Hình ảnh những người đàn ông chăm chú bên những chương trình thể thao, đặc biệt là bóng đá đã trở nên vô cùng quen thuộc. Nhiều người phụ nữ đã đặt ra câu hỏi: Tại sao đấng mày râu lại đam mê thể thao đến vậy? Vì bản chất đi săn, thích sự chinh phục hay vì lý do nào khác? Nhưng có một điều dễ nhận thấy không phải môn thể thao nào cũng có sự xuất hiện của nữ giới.
Với những người sành chơi, bàn cờ tuy nhỏ bé, nhưng có thể giúp người chơi học hỏi biết bao điều. Người nóng vội trở nên kiên nhẫn. Bàn cờ dạy cho con người biết cách sống sòng phẳng trong cuộc đời. Nó còn cho con người biết phần thưởng của chiến thắng nan giải, hao tâm, tổn trí đến mức độ nào. Bàn cờ là nơi dạy người chơi đủ đầy nhất nghĩa của chữ dũng: biết sợ những điều đáng sợ và không sợ những điều không đáng sợ. Chơi cờ cũng như sống ở trên đời, phải tuân thủ nguyên tắc: không khoan, không hoãn, cấm à à. Một khi đã sờ vào thì phải nắm lấy cơ hội và chấp nhận trả giá...
Theo sử sách, cờ tướng ra đời từ khoảng thế kỉ VII, có xuất sứ từ Saturanga, trò chơi của người Ấn Độ. Sau đó, trò chơi trí tuệ này được truyền sang phía tây trở thành cờ vua, còn đi về phía đông thì thành cờ tướng. Vì thế mà có nhiều nét tương đồng giữa cờ vua và cờ tướng. Ngay sau khi du nhập vào Trung Quốc, cờ tướng đã biến đổi ít nhiều để phù hợp với văn hóa bản địa và trở thành “Quốc hồn Quốc túy” của đất nước đông dân nhất thế giới này. Đồng thời, trong các loại cờ, bàn cờ tướng có lẽ thể hiện rõ nét nhất văn hóa phương Đông. Người phương Đông chơi cờ tướng như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống: Ăn cờ tướng, ngủ cờ tướng, suy nghĩ với cờ tướng…
Không chỉ có vậy, cờ tướng thể hiện các yếu tố của Kinh Dịch bằng những vật thể thu nhỏ. Đó là bàn cờ, quân cờ, màu sắc, nước đi... Tất cả đều biến hóa sinh động khôn lường. Cờ tướng có hai bên đỏ (dương) và xanh hoặc đen (âm). Mỗi bên có 16 quân với âm dương cân bằng. Bên cạnh đó, về tứ tượng, cờ tướng có 4 quân Xe ở bốn góc, 4 Pháo, 4 Tượng, 4 Sỹ, 4 Mã. Về Ngũ hành có 5 Tốt; Về bát quái có Mã chuyển động tám hướng. Năm yếu tố - thái cực, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái đều có trong cờ tướng.
Tuy nhiên, bàn cờ này không có bóng dáng của nữ giới! Phải chăng do người Trung Quốc vì sợ tiếng nói nữ quyền sau hai lần nằm dưới sự trị vì của Lã Hậu (nhà Hán) và Võ Tắc Thiên (thời Đường) mà các triều đại phong kiến Trung Quốc sau này đều tìm cách cấm cản nữ giới tham gia chính sự. Do đó, bàn cờ tướng không có quân Hậu như cờ vua, cho dù cả hai loại cờ này đều có chung xuất xứ?
Cũng là một bàn cờ với có 32 quân, cờ vua là môn thể thao trí lực, là cuộc đấu trí chủ yếu giữa hai đấu thủ trên phạm vi bàn cờ. Trong quá trình thi đấu, hai đấu thủ không chỉ đua tranh với nhau về năng lực thi đấu (sự chuẩn bị thể lực, kỹ, chiến thuật, chiến lược và tâm lý thi đấu) mà còn là sự đấu trí quyết liệt về năng lực tính toán, phán đoán sự đáp trả của đối phương sau mỗi nước cờ. Với đặc thù là môn thể thao trí tuệ, lượng vận động chủ yếu là lượng vận động tâm lý tác động trực tiếp vào quá trình tư duy của người chơi, cho thấy sự tác động rõ nét của môn cờ vua đến năng lực trí tuệ nói riêng và các năng lực tâm lý nói chung.
