ thiết bị điện tử nào tại khu vực thi đấu mà không có sự cho phép của Trọng tài.
Tuy nhiên, điều lệ của một giải đấu có thể cho phép các thiết bị đó được lưu trữ trong túi riêng của đấu thủ, miễn là thiết bị đã được tắt hoàn toàn. Túi này phải được đặt ở nơi có sự đồng ý của Trọng tài. Cả hai đấu thủ đều bị cấm sử dụng túi này khi chưa được Trọng tài cho phép.
11.3.2.2. Nếu phát hiện một đấu thủ có thiết bị như vậy trên người của họ tại địa điểm thi đấu, đấu thủ đó sẽ bị xử thua, đối phương sẽ giành chiến thắng. Điều lệ của mỗi giải đấu có thể đưa ra một quy định xử phạt khác ít nghiêm ngặt hơn
11.3.3. Trọng tài có thể yêu cầu đấu thủ cho phép kiểm tra riêng quần áo, túi xách, các vật dụng khác hoặc cơ thể. Trọng tài hoặc người được Trọng tài ủy quyền kiểm tra sẽ kiểm tra đối thủ, và phải có cùng giới tính với đấu thủ. Nếu đấu thủ từ chối hợp tác thì Trọng tài sẽ có biện pháp xử lý phù hợp căn cứ theo Điều 12.9.
11.3.4. Chỉ được phép hút thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá điện tử tại các khu vực dành riêng do Trọng tài chỉ định.
11.4. Các đấu thủ đã hoàn thành ván đấu sẽ được xem như là khán giả.
11.5. Nghiêm cấm hành động gây mất tập trung hoặc gây mất bình tĩnh cho đối phương bằng bất cứ hình thức nào. Việc này bao gồm cả các khiếu nại hoặc đề nghị hòa vô lý hoặc gây tiếng ồn vào khu vực thi đấu.
11.6. Việc vi phạm bất cứ khoản nào trong các Điều từ 11.1 đến 11.5 sẽ bị phạt theo Điều 12.9.
11.7. Ðấu thủ liên tục không tuân thủ Luật cờ Vua sẽ bị xử thua ván cờ, Trọng tài sẽ quyết định điểm số cho đối phương.
11.8. Nếu cả hai đấu thủ đều phạm vào Điều 11.7 thì cả hai sẽ bị xử thua.
11.9. Đấu thủ có quyền yêu cầu Trọng tài giải thích về những điểm cụ thể trong Luật cờ Vua.
11.10. Trừ khi điều lệ của một giải đấu có quy định khác, một đấu thủ có thể khiếu nại bất kỳ quyết định nào của Trọng tài, ngay cả khi các đấu thủ đã ký vào biên bản thi đấu (xem Điều 8.7).
11.11. Cả hai đấu thủ đều phải hỗ trợ Trọng tài trong các tình huống phải xây dựng lại ván đấu, bao gồm cả đề nghị xử hòa.
11.12. Việc kiểm tra khi có khiếu nại thế cờ lặp lại ba lần hoặc 50 nước là nhiệm vụ của các đấu thủ, được thực hiện dưới sự giám sát của Trọng tài.
Điều 12. Vai trò của các Trọng tài (xem phần Mở đầu)
12.1. Trọng tài cần đảm bảo rằng Luật cờ Vua phải được tuân thủ.
12.2. Trọng tài có trách nhiệm:
12.2.1. đảm bảo cuộc thi công bằng.
12.2.2. hành động vì lợi ích tốt nhất của giải đấu.
12.2.3. đảm bảo duy trì một môi trường thi đấu tốt.
12.2.4. đảm bảo rằng các đấu thủ không bị làm phiền.
12.2.5. giám sát diễn biến của giải đấu.
12.2.6. thực hiện các giải pháp hỗ trợ đặc biệt đối với các đấu thủ khuyết tật và những người cần được chăm sóc y tế.
12.2.7. tuân thủ các quy định hoặc hướng dẫn chống gian lận.
12.3. Trọng tài phải luôn quan sát các ván đấu, nhất là khi các đấu thủ còn ít thời gian, thực thi các quyết định và áp dụng hình phạt thích hợp cho các đối thủ.
12.4. Trọng tài có thể chỉ định các trợ lý quan sát các ván đấu, ví dụ khi một vài đấu thủ còn ít thời gian.
12.5. Trọng tài có thể cộng thêm thời gian cho một trong hai hoặc cả hai đấu thủ trong trường hợp có sự gây rối từ bên ngoài.
12.6. Trọng tài không phải can thiệp vào ván đấu ngoại trừ các trường hợp đã được ghi rõ trong Luật cờ Vua. Trọng tài không được thông báo số lượng nước đi đã hoàn thành, trừ khi áp dụng Điều 8.5 khi có ít nhất một bên rụng cờ. Trọng tài không được nhắc đấu thủ rằng đối phương đã hoàn thành nước đi hoặc khi đấu thủ chưa bấm đồng hồ.
12.7. Bất cứ ai nếu nhận thấy có sự bất thường thì chỉ được thông báo điều đó với Trọng tài. Các đấu thủ không được bàn luận hoặc can thiệp vào ván cờ của người khác. Khán giả không được phép can thiệp vào ván cờ. Trọng tài có quyền trục xuất những người vi phạm ra khỏi địa điểm thi đấu.
12.8. Không được phép sử dụng điện thoại di động hay bất kỳ thiết bị thông tin liên lạc nào tại địa điểm thi đấu hoặc các khu vực lân cận đã được quy định, trừ khi được sự cho phép của Trọng tài.
