Sau 6 năm lăn lội trên "64 ô vuông" ở xứ người, HLV Cờ Vua Cần Thơ - Nguyễn Tấn Tùng quyết định trở về quê hương thành lập Trung tâm đào tạo Cờ Vua tư nhân đầu tiên ở Cần Thơ vào cuối năm 2007 tại số 4 Nguyễn Đình Chiểu, Ninh Kiều. Tích luỹ nhiều kinh nghiệp trong việc đào tạo, HLV Tấn Tùng đã áp dụng những phương pháp mới trong Cờ Vua vào thực tế tại Cần Thơ. Tìm hiểu vấn đề này, Phóng viên đã gặp và có cuộc trao đổi với HLV Cờ Vua lão luyện này.
* Thưa ông, được biết ông đang dạy Cờ Vua ở Singapore, Malaysia với thu nhập cao, vậy tại sao ông về Cần Thơ thành lập Trung tâm đào tạo Cờ Vua? Sau thời gian “bôn ba” xứ người, tôi tích lũy khá nhiều kinh nghiệm phát triển phong trào Cờ Vua. Dù ở xa, nhưng tôi luôn quan tâm đến Cờ Vua – môn thể thao thế mạnh của Cần Thơ, từng là một trong những đơn vị mạnh nhất cả nước, rất có tiềm năng phát triển. Tôi đã nung nấu ý tưởng từ lâu và nay quyết định trở về lập Trung tâm Cờ Vua có tên là “Tung Chess” để góp phần phát triển Cờ Vua Cần Thơ. Trong xu thế xã hội hóa TDTT hiện nay, thể thao có thể tự nuôi sống mình. Ở nước ta, đã có Công ty đào tạo cầu thủ tư nhân Văn Sỹ Thủy, Trung tâm thể thao tư nhân Thành Long... Ở Tp Hồ Chí Minh vừa xuất hiện Công ty Cờ Vua tư nhân Maika của ông Lê Hồng Đức – HLV trưởng đội tuyển Cờ Vua Việt Nam. * Vậy, “Tung Chess” hoạt động như thế nào, thưa ông? Ai đăng ký học Cờ Vua cũng được. Nhưng chúng tôi nhằm đến 2 đối tượng chính là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Trung tâm sử dụng giáo trình của Học viện Cờ Vua Đông Nam Á, đã được Liên đoàn Cờ Vua thế giới công nhận, biên soạn theo trường phái Cờ Vua Nga và Hà Lan. Chúng tôi tổ chức các lớp học vào 3 buổi/ngày, tập trung vào thứ 7, Chủ nhật. Học phí ở mức 290.000 đồng/tháng (tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 giờ đồng hồ). Mỗi lớp học không quá 20 học viên. Trong quá trình đào tạo, nếu phát hiện được nhân tố triển vọng, chúng tôi sẽ bàn với gia đình hướng các em đi theo con đường chuyên nghiệp. Tôi trực tiếp dạy Cờ. Ngoài ra, những người yêu Cờ Vua có thể đến “Tung Chess” đánh cờ, trao đổi kinh nghiệm... * Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cần Thơ cũng đào tạo Cờ Vua nhiều cấp độ, được hỗ trợ kinh phí đào tạo. Liệu “Tung Chess” có đủ sức cạnh tranh và thu được lợi nhuận?“Tung Chess” không cạnh tranh mà hợp lực với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cần Thơ bằng cách giới thiệu những VĐV có năng khiếu cho các tuyến trẻ của Cờ Vua Cần Thơ – vốn đang thiếu hụt lực lượng đồng thời góp phần thúc đẩy phong trào Cờ Vua. Từ lâu tôi muốn tự mình áp dụng cách thức đào tạo Cờ Vua mới mẻ. Chúng tôi sẽ kết hợp giữa dạy cờ và tiếng Anh cho các kỳ thủ. Trong quá trình dạy, tôi sẽ đưa ra nhiều thuật ngữ chuyên môn bằng tiếng Anh rồi khuyến khích các em thực hành, trao đổi, giao tiếp trôi chảy bằng tiếng Anh. Với những em khá ngoại ngữ, chúng tôi có thể dạy trực tiếp bằng tiếng Anh. Tôi thấy điều này là cần thiết bởi nhiều kỳ thủ Việt Nam thi đấu quốc tế khi cần khiếu nại với trọng tài lại gặp nhiều khó khăn về Anh ngữ. Tôi tin rằng, sau khoá cơ bản 6 tháng, các em có thể thi đấu cấp trường và khoảng một năm sẽ đủ sức dự các giải cấp quận, huyện... Đến nay, dù số lượng học viên chưa thật đông, nhưng với những nỗ lực hết mình cùng sự kiên nhẫn, tôi vẫn tin rằng thời gian tới mọi chuyện sẽ khác, “Tung Chess” sẽ "sống" được. * Ở Cần Thơ hiện nay, một số gia đình không muốn cho con theo Cờ Vua chuyên nghiệp bởi học văn hóa là điều quan trọng nhất. Liệu đó có phải đó là bất lợi đối với “TungChess”?Cờ Vua ở nhiều nước khác cũng gặp vấn đề tương tự. Nhưng chơi Cờ Vua có thể bổ trợ khả năng học văn hoá bởi Cờ Vua cũng phát triển tư duy lô gích, tính toán. Trên thế giới, đa số kỳ thủ nổi tiếng có trình độ học vấn rất cao. Các kỳ thủ cần kết hợp với học văn hóa tốt. Với những em có năng khiếu và đam mê, Cờ Vua chỉ nên chiếm dung lượng thời gian lớn hơn so với các hoạt động khác. Ở Cần Thơ, nhiều kỳ thủ giỏi hiện đang là giảng viên đại học, sinh viên... Chúng tôi muốn áp dụng những phương pháp đào tạo mới vào Cờ Vua ở Cần Thơ. “TungChess” sẽ giúp các em chơi Cờ hay, tăng cường khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh cũng như khuyến khích các em học tốt văn hóa. * Xin cám ơn ông và chúc “Tung Chess” thành công! Nguyễn Tấn Tùng từng là kỳ thủ có tiếng ở Cần Thơ. Ông làm HLV Cờ Vua của Cần Thơ từ năm 1986 đến năm 2001. 6 năm qua, Nguyễn Tấn Tùng dạy cờ ở Singapore và Malaysia. Ông đã học thêm về chuyên môn, ngoại ngữ, trở thành HLV Cờ Vua đẳng cấp FIDE (Liên đoàn Cờ Vua thế giới) và trọng tài quốc tế. Nguyễn Tấn Tùng từng được mời làm trọng tài ở Olympic Cờ Vua 2006 tại Italia. Hiện nay, HLV này đang là cán bộ của Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia tại Cần Thơ.
Lam Hậu Giang thực hiện
|
0 nhận xét:
Đăng nhận xét