Chào mừng các bạn đến với Hội Cờ Vua - Sân chơi trí tuệ dành cho mọi người - Cờ Vua giúp khai mở trí tuệ, kích hoạt não giúp trẻ thông minh hơn, ngoan hơn, học giỏi hơn. Liên hệ đăng ký học thử tại Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế Hotline: 090.264.1618

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2018

Hướng dẫn sử dụng chương trình SwissManager - Bài 2

Khởi tạo một Giải cá nhân

Ở bài 1 chúng ta đã tìm hiểu về cách cài đặt và gỡ bỏ chương trình SwissManger, trong đó tôi có nhấn mạnh rằng bạn cần phải có kiến thức về sử dụng hệ điều hành Windows và Excel. Như vậy nếu chưa có kiến thức này thì bạn hãy vui lòng đến các lớp "Tin học văn phòng" trước rồi hãy đọc tiếp bài này.
Trong các phần hướng dẫn sau này, mặc nhiên tôi xem như bạn đã biết làm chủ Windows và một số phần mềm cơ bản. Tuy nhiên ta cũng cần thống nhất một số quy ước về cách dùng thuật ngữ như sau:
1. Dùng từ Việt hóa trong cách gọi các ứng dụng trong Windows như mọi người đã từng dùng. Ví dụ như: tập tin (file), thư mục (folder), trình đơn (menu), nút lệnh (button), phím (key), hộp thoại (dialog), hộp kiểm hoặc hộp chọn hoặc tùy chọn (check box hoặc select box) v.v... và nhiều thuật ngữ khác không thể kể ra hết tại đây. Trong phần hướng dẫn có liên quan đến các lệnh của Windows tôi sẽ cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách dễ nghe nhất; Nếu không thể, tôi sẽ ghi tiếng Anh gốc trong ngoặc đơn ở lần xuất hiện đầu tiên.
Riêng phím, nút lệnh và trình đơn thể hiện trong bài viết sẽ theo nguyên tắc sau:
* tên "phím": được đặt giữa 2 ký tự< >.Ví dụ. <ENTER> là phím ENTER;
* tên "nút": được đặt giữa 2 ký tự
[ ].Ví dụ. [Exit] là nút Exit;
* tên "trình đơn": được đặt giữa 2 ký tự{ }với ký tự "/" bên trong. Ví dụ {File/Exit} là trình đơn File, sau đó chọn tiếp trình đơn con bên dưới là Exit;
tổ hợp phím: được đặt giữa 2 ký tự< > với dấu cộng "+"bên trong. Ví dụ <Ctrl + N> là ấn và giữ phím <Ctrl> sau đó ấn tiếp phím <N>.
2. Dùng từ Việt hóa trong cách gọi các thuật ngữ chuyên môn cờ vua như: hệ Thụy sĩ cá nhân (Swiss system), hệ vòng tròn cá nhân (Round Robin), hệ Thụy sĩ đồng đội (Swiss system for team), hệ vòng tròn đồng đội (Round Robin for team), hệ số phụ (Tie-break), cường số (rating), bốc thăm (pairing) v.v... tương tự như trên, trong chuyên môn cũng còn nhiều thuật ngữ khác không thể kể ra hết tại đây. Tôi sẽ cố gắng chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách hợp lý nhất; Nếu không thể, tôi sẽ ghi tiếng Anh gốc trong ngoặc đơn ở lần xuất hiện đầu tiên.

Giờ ta hãy bắt đầu khởi tạo một Giải mới

Để bắt đầu cho một giải mới, ta truy xuất trình đơn{File/new tournament...}hoặc ấn tổ hợp phím<Ctrl +N>.
Một hộp thoại yêu cầu chọn lựa thể thức thi đấu sẽ xuất hiện như hình 9 bên dưới:

Hình 9. Chọn Giải hệ Thụy sĩ
Hiện tại SwissManager có thể bốc thăm cho các hệ thống giải như: Hệ Thụy sĩ cá nhân, Hệ Thụy sĩ cá nhân tính hạng đồng đội (Swiss System (with team Tie-Break)), Hệ Thụy sĩ đồng đội, Hệ vòng tròn cá nhân, Hệ vòng tròn đồng đội.
Với hệ Thụy sĩ cá nhân tính hạng đồng đội, chương trình vẫn bốc thăm bình thường như hệ cá nhân, tuy nhiên bạn phải nhập dữ liệu câu lạc bộ (club) cho từng kỳ thủ của mình để có thể chọn lựa tránh bốc thăm các đấu thủ cùng đội không gặp nhau. Kết thúc giải ta có thể in kết quả đồng đội với trình đơn {lists/Team List}; Ta sẽ bàn về vấn đề này sau.
Tiếp tục ta bấm vào nút chọn[Swiss System]của hộp thoại trên để bắt đầu cho một Giải theo hệ Thụy sĩ cá nhân hoặc chọn[Round Robin]cho hệ vòng tròn cá nhân, sau đó bấm[OK].
Một hộp thoại mang tên "Set up new tournament" sẽ xuất hiện.