12.9. Trọng tài có thể áp dụng các hình phạt sau:
12.9.1. cảnh cáo
12.9.2. cộng thêm vào thời gian còn lại cho đối phương
12.9.3. trừ bớt thời gian còn lại của đấu thủ vi phạm luật
12.9.4. cộng điểm tối đa của ván đấu cho đối phương
12.9.5. trừ điểm đạt được trong ván đấu của bên vi phạm
12.9.6. tuyên bố đấu thủ vi phạm bị thua ván cờ (trọng tài quyết định điểm số cho đối phương).
12.9.7. cảnh báo trước về một hình phạt.
12.9.8. truất quyền thi đấu từ một đến nhiều ván.
12.9.9. trục xuất khỏi giải đấu.
PHỤ LỤC
A.1. “Cờ nhanh” là thể loại thi đấu mà ở đây các đấu thủ phải hoàn thành ván cờ trong một thời gian cố định từ hơn 10 phút đến dưới 60 phút cho mỗi bên; hoặc thời gian được cấp cộng thêm 60 lần tích lũy từ hơn 10 phút đến dưới 60 phút.
A.2. Các đấu thủ không cần phải ghi biên bản, nhưng không mất quyền đối với các khiếu nại thông thường dựa trên biên bản thi đấu. Bất cứ lúc nào đấu thủ cũng có thể yêu cầu trọng tài cung cấp tờ biên bản thi đấu để ghi các nước đi.
A.3.1. Những quy định thi đấu sẽ được áp dụng nếu:
A.3.1.1. mỗi Trọng tài giám sát tối đa 03 ván đấu và
A.3.1.2. mỗi ván đấu đều được Trọng tài hoặc người trợ lý ghi lại và bằng các phương tiện điện tử, nếu có.
A.3.2. Đấu thủ có thể yêu cầu trọng tài hoặc trợ lý cho xem biên bản của mình bất cứ lúc nào trong lượt đi của mình. Yêu cầu này có thể thực hiện tối đa là 05 lần trong một ván đấu, nhiều hơn sẽ bị xem như là hành động làm phân tâm đối phương.
A.4. Các trường hợp khác thì áp dụng các điều sau:
A.4.1. Từ vị trí ban đầu, khi mỗi đấu thủ đã hoàn thành 10 nước đi thì:
A.4.1.1. không thể thay đổi lại thiết lập đồng hồ, trừ khi có ảnh hưởng bất lợi đến lịch thi đấu của giải.
A.4.1.2. không còn được khiếu nại về vị trí của các quân hoặc hướng đặt bàn cờ sai. Nếu quân Vua đặt không chính xác thì không được nhập thành. Nếu một quân Xe đặt không chính xác thì không được nhập thành với quân Xe đó.
A.4.2. Nếu trọng tài quan sát thấy có tình huống xảy ra theo Điều 7.5.1, 7.5.2, 7.5.3 hoặc 7.5.4, thì sẽ thực hiện theo Điều 7.5.5 nếu đối thủ chưa thực hiện nước tiếp theo. Nếu Trọng tài không can thiệp, đối thủ có quyền khiếu nại,miễn là chưa thực hiện nước tiếp theo của mình. Nếu đối thủ không khiếu nại và Trọng tài không can thiệp, nước đi không hợp lệ sẽ được bỏ qua và ván đấu tiếp tục. Một khi đối thủ đã thực hiện nước đi tiếp theo của mình, nước đi không hợp lệ không thể sửa lại được trừ khi có sự đồng ý của các đấu thủ mà không cần có sự can thiệp của Trọng tài.
A.4.3. Để khiếu nại xử thắng bằng thời gian, người khiếu nại có thể bấm dừng đồng hồ và thông báo với Trọng tài. Tuy nhiên, ván đấu được xử hòa nếu xảy ra thế cờ mà đấu thủ đó không thể chiếu hết quân Vua của đối phương của bằng bất kỳ chuỗi nước đi hợp lệ nào.
A.4.4. Nếu Trọng tài nhận thấy cả hai quân Vua đều trong tình trạng bị chiếu, hoặc có một quân Tốt nằm trên hàng ngang xa nhất tính từ vị trí ban đầu của nó, thì Trọng tài sẽ phải chờ đợi đến khi nước đi tiếp theo được hoàn thành. Sau đó, nếu thế cờ không hợp lệ vẫn còn trên bàn cờ thì Trọng tài sẽ tuyên bố ván cờ hòa.
A.4.5. Trọng tài sẽ thông báo rụng cờ nếu quan sát thấy.
A.5. Điều lệ của một giải sẽ phải quy định cụ thể về việc áp dụng điều A.3 hoặc điều A.4 cho toàn bộ giải đấu.
Phụ lục B. Thi đấu cờ chớp nhoáng
B.1.“Cờ chớp nhoáng”' là thể loại thi đấu mà ở đây các đấu thủ phải hoàn thành ván cờ trong một thời gian cố định từ 10 phút trở xuống cho mỗi bên; hoặc thời gian được cấp cộng thêm 60 lần tích lũy từ 10 phút trở xuống.
B.2. Các hình thức phạt được nêu tại Điều 7 và Điều 9 của Luật thi đấu sẽ là 01 phút thay vì 02 phút.
B.3.1. Các điều Luật thi đấu sẽ được áp dụng nếu:
B.3.1.1. mỗi trọng tài giám sát 01 ván đấu và
B.3.1.2. mỗi ván đấu đều được Trọng tài hoặc người trợ lý ghi lại và bằng các phương tiện điện tử, nếu có.
B.3.2. Đấu thủ đến lượt đi có thể yêu cầu Trọng tài hoặc trợ lý cho xem biên bản thi đấu vào bất cứ khi nào. Yêu cầu này có thể thực hiện tối đa là 05 lần trong một ván đấu, nếu nhiều hơn sẽ bị xem như là hành động làm phân tâm đối phương.
B.4. Các trường hợp khác như trên thì giải đấu sẽ được điều chỉnh căn cứ theo điều A.2 và A.4 của Luật thi đấu cờ nhanh.
