Bé ở lứa tuổi tiểu học hoặc chuẩn bị vào lớp 1 là đã có thể làm quen với bản đồ tư duy. Phương pháp này đem lại cho con bạn những hiệu quả đáng kinh ngạc đấy.
Bản đồ tư duy là gì?
Bản đồ tư duy (Mind map) là phương pháp tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não, khai thác cả hai khả năng của não bộ là ghi nhớ theo trình tự nhất định và liên kết các dữ kiện với nhau.
Bằng cách dùng giản đồ ý, các dữ liệu được ghi nhớ và nhìn nhận dễ dàng, nhanh chóng hơn. Đây là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo, đã và đang đem lại những hiệu quả thực sự đáng kinh ngạc trên toàn thế giới.
Tony Buzan là người đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu tìm ra hoạt động của bộ não và phương pháp ghi nhớ. Ông đã xây dựng tên tuổi của mình từ một ý tưởng rất đơn giản mà ông gọi là Mind Maps (bản đồ tư duy).
Bản đồ tư duy được mệnh danh "công cụ vạn năng cho bộ não", là phương pháp ghi chú đầy sáng tạo, hiện đang được hàng trăm triệu người trên thế giới sử dụng, đã và đang đem lại những hiệu quả thực sự đáng kinh ngạc, nhất là trong công việc, trong giáo dục, kinh doanh, lập đề án, dự án…
Lập bản đồ tư duy là một cách thức cực kỳ hiệu quả để ghi chú. Bản đồ tư duy không chỉ cho thấy các thông tin mà còn cho thấy cấu trúc tổng thể của một chủ đề mà lại chi tiết. Nó giúp liên kết các ý tưởng và tạo những kết nối với các ý khác.
Bản đồ tư duy còn gọi là sơ đồ tư duy - là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, tóm tắt những ý chính của một nội dung, hệ thống hóa một chủ đề… bằng cách kết hợp việc sử dụng hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết và sự liên tưởng.
Lợi ích của bản đồ tư duy
Lợi ích mà bản đồ tư duy mang lại cho trẻ em là không nhỏ, bởi nó giúp các em ghi nhớ tốt hơn; biết cách sắp xếp thông tin và ý tưởng một cách khoa học, hệ thống hơn; kích thích trí tưởng tượng, óc sáng tạo của các em.
Thay vì những gạch đầu dòng nhàm chán, ghi nhớ bằng một bản đồ với những hình ảnh và màu sắc sinh động sẽ giúp bé không còn kém tập trung, diễn đạt lủng củng hay nhớ trước quên sau nữa.
Cách dạy bé sử dụng bản đồ tư duy
Bé ở lứa tuổi tiểu học hoặc chuẩn bị vào lớp 1 là đã có thể làm quen với bản đồ tư duy. Ban đầu, mẹ hãy cho bé học với những bản đồ tư duy đơn giản, rồi để bé tự điền vào một bản đồ có sẵn...
Bước 1: Dạy bé đọc và hiểu một bản đồ tư duy đơn giản
Bước 2: Cho bé điền vào một mẫu bản đồ tư duy có sẵn
Bước 3: Khuyến khích bé sử dụng bản đồ tư duy để tóm tắt lại một cuốn sách/câu chuyện
Bước 4: Khuyến khích bé sử dụng bản đồ tư duy để tự lập một kế hoạch thực tế
Bước 5: Khuyến khích bé thỏa sức sáng tạo với bản đồ tư duy
Một số lưu ý:
- Nên vẽ các nhánh theo thứ tự kim đồng hồ tạo nên hệ thống sắp xếp hợp lí và cảm giác thuận hơn.
- Luôn sử dụng màu sắc, bởi vì màu sắc cũng có tác dụng kích thích não như hình ảnh.
- Nên dùng các đường cong thay vì các đường thẳng vì các đường cong được tổ chức rõ ràng sẽ thu hút được sự chú ý của mắt hơn rất nhiều so với đường thẳng.
- Bố trí thông tin đều quanh hình ảnh trung tâm.
- Tạo ra một kiểu BĐTD riêng cho mình (kiểu đường cong, màu sắc…)
Anh Tuấn (Tổng hợp)
Nguồn: Gia đình Việt Nam
0 nhận xét:
Đăng nhận xét