PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng, sai lầm của Việt Nam hiện nay là coi nhẹ giáo dục sớm mà chỉ chú tâm cho trẻ từ 5 tuổi.
Ngày 21/12, tại buổi ra mắt bộ sách điện tử "Đổi thay thế giới từ một cách nhìn" đề cập việc giáo dục sớm cho trẻ 0-6 tuổi, PGS.TS Nguyễn Võ Kỳ Anh, Viện trưởng Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giáo dục sớm. Phương pháp này gồm các bài tập nhằm tác động, dẫn dắt, bồi dưỡng và phát triển toàn diện tiềm năng thể lực, trí tuệ, tâm hồn cho trẻ từ 0 tuổi (thai nhi) đến 6 tuổi.
"Nếu đến năm 17 tuổi, trí tuệ của một người có thể phát triển 100% thì vào năm 4 tuổi trí tuệ của trẻ đã đạt 50%, năm 8 tuổi phát triển tới 80%, từ đó đến năm 17 tuổi chỉ phát triển thêm tối đa 20%", PGS.TS dẫn chứng nghiên cứu trên hơn 1.000 trẻ em của nhà tâm lý học người Mỹ Benjamin Bloom.
PGS.TS.NGND Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng giáo dục sớm là việc rất quan trọng, ảnh hưởng đến sự hình thành, phát triển toàn diện của trẻ. Ảnh: Quỳnh Trang.
|
TS Kỳ Anh và bác sĩ Nguyễn Trọng An - chuyên gia cao cấp Chăm sóc và bảo vệ trẻ em cũng chỉ thêm, nghiên cứu của Tổ chức y tế thế giới cho thấy, 1.000 ngày được tính từ lúc bắt đầu thai kỳ đến khi trẻ tròn 2 tuổi là "cửa sổ cơ hội" để định hình tương lai khỏe mạnh và thịnh vượng.
Những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực nhi khoa cũng nhận định 3 năm đầu đời (tính từ lúc bắt đầu thai kỳ đến khi trẻ bước sang tuổi thứ ba) là "thời kỳ vàng" cho sự phát triển của trẻ. Nếu được theo dõi và chăm sóc về sức khỏe, dinh dưỡng và giáo dục phù hợp, trẻ không những phát triển tối đa trong giai đoạn hiện tại mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe và phát triển lúc trưởng thành.
Mục tiêu của giáo dục sớm, theo PGS.TS Kỳ Anh không phải để nhồi nhét tri thức mà góp phần kích hoạt các năng lực thiên bẩm, khai phá tiềm năng và khả năng phi thường trong những năm đầu đời của trẻ, nhằm hình thành các nền tảng tốt đẹp. 8 loại trí thông minh mà giáo dục sớm sẽ mang lại cho trẻ là: ngôn ngữ, Toán học logic, không gian thị giác, âm nhạc, vận động, môi trường tự nhiên, nhận thức bản thân và tương tác xã hội.
"Đứa trẻ phải phát triển toàn diện nhưng gia đình và nhà trường Việt Nam hiện nay chỉ chú trọng phát triển ngôn ngữ, Toán học, trong khi chỉ 25% người thành công trong xã hội là có IQ-học vấn cao", PGS Anh nói.
Viện trưởng Nghiên cứu giáo dục phát triển tiềm năng con người chỉ ra thêm thực trạng giáo dục hiện nay của Việt Nam chỉ chú trọng cho trẻ từ mẫu giáo trở đi để chuẩn bị cho việc học tập ở trường. Giáo dục sớm với nhóm trẻ ở tuổi mầm non bị coi nhẹ cả về hệ thống cơ sở vật chất chăm sóc… "Đây là sai lầm đã dẫn đến nhiều hậu quả cho cá nhân và cả lứa tuổi, điển hình việc trẻ bị bạo hành ở các lớp trông nom", nhà giáo nhân dân trăn trở.
Theo ông, trong khi nhiều quốc gia tiên tiên như: Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Hàn Quốc… đã phát triển mô hình giáo dục sớm thì Việt Nam chỉ một số tổ chức, cá nhân có cơ hội tiếp cận nền giáo dục tiên tiến ở nước ngoài, thực hành cho con em mình như trường hợp thần đồng Đỗ Nhật Nam.
Chuyên gia giáo dục cũng chỉ ra thực trạng vì coi nhẹ giáo dục sớm mà không ít thần đồng ở Việt Nam bị thui chột về sau. Cách giáo dục thần đồng hiện nay của Việt Nam "như của trời cho" nên cứ "hưởng thụ" mà không chăm sóc, giáo dục đúng cách khiến thần kinh não bộ giảm dần các kết nối, gây lãng phí nhân tài.
"Giáo dục sớm quan trọng nhất là sự giáo dục, tình cảm của gia đình. Bố mẹ chính là những người thầy đầu tiên ảnh hưởng sâu sắc, quyết định sự phát triển toàn diện của trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Bên cạnh đó, môi trường nhà trường, xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tâm hồn, trí tuệ của trẻ em", TS Kỳ Anh nói và kỳ vọng sẽ có sự đầu tư, coi trọng hơn cho phương pháp giáo dục đặc biệt quan trọng này.
Quỳnh Trang
Posted in: 14 ĐIỀU TUYỆT VỜI CỦA CỜ VUA BẠN NÊN BIẾT!, Muốn trẻ thành tài, phải giáo dục từ khi còn bào thai
0 nhận xét:
Đăng nhận xét