B.5. Điều lệ của một giải sẽ phải quy định cụ thể về việc áp dụng điều B.3 hoặc điều B.4 cho toàn bộ giải đấu.
Phụ lục C. Hệ thống ký hiệu đại số
FIDE chỉ công nhận một hệ thống ký hiệu cho các giải và các trận đấu, đó là hệ thống ký hiệu đại số và yêu cầu thống nhất việc sử dụng nó ở các tài liệu và tạp chí cờ Vua. Các biên bản sử dụng hệ thống khác có thể không được dùng làm bằng chứng trong trường hợp biên bản của một đấu thủ được trưng dụng cho việc đó. Khi phát hiện một đấu thủ sử dụng hệ thống ký hiệu khác hệ thống ký hiệu đại số thì Trọng tài phải nhắc nhở đấu thủ về yêu cầu này.
Mô tả hệ thống ký hiệu đại số
C.1. Trong mô tả này, từ “quân” nghĩa là các quân cờ khác, không phải quân Tốt.
C.2. Mỗi quân được ký hiệu bằng một chữ viết tắt, với tiếng Anh là chữ cái đầu tiên in hoa trong tên gọi của nó. Ví dụ: K=King, Q=Queen, R=Rook, B=Bishop, N=Knight (chữ N được dùng cho Knight để phân biệt với King).
C3. Đối với chữ viết tắt đầu tiên trong tên gọi của các quân, được quyền sử dụng ngôn ngữ quốc gia của đấu thủ. Ví dụ: Trong tiếng Việt ta dùng từ V= Vua, H=Hậu, X=Xe, T=Tượng, M=Mã.Khuyến khích việc sử dụng các hình tượng quân cờ áp dụng trong các bản in.
C4. Quân Tốt (Pawns trong tiếng Anh) được quy định không ghi ký hiệu chữ cái đầu tiên trong tên gọi của nó, Ví dụ: không được ghi Pe5, Pd4, pa5, mà phải ghi e5, d4, a5.
C5. Tám cột dọc (từ trái sang phải đối với bên Trắng và từ phải sang trái đối với bên Đen) được ký hiệu bằng các chữ thường theo thứ tự a, b, c, d, e, f, g và h.
C6. Tám hàng ngang (từ dưới lên trên đối với bên Trắng và từ trên xuống dưới đối với bên Đen) được đánh số theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8. Như vậy, ở vị trí ban đầu các quân và quân Tốt của bên Trắng được bày trên các hàng ngang thứ nhất và thứ hai, các quân và quân Tốt của bên Đen được bày trên các hàng ngang thứ tám và thứ bảy.
C.7. Áp dụng theo quy định trên, mỗi ô trong 64 ô cờ được ký hiệu bằng sự kết hợp giữa một chữ cái và một chữ số.
C.8. Mỗi nước đi của một quân được ký hiệu bởi chữ viết tắt trong tên gọi của quân và ô cờ mà quân đó di chuyển đến, không có dấu nối giữa kí hiệu và ô cờ. Ví dụ: Te5, Tf3, Xd1.
Trong trường hợp của quân Tốt, chỉ cần ghi ký hiệu ô cờ mà chúng di chuyển đến. Ví dụ: e5, d4, a5.
Hình thức dài hơn có ghi ô xuất phát cũng được chấp nhận. Như Tb2e5, Mg1f3, Xa1d1, e7e5, d2d4, a6a5.
C.9. Khi thực hiện nước bắt quân, có thể chèn thêm chữ x vào giữa:
C.9.1. chữ viết tắt trong tên gọi của quân và
C.9.2. ô cờ mà quân đó di chuyển đến. Ví dụ: Txe5, Mxf3, Xxd1, xem thêm mục C10.
C.9.3. Khi quân Tốt thực hiện nước bắt quân, thì ghi ký hiệu cột dọc mà quân Tốt đang đứng, chèn thêm chữ x, rồi ghi ký hiệu ô cờ mà nó di chuyển đến. Ví dụ: dxe5, gxf3, axb5. Trong trường hợp quân Tốt “ăn qua đường” có thể ghi nối thêm chữ “e.p.”. Ví dụ: exd6 e.p.
C.10. Nếu hai quân có thể di chuyển đến cùng một ô, thì nước đi của các quân đó được ký hiệu như sau:
C.10.1. Nếu cả hai quân nằm trên cùng một hàng ngang, thì ghi:
C.10.1.1. chữ viết tắt tên của quân,
C.10.1.2. tên cột đang đứng và
C.10.1.3. tên ô sẽ di chuyển đến.
C.10.2. Nếu cả hai quân nằm trên cùng một cột, thì ghi
C.10.2.1. chữ viết tắt tên của quân,
C.10.2.2. hàng ngang của ô đang đứng và
C.10.2.3. tên của ô sẽ di chuyển đến.
C.10.3. Nếu các quân nằm trên các hàng ngang và cột dọc khác nhau thì ưu tiên theo cách ghi ở mục 1. Ví dụ:
C.10.3.1. Có hai quân Mã nằm ở ô g1 và e1, một trong hai quân đều di chuyển được đến ô f3, tùy trường hợp có thể ghi là Mgf3 hoặc là Mef3.
C.10.3.2. Có hai quân Mã nằm ở ô g1 và g5, một trong hai quân đều di chuyển được đến ô f3, tùy trường hợp có thể ghi là M5f3 hoặc là M1f3.
C.10.3.3. Có hai quân Mã nằm ở ô h2 và d4, Một trong hai quân đều di chuyển được đến ô f3, tùy trường hợp có thể ghi là Mhf3 hoặc là Mdf3.
C.10.3.4. Nếu xảy ra nước bắt quân ở ô f3, vẫn áp dụng cách ghi của các ví dụ trên nhưng có thể chèn một chữ x vào: tùy trường hợp có thể ghi là 1) Mgxf3 hoặc Mexf3, 2) M5xf3 hoặc M1xf3, 3) Mhxf3 hoặc Mdxf3.