Đặc biệt hơn, khác với cờ tướng, cờ vua thể hiện cho tiếng nói nữ quyền. Chỉ trong cờ vua mới có quân Hậu, cũng là quân đại diện duy nhất cho phái nữ trên bàn cờ và cũng là quân có quyền lực nhất. Dù ban đầu, quân Hậu chỉ có thể đi chéo và ăn chéo một ô, giống như quân vua. Rồi sau đó, quân hậu có thể đi hai ô. Phải đến thời Reconquista của nữ hoàng Isabella, quân Hậu mới trở thành quân cờ mạnh nhất trên bàn cờ. Lúc này, quân Hậu có thể đi ngang, đi đọc, đi chéo với số ô tùy ý và được xem là tổng hợp của quân xe và quân tượng. Tất cả quân đối phương đều bị quân Hậu tiêu diệt khi lọt vào “tầm ngắm” của nó. Hai bên chơi cờ chỉ có một hậu, nhưng nếu một con tốt đi đến hàng cuối thì nó có thể được phong cấp thành quân Hậu (nếu muốn). Người ta gọi sự phong cấp này là queening trong tiếng Anh. Khi bắt đầu ván cờ, mỗi bên có một Hậu nằm ở hàng đầu cạnh vua. Điều này thể hiện sự tôn trọng khả năng của phụ nữ, khi có thực tài thì vẫn có thể đảm nhiệm trọng trách quan trọng trong xã hội.
Tư tưởng về nữ quyền trong văn hóa phương Tây còn thể hiện trong nhiều hình thức giải trí khác. Đơn cử như bộ bài Tây (hay tú lơ khơ). Hẳn nhiều người đã biết đến hay chơi bộ bài Tây, nhưng không phải ai cũng hiểu nhân vật thực sự ẩn sau các quân bài. Trong đó, quân Q bích là nữ hoàng Eleanor - vợ của hoàng đế Leopold I. Đây là người phụ nữ duy nhất trong các quân bài cầm vũ khí. Quân bài Q tép là hoàng hậu Argine. Ẩn sau lá bài này là câu chuyện cuộc chiến hoa hồng của giới quý tộc ở Anh quốc. Hoàng tộc Lancaster lấy hoa hồng đỏ làm biểu tượng, trong khi hoàng tộc York lại chọn hoa hồng trắng. Sau khi hai hoàng tộc trải qua cuộc chiến hoa hồng, họ đã hòa giải và "bắt tay" với nhau nên trên tay vị hoa hậu này cầm bông hoa màu hồng.
Trên quân bài Q rô là hoàng hậu Rachel. Theo Kinh thánh Genesis, Rachel là vợ thứ hai của Jacob, tổ tiên của người Do Thái. Bà là người vợ mà ông yêu quý nhất. Bà cũng chính là em gái của Leah, người vợ đầu tiên của Jacob.
Hình ảnh xuất hiện trên lá bài Q cơ là nữ hoàng Judith - nhân vật trong kinh thánh Cựu ước. Với nhan sắc và mưu trí, bà đã hạ sát Holoferne, hùng tướng của Philitinh, để cứu người dân thành Bethulia.
Chuyện xưa là vậy, còn chuyện ngày nay cũng đã ít nhiều thay đổi. Tại các nước mang đậm dấu ấn văn hóa phương Đông, nhiều môn thể thao từng được mặc định thuộc về phái mạnh mà tiêu biểu nhất là bóng đá đã có ngày càng nhiều phụ nữ tham gia. Các đội bóng đá nữ ở châu Á cũng được thành lập ngày càng nhiều hơn và tham gia nhiều giải đấu lớn, mang tầm quốc tế, không thua kém nam giới. Có thể nói, phụ nữ Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung đang sống trong thời kỳ đầy thách thức và cũng nhiều hứa hẹn, khi những giá trị sống của phương Đông và phương Tây cùng song hành. Phải chăng, đã đến lúc phụ nữ nên tự tháo gỡ những rào cản về nhận thức để thể hiện mình nhiều hơn trong xã hội đương thời.
Theo SM
0 nhận xét:
Đăng nhận xét