C.11. Trong trường hợp phong cấp, nước di chuyển thực tế của quân Tốt sẽ ghi thêm tên viết tắt của quân mới gắn thêm ở phía sau. Ví dụ: d8H, exf8M, b1T, g1X.
C.12. Đề nghị hòa được ghi ký hiệu dấu bằng (=).
C.13. Ký hiệu viết tắt khác:
0-0 = nhập thành bên cánh Vua với quân Xe ở h1 hoặc h8.
0-0-0 = nhập thành bên cánh Hậu với quân Xe ở a1 hoặc a8.
Không bắt buộc ghi bốn ký hiệu sau:
x = bắt quân
+ = chiếu
++ hoặc # = chiếu hết
e. p. = bắt Tốt qua đường.
Bản ghi ván cờ mẫu:
1. e4 e5 2. Mf3 Mf6 3. d4 exd4 4. e5 Me4 5. Hxd4 d5 6. exd6 e.p. Mxd6 7. Tg5 Mc6 8. He3+ Te7 9. Mbd2 0-0 10. 0-0-0 Xe8 11. Vb1 (=)
Hoặc: 1. e4 e5 2. Mf3 Mf6 3. d4 ed4 4. e5 Me4 5. Hd4 d5 6. ed6 Md6 7. Tg5 Mc6 8. He3 Te7 9 Mbd2 0-0 10. 0-0-0 Xe8 11. Vb1 (=)
Hoặc: e2e4 e7e5 2. Mg1f3 Mg8f6 3. d2d4 e5xd4 4. e4e5 Mf6e4 5. Hd1xd4 d7d5 6. e5xd6 e. p. Me4xd6 7. Tc1g5 Mb8c6 8. Hd4d3 Tf8e7 9. Mb1d2 0-0 10. 0-0-0 Xf8e8 11. Vb1 (=)
Phụ lục D. Những quy định thi đấu với người mù và người khiếm thị
D.1. Sau khi tham khảo ý kiến của Trọng tài, Ban Tổ chức có quyền điều chỉnh điều lệ thi đấu nhằm phù hợp với từng điều kiện cụ thể. Đối với giải đấu giữa người khiếm thị (người mù) và người sáng mắt, các đấu thủ có thể yêu cầu sử dụng hai bàn cờ, người sáng mắt sử dụng bàn cờ bình thường, người khiếm thị sử dụng bàn cờ chuyên biệt. Bàn cờ này phải đáp ứng các yêu cầu sau:
D.1.1. kích thước tối thiểu 20 cm x 20 cm,
D.1.2. các ô đen hơi nổi lên trên,
D.1.3. mỗi ô cờ có lỗ cắm để giữ vững quân cờ.
D.1.4. Các yêu cầu đối với quân cờ là:
D.1.4.1. tất cả phải có chân cắm vừa khít với các lỗ trên bàn cờ,
D.1.4.2. quân cờ thiết kế theo mẫu Staunton, quân đen có dấu hiệu riêng để phân biệt.
D.2. Các quy định dưới đây sẽ được áp dụng khi thi đấu:
D.2.1. Các nước đi phải được xướng lên thật rõ ràng, đối phương sẽ nói lại nước đi và thực hiện nước đi đó trên bàn cờ của mình. Khi phong cấp quân Tốt, đấu thủ phải nói lên quân cờ được chọn. Để việc thông báo đó được rõ ràng nhất, có thể sử dụng một số tên gợi ý dưới đây thay vì sử dụng các chữ cái thông thường:
A - Anna, B - Bella , C - Cesar , D - David , E - Eva , F - Felix , G - Gustav , H – Hector
Trừ khi trọng tài có quyết định khác, các hàng ngang tính từ bên Trắng qua bên Đen sẽ được gọi theo các chữ số của người Đức
1 – eins [ai-ns], 2 – zwei [ʦ-vai], 3 – drei [d-ʀai], 4 – vier [fi:a], 5 – fuenf [fʏnf], 6 – sechs [zɛks], 7 – sieben [ziːbən], 8 – acht [axt].
Nhập thành dài sẽ thông báo là “Lange Rochade” và nhập thành ngắn là “Kurze Rochade” (tiếng Đức). Các quân cờ sẽ mang tên: Koenig (Vua), Dame (Hậu), Turm (Xe), Laeufer (Tượng), Springer (Mã), Bauer (Tốt).
(Ghi chú: Quy định này áp dụng ở các giải quốc tế, tuy nhiên Ban Tổ chức giải ở các nước thường hay sử dụng tiếng Anh. Riêng ở các giải trong nước thì ta sử dụng cách gọi thông thường của người Việt như: Mã f5, Vua h6 v. v… ND).
D.2.2. Đối với phía bên bàn cờ của đấu thủ khiếm thị, việc “chạm quân” sẽ được tính khi quân đó được rút ra khỏi lỗ cắm.
D.2.3. Một nước đi được coi là đã “hoàn thành” khi:
D.2.3.1. với trường hợp bắt quân, đấu thủ đến lượt đi đã gỡ quân bị bắt lên khỏi bàn cờ.
D.2.3.2. một quân đã được cắm chắc vào một lỗ khác;
D.2.3.3. nước đi đã được xướng lên.
D.2.4. Chỉ sau đó đồng hồ của đối phương mới được cho chạy.
D.2.5. Về các điểm D.2.2 và D.2.3, các quy định thông thường vẫn được áp dụng cho người sáng mắt.
D.2.6.1. Có thể sử dụng đồng hồ chuyên biệt dành cho người khiếm thị. Đồng hồ này cần có khả năng thông báo về thời gian và số nước đi cho người khiếm thị.
D.2.6.2. Ngoài ra có thể xem xét sử dụng đồng hồ cơ học với các chức năng như sau:
D.2.6.2.1. nút bấm vừa với bàn tay, mỗi 5 phút được đánh dấu bởi một chấm nổi, và mỗi 15 phút được đánh dấu bởi hai chấm nổi.
D.2.6.2.2. một lá cờ cho phép bàn tay của đấu thủ có thể dễ dàng cảm nhận được từng phút trong 5 phút cuối cùng của thời gian thi đấu.
D.2.7. Đấu thủ khiếm thị phải ghi kết quả của ván đấu bằng chữ nổi hoặc chữ viết thường, hoặc đọc nước đi vào một thiết bị ghi âm.
D.2.8. Nếu lỡ nhầm trong việc xướng nước đi thì lập tức phải lập lại cho đúng trước khi cho đồng hồ của đối phương chạy.
D.2.9. Nếu trong quá trình ván đấu xuất hiện hai thế cờ khác nhau trên hai bàn cờ, thì chúng phải được điều chỉnh với sự trợ giúp của Trọng tài và tham chiếu từ biên bản của hai đấu thủ.
Nếu cả hai biên bản đều ghi chính xác và khớp với nhau nhưng một bên thế cờ bị sai thì phải điều chỉnh lại sao cho tương ứng với biên bản ván đấu.
Nếu phát hiện biên bản ván đấu có sự khác nhau, thì sẽ xếp trả lại các nước đi về thời điểm hai biên bản giống nhau và Trọng tài sẽ điều chỉnh lại đồng hồ cho phù hợp.
D.2.10. Đấu thủ khiếm thị có quyền sử dụng một người trợ giúp để thực hiện các nhiệm vụ sau:
D.2.10.1. thực hiện nước đi của đấu thủ trên bàn cờ của đối phương
D.2.10.2. xướng lên nước đi của cả hai đấu thủ
D.2.10.3. ghi biên bản và bấm đồng hồ giúp đấu thủ khiếm thị và bắt đầu cho đồng hồ đối phương chạy
D.2.10.4. thông báo cho đấu thủ khiếm thị, chỉ khi được yêu cầu, về số lượng nước đi đã hoàn thành, lượng thời gian hai đấu thủ đã sử dụng.
D.2.10.5. khiếu nại trong trường hợp đã hết thời gian thi đấu và thông báo cho Trọng tài nếu đấu thủ sáng mắt phạm luật chạm quân.
D.2.10.6. thực hiện các thủ tục cần thiết khi ván cờ hoãn đấu.
D.2.11. Nếu đấu thủ khiếm thị không cần người hỗ trợ thì đấu thủ sáng mắt có thể đề nghị một người thực hiện các nhiệm vụ đã đề cập ở điểm D.2.10.1 và D.2.10.2. Trường hợp thi đấu giữa người khiếm thị và người khiếm thính thì buộc phải có người trợ giúp
HƯỚNG DẪN
Hướng dẫn I. Các ván cờ tạm hoãn
I.1.1. Nếu thời gian quy định cho cuộc đấu đã hết mà ván cờ vẫn chưa kết thúc, thì Trọng tài sẽ yêu cầu đấu thủ đang đến lượt đi sẽ phải "niêm phong" nước đi đó lại. Đấu thủ phải ghi thật rõ ràng nước đi của mình vào biên bản, rồi cho biên bản của mình và của đối phương vào một phong bì, niêm phong lại, sau khi đó mới cho dừng đồng hồ. Cho đến khi còn chưa bấm dừng đồng hồ, đấu thủ vẫn có quyền thay đổi nước đi đã niêm phong của mình. Nếu sau khi Trọng tài đã đề nghị “niêm phong”, mà đấu thủ vẫn cứ đi quân trên bàn cờ, đấu thủ đó phải ghi lại đúng nước đi này vào biên bản thi đấu như là nước đi đã được niêm phong của mình.
I.1.2. Một đấu thủ đang đến lượt đi muốn đề nghị hoãn ván cờ trước khi kết thúc buổi thi đấu, đấu thủ đó sẽ bị trừ lượng thời gian tính từ lúc đề nghị cho đến cuối buổi đấu và thời gian còn lại sẽ được ghi vào biên bản.
I.2. Những thông tin sau đây được ghi trên mặt phong bì:
I.2.1. Tên các đấu thủ,
I.2.2. Thế cờ ngay trước nước đi đã được niêm phong,
I.2.3. Lượng thời gian mỗi đấu thủ đã sử dụng,
I.2.4. Tên của đấu thủ có nước đi đã được niêm phong,
I.2.5. Số thứ tự của nước đi đã được niêm phong,
I.2.6. Đề nghị hòa, nếu như đề nghị này được đưa ra trước khi hoãn đấu,
I.2.7. Ngày, giờ và địa điểm thi đấu trở lại.
I.3. Trọng tài sẽ kiểm tra tính chính xác của các thông tin được ghi trên phong bì và chịu trách nhiệm bảo quản an toàn.
I.4. Nếu đấu thủ đề nghị hòa sau khi đối phương đã niêm phong nước đi của mình thì lời đề nghị đó có hiệu lực cho đến khi đối phương chấp nhận hoặc từ chối theo điều 9.1.
I.5. Trước khi tiếp tục lại ván đấu, phải xếp lại thế cờ ngay trước nước đi đã được niêm phong và thời gian mà mỗi đấu thủ đã sử dụng khi ván đấu bị hoãn cũng sẽ được cài đặt lại trên đồng hồ.
I.6. Nếu các đấu thủ đồng ý hòa trước khi bắt đầu lại ván hoãn đấu, hoặc nếu một trong hai đấu thủ thông báo với Trọng tài rằng anh ta xin thua thì ván đấu sẽ kết thúc.
I.7. Phong bì chỉ được mở ra khi đấu thủ phải đáp lại nước đi đã được niêm phong có mặt.
I.8. Ngoại trừ các trường hợp đã nêu tại các Điều 5, 6.9, 9.6 và 9.7, đấu thủ sẽ bị xử thua ván cờ nếu nước đi đã được niêm phong:
I.8.1. ghi không rõ ràng, hoặc
I.8.2. ghi vô nghĩa, không thể thực hiện, hoặc
I.8.3. không hợp lệ.
I.9. Tại thời điểm công bố tiếp tục thi đấu trở lại:
I.9.1. Đấu thủ phải đáp lại nước đi đã được niêm phong có mặt, phong bì sẽ được mở ra, nước đi niêm phong được thực hiện trên bàn cờ và đồng hồ của đấu thủ này bắt đầu chạy.
I.9.2. Đấu thủ phải đáp lại nước đi đã được niêm phong không có mặt, thì đồng hồ của đấu thủ đó được bấm chạy. Khi có mặt, đấu thủ có thể cho dừng đồng hồ và mời Trọng tài đến. Sau đó phong bì được mở ra và thực hiện trên bàn cờ nước đi đã được niêm phong, đồng hồ của đấu thủ sẽ được cho chạy lại.
I.9.3. Đấu thủ có nước đi đã niêm phong không có mặt, đối phương có quyền ghi nước của mình vào biên bản rồi cho vào một phong bì mới, bấm cho đồng hồ của đấu thủ vắng mặt chạy thay vì thực hiện nước đáp lại trên bàn cờ. Trong trường hợp này, phong bì được Trọng tài giữ ở nơi an toàn và chỉ được mở ra khi đấu thủ vắng mặt đã đến.
I.10. Bất cứ đấu thủ nào đến muộn hơn thời gian cho phép của giải sẽ bị xử thua trừ khi Trọng tài có quyết định khác. Tuy nhiên nếu nước đi đã được niêm phong dẫn đến kết quả ván đấu, kết quả đó vẫn được công nhận.
I.11. Nếu điều lệ giải chỉ rõ lượng thời gian cho phép đến trễ không phải là số không, điều sau đây sẽ được áp dụng: Nếu không có đấu thủ nào có mặt đúng giờ thì đồng hồ của đấu thủ phải đáp lại nước đi đã được niêm phong sẽ được chạy cho đến khi đấu thủ đó có mặt, trừ khi điều lệ giải hoặc Trọng tài có quyết định khác.
I.12.1. Nếu phong bì có nước đi đã được niêm phong bị mất, ván đấu sẽ được tiếp tục từ thế cờ bị hoãn, thời gian trên đồng hồ là thời điểm đã được ghi nhận lại khi hoãn đấu. Nếu thời gian mỗi đấu thủ đã sử dụng không thể thiết lập lại được, Trọng tài sẽ quyết định thời gian trên đồng hồ. Đấu thủ có nước đi đã được niêm phong sẽ thực hiện nước đi đó của mình trên bàn cờ.
I.12.2. Nếu không thể xếp lại thế cờ, ván đấu bị hủy và thi đấu lại ván mới.
I.13. Nếu tại thời điểm bắt đầu lại ván hoãn đấu, trước khi thực hiện nước đi đầu tiên của mình, một trong hai đấu thủ phát hiện thời gian trên một trong hai đồng hồ không chính xác thì phải được sửa lại cho đúng. Nếu sai sót được phát hiện trễ hơn, ván đấu vẫn sẽ tiếp tục mà không có sự điều chỉnh nào, trừ khi Trọng tài có quyết định khác.
I.14. Thời gian thi đấu lại của mỗi ván đấu sẽ được kiểm tra bằng đồng hồ của Trọng tài. Thời gian bắt đầu tiếp tục thi đấu phải được thông báo trước.
Hướng dẫn II. Luật cờ Vua 960
II.1. Trước khi bắt đầu một ván cờ Vua 960, vị trí ban đầu của các quân sẽ được xếp ngẫu nhiên theo những quy tắc nhất định. Sau đó ván cờ sẽ được thi đấu như cờ Vua thông thường. Cụ thể, các quân cờ và quân Tốt đi như bình thường và mục tiêu vẫn là chiếu hết quân Vua của đối phương.
II.2. Vị trí ban đầu:
Vị trí ban đầu của cờ Vua 960 phải đáp ứng những quy tắc nhất định. Các quân Tốt của bên Trắng vẫn đặt ở hàng thứ hai như cờ Vua thông thường. Tất cả các quân Trắng còn lại được đặt ngẫu nhiên ở hàng thứ nhất nhưng với những giới hạn như sau:
II.2.1. quân Vua đặt trong khoảng giữa hai quân Xe, và
II.2.2. hai quân Tượng đặt trên hai ô khác màu, và
II.2.3. quân bên Đen đặt đối diện tương ứng với các quân của bên Trắng.
Có thể thiết lập vị trí ban đầu của các quân trước ván đấu bằng việc sử dụng một phần mềm vi tính, bằng xúc xắc, đồng xu, thẻ v. v…
II.3. Quy tắc nhập thành của cờ Vua 960
II.3.1. Cờ Vua 960 cho phép mỗi đấu thủ được nhập thành một lần trong mỗi ván đấu, cùng một nước đi di chuyển cả quân Vua và quân Xe. Tuy nhiên, có một vài hướng dẫn cần thiết cho việc nhập thành bởi trong cờ Vua thông thường vị trí ban đầu của quân Xe và quân Vua là cố định, không áp dụng được cho cờ Vua 960.
II.3.2. Làm thế nào để nhập thành. Trong cờ Vua 960. Tùy thuộc vào vị trí trước khi nhập thành của quân Vua và quân Xe, việc nhập thành được thực hiện theo một trong bốn cách sau:
II.3.2.1. nhập thành nước đôi: thực hiện một nước đi quân Vua và một nước đi quân Xe, hoặc
II.3.2.2. nhập thành hoán vị: đổi vị trí của quân Vua và quân Xe, hoặc
II.3.2.3. nhập thành đi Vua: chỉ thực hiện nước đi quân Vua, hoặc
II.3.2.4. nhập thành đi Xe: chỉ thực hiện nước đi quân Xe.
II.3.2.5 Lưu ý:
II.3.2.5.1. Khi nhập thành trên một bàn cờ thật với đấu thủ là người thật, thì nên đưa quân Vua chuyển ra bên ngoài, đặt bên cạnh ô sẽ đến của nó, kế tiếp di chuyển quân Xe từ ô đang đứng sang ô đến, và rồi lúc đó mới đặt quân Vua vào ô đến.
II.3.2.5.2. Cần đảm bảo rằng vị trí sau cùng của quân Vua và quân Xe sau khi nhập thành phải giống với vị trí nhập thành của cờ Vua thông thường.
II.3.2.6 Cụ thể:
Sau khi nhập thành phía bên cột c (ký hiệu là 0-0-0, được xem như nhập thành cánh Hậu trong cờ Vua chính thống), quân Vua nằm trên ô c (c1 với bên Trắng và c8 với bên Đen), quân Xe nằm trên ô d (d1 với bên Trắng và d8 với bên Đen). Sau khi nhập thành phía bên cột g (ký hiệu là 0-0, xem như nhập thành cánh Vua như trong cờ Vua chính thống), quân Vua nằm trên ô g (g1 với bên Trắng và g8 với bên Đen), quân xe nằm trên ô f (f1 với bên Trắng và f8 với bên Đen).
II.3.2.7. Ghi chú
II.3.2.7.1. Nhằm tránh bất cứ hiểu lầm nào, nên thông báo “tôi nhập thành” trước khi nhập thành.
II.3.2.7.2. Trong một số vị trí ban đầu, quân Vua hoặc quân Xe (nhưng không phải cả hai quân) không di chuyển trong quá trình nhập thành.
II.3.2.7.3. Trong một số vị trí ban đầu, có thể thực hiện nhập thành ngay từ nước đi đầu tiên.
II.3.2.7.4. Tất cả các ô nằm giữa ô quân Vua đang đứng và ô đích đến (bao gồm cả ô sau cùng) và tất cả các ô nằm giữa ô đang đứng và ô đến của quân Xe (bao gồm cả ô sau cùng) phải trống ngoại trừ quân Vua và quân Xe thực hiện nước nhập thành.
II.3.2.7.5. Trong một số vị trí ban đầu, một vài ô có thể giữ lại các quân trong quá trình nhập thành mà lẽ ra được làm trống như trong cờ Vua bình thường. Ví dụ, sau khi nhập thành qua phía bên cột c 0-0-0, có thể các ô a, b hoặc e, vẫn có quân đứng, và sau khi nhập thành qua bên cột g (0-0), có thể các ô e và h còn quân đứng.
Hướng dẫn III. Ván đấu không cộng thêm thời gian bao gồm cả đấu nhanh cuối ván
III.1. “Ðấu nhanh ở cuối ván” là giai đoạn cuối của một ván cờ, mà tất cả các nước đi còn lại phải được hoàn thành trong thời gian có hạn.
III.2. Các hướng dẫn dưới đây liên quan đến giai đoạn cuối của ván cờ bao gồm cả đấu nhanh ở cuối ván, sẽ chỉ được sử dụng trong giải nếu đã được thông báo trước.
III.2.2. Các hướng dẫn này chỉ áp dụng cho các ván đấu không có cộng thêm thời gian ở cờ tiêu chuẩn và cờ nhanh, không áp dụng với cờ chớp nhoáng.
III.3.1. Nếu cả hai bên cùng rụng cờ và không thể xác định được bên nào rụng cờ trước thì:
III.3.1.1. ván cờ sẽ tiếp tục nếu điều này xảy ra trong bất cứ giai đoạn nào trừ giai đoạn cuối của ván đấu.
III.3.1.2. ván cờ được xử hòa nếu điều này xảy ra trong giai đoạn của ván đấu mà tất cả các nước còn lại được hoàn thành.
III.4. Nếu đấu thủ đang đến lượt đi chỉ còn dưới 02 phút trên đồng hồ, đấu thủ đó có thể yêu cầu một thể thức cộng thêm 05 giây tích lũy cho mỗi nước đi của cả hai bên. Điều này được xem như lời đề nghị hòa. Nếu đối phương từ chối hòa và Trọng tài chấp thuận, thì các đồng hồ sẽ được xác lập để chơi cộng giờ, đối phương sẽ được thêm hai phút và ván đấu tiếp tục.
III.5. Nếu Điều III.4. không được áp dụng và đấu thủ có thời gian thi đấu còn dưới hai phút, đấu thủ đó có thể đề nghị hòa trước khi rụng cờ. Đấu thủ có thể mời Trọng tài đến và được dừng đồng hồ (xem Điều 6.12.2). Đấu thủ có thể khiếu nại trên cơ sở là đối phương không thể thắng hoặc không có nỗ lực thực hiện các nước đi để giành chiến thắng bằng các cách thông thường. Điều đó có nghĩa:
III.5.1. Nếu Trọng tài đồng ý rằng đối phương không thể thắng hoặc không có nỗ lực giành chiến thắng bằng các cách thông thường, Trọng tài sẽ tuyên bố ván cờ hòa. Nếu không, Trọng tài sẽ tạm hoãn đưa ra kết luận hoặc bác bỏ khiếu nại.
III.5.2. Nếu Trọng tài tạm hoãn đưa ra kết luận, đối phương có thể được cộng thêm 02 phút, ván đấu sẽ tiếp tục dưới sự quan sát của Trọng tài nếu có thể. Trọng tài sẽ tuyên bố kết quả cuối cùng của ván đấu hoặc sớm nhất có thể khi một trong hai đấu thủ bị rụng cờ. Trọng tài sẽ tuyên bố ván cờ hòa nếu cho rằng dù đấu thủ đã hết giờ nhưng đối phương không thể thắng hoặc không có nỗ lực giành chiến thắng bằng các cách thông thường.
III.5.3. Nếu Trọng tài bác bỏ khiếu nại, đối phương sẽ được cộng thêm 02 phút.
III.6. Những điều dưới đây sẽ được áp dụng nếu ván đấu không có Trọng tài giám sát:
III.6.1. Một đấu thủ có quyền yêu cầu xử hòa khi thời gian của còn dưới 02 phút và trước khi bị rụng cờ. Ván đấu dừng tại đây. Đấu thủ có thể khiếu nại trên cơ sở:
III.6.1.1 rằng đối phương không thể chiến thắng bằng các cách thông thường hoặc
III.6.1.2. rằng đối phương không có nỗ lực giành chiến thắng bằng các cách thông thường.
với III.6.1.1 đấu thủ phải ghi rõ vị trí sau cùng của ván cờ và đối phương phải xác nhận điều đó.
với III.6.1.2 đấu thủ phải ghi rõ vị trí sau cùng của ván cờ và nộp tờ biên bản đã được ghi bổ sung. Đối phương phải xác nhận trên cả biên bản và vị trí sau cùng của ván cờ.
III.6.2. Khiếu nại sẽ chuyển đến Trọng tài được chỉ định.
CHÚ DẪN
Dưới đây là các chú dẫn của Người biên dịch về những vấn đề thường gặp để người chơi cờ dễ truy tìm trong các điều Luật FIDE như sau:
Cách chơi cờ Vua: từ Điều 1 đến 3
Chiếu hết và bắt Vua: Điều 1.4 đến 1.4.2 và 5.1.1
Bắt Tốt qua đường: từ Điều 3.7.4.1 đến 3.7.4.2
Phong cấp cho Tốt: từ Điều 3.7.5.1 đến 3.7.5.3; Điều 4.7.3 (chạm quân khi phong cấp) và Điều 7.5.2 (bắt buộc phong Hậu)
Nhập thành: từ Điều 3.8.2 đến 3.8.2.2 và Điều 4.7.2 (chạm quân khi nhập thành)
Chạm quân: từ Điều 4.2.2 đến Điều 4.8; Điều 9.4 (trong trường hợp đề nghị hòa); D.2.3 đến D.2.5 (đối với người khiếm thị)
Hoàn thành nước đi: Điều 6.2.1 đến 6.2.2; Điều 7.5.1 (nước đi không hợp lệ được tính là hoàn thành); D.2.2 (đối với người khiếm thị)
Sử dụng một tay: Điều 6.2.3 và 7.5.4
Đến trễ: Điều 6.7.1 đến 6.7.2
Hết thời gian: Điều 6.4, 6.8 đến 6.9; III.3.1
Nước đi không hợp lệ: Điều 3.10.2 và 3.10.3; Điều 7.5.1 đến 7.5.5; Điều A.4.2
Ván cờ hòa: Điều 1.5; Điều 5.2.1 đến 5.2.3 và toàn bộ Điều 9
Hòa do hết nước đi: Điều 5.2.1
Hòa do vị trí lập lại 3 lần: Điều 9.2.1 đến 9.2.2.2; 11.12 (kiểm tra)
Hòa do vị trí lập lại ít nhất 5 lần: Điều 9.6.1
Hòa trong trường hợp 50 nước đi: Điều 9.3.1 đến 9.3.2; 11.12 (kiểm tra)
Hòa trong trường hợp 75 nước đi: Điều 9.6.2
Cộng thêm 2 phút cho đối phương: các Điều 7.5.5, 9.5.3, B.2, III.5.2, II.5.3
Đấu thủ tự ghi điểm vào biên bản: Điều 8.7
Cấm mang thiết bị vào khu vực thi đấu: Điều 11.3.1 đến 11.3.3
Đồng hồ hỏng: Điều 6.10.1 đến 6.10.2
2 nhận xét:
thế có được ăn tướng ko ạ ? ví dụ như là đội bạn đang chiếu bằng 1 quân nào đó mà ko nói chiếu nên bên bị chiếu ko biết . bên bị chiếu lại đi quân khác chứ ko dùng quân tướng chạy
uật cờ Vua không thể bao quát tất cả các tình huống có thể xảy ra trong một ván cờ, cũng như không thể quy định hết tất cả các vấn đề hành chính liên quan.
Nếu có các tình huống xảy ra không được quy định hoàn toàn chính xác bởi bất cứ điều nào trong Luật, thì có thể nghiên cứu những tình huống tương tự được quy định trong bộ Luật để đưa ra một quyết định chính xác. Các điều Luật cho rằng Trọng tài có đủ thẩm quyền, khả năng phán quyết với tinh thần khách quan tuyệt đối. Một điều luật quá chi tiết có thể làm hạn chế quyền xét đoán của Trọng tài và vì thế cũng làm mất đi khả năng tìm kiếm một giải pháp công bằng, hợp lý và sát với thực tế để giải quyết vấn đề. FIDE mong rằng tất cả các kỳ thủ và các Liên đoàn đều đồng thuận với quan điểm này.
Điều kiện cần thiết để một ván đấu được tính hệ số đánh giá (rating) của FIDE là ván cờ đó phải được thi đấu theo Luật cờ Vua FIDE.
Đối với các ván đấu không được tính rating của FIDE thì cũng nên thi đấu theo Luật cờ Vua của FIDE.
Các Liên đoàn thành viên có thể đề nghị FIDE đưa ra một phán quyết về các vấn đề có liên quan đến Luật cờ Vua.
Đăng nhận xét