Hình 10. Đặt tên tập tin dữ liệu của Giải
Bên trên là hộp thoại yêu cầu bạn nhập tên tập tin mà bạn muốn lưu trữ dữ liệu của giải trên đĩa cứng.
Nếu như (ở bài 1) bạn giữ tất cả các thiết lập ngầm định của SwissManager khi cài đặt chương trình, bạn sẽ thấy các tập tin trong thư mục ngầm định của chương trình làTURNIERE(phần khoanh màu xanh ở hình 10). Tất nhiên là bạn có thể thay đổi thư mục ngầm định này bất cứ lúc nào bạn muốn với trình đơn{Specials/Language Selection and directories...}mà ta đã đề cập đến ở bài 1.
Tại khung"File name", ta nhập tên tập tin của giải. Như ở hình 10 tôi đặt tên tập tin là"test.TUNx".
 Phần mở rộng của tên tập tin thể hiện các hệ thống giải khác nhau:
.TUNx dành cho Hệ Thụy sĩ cá nhân
.TUMx dành cho Hệ Thụy sĩ đồng đội
.TURx dành cho Hệ vòng trò cá nhân
.TUTx dành cho Hệ vòng tròn đồng đội
Sau khi đặt tên tập tin và bấm[Save], một hộp thoại mang tên"Tournament data dialog"sẽ hiện ra để yêu cầu bạn nhập các thông số của Giải:
Hình 11. Hộp thoại nhập thông số của Giải
Bạn sẽ thấy hộp thoại này gồm 6 thẻ (tags): General, Tie-Breaks Lists, Board-List, FIDE-title và Other. Trong đó thẻ General và Tie-Break là quan trọng nhất.

Giờ ta sẽ bắt đầu với thẻ General.

Ở hình 11 tôi đã cố gắng diễn giải ở từng phần ngay trên hình ảnh minh họa của hộp thoại; Ví dụ như dòng "Designation" là nơi đặt tên giải, "Chiefabiter" là tên của Tổng trọng tài v.v... nói chung các tham số của một Giải khá đơn giản mà không cần giải thích nhiều nếu bạn đọc kỹ các dòng chữ Việt mà tôi đã ghi lên hình 11; Tuy nhiên ta cũng cần theo một số quy tắc sau:
1. Ở các tham số được tô màu vàng thì không nên bỏ trống, trong đó Tên giải (Designation) và số vòng đấu (Rounds) là bắt buộc.
2. Các tham số khác:
+ Federation:tham số này rất quan trọng, bạn hãy bấm vào mũi tên bên phải của hộp tham số sẽ thấy một hộp đổ xuống cho chọn tên của từng quốc gia tổ chức. Thường thì nên chọn là Việt Nam (dù là giải nhỏ ở địa phương) để tránh nhầm vị trí dữ liệu quốc gia khác khi chúng ta tải lên internet để công bố thông tin, tôi sẽ nói về vấn đề này sau.
+ Rounds:Tổng số ván của Giải đấu;
+ Replay:Số lượt đấu. Ngầm định của SwissManager sẽ = 1, tức là chỉ có 1 lượt; Nếu bạn thiết lập là 2 thì có nghĩa là sẽ có lượt đi và lượt về, mỗi lượt 1 ván.
+ Points for the bye player:điểm cho đấu thủ được miễn đấu, ngầm định là 1 ở Hệ Thụy sĩ và bằng 0 ở hệ vòng tròn. Nếu bạn thiết lập tham số này bằng 0 thì người được miễn đấu sẽ không có điểm nào.
+Dated from(nơi khoanh màu tím): để nhập ngày bắt đầu ván 1 và ngày kết thúc ván cuối;
+Color for home game:đây là khu vực thiết lập cho giải đồng đội (phần khung màu đỏ);
+Rated(tô màu xanh lá): để chọn cách tính hạng theo cường số quốc gia hay quốc tế. Nếu theo quốc tế thì hiện nay giá trị thấp nhất sẽ được gán cho người chưa có cường số là 1200.
+ Vùng"Sorting/Display": sẽ quyết định việc xếp hạt nhân của giải sẽ căn cứ theo cường số quốc gia hay quốc tế. Trong trường hợp bạn chọn xếp hạt nhân theo cường số quốc gia thì cường số quốc tế vẫn có tác dụng nếu đấu thủ đó không có cường số quốc gia, nếu chọn ngược lại cũng sẽ tương tự như thế. Nếu cường số bằng nhau thì chương trình sẽ xếp thứ tự theo đẳng cấp và theo vần họ rối đến tên.
+ Nút[Copy tournament data]cho phép bạn sao chép toàn bộ các tham số của giải (và cả ngày tháng) từ một giải khác đã làm trước đây.
+ Tham số "age-groups" sẽ do chương trình tự gán: ví dụ như U14, U16 ,U18, U20, S60, W50 v.v...
Tham số "cut off date" hạn định nhóm tuổi theo định dạng yyyy/mm/dd: sẽ khó hiểu đây, các bạn chú ý nhé.
Ví dụ nếu bạn chọn "cut off date" là 2012/01/01 thì các nhóm tuổi sẽ được SwissManger xếp theo nguyên tắc tính từ ngày 1 tháng 1 năm 2012 trừ dần xuống, như vậy tuổi U14 sẽ sinh từ 1998/01/01 đến 2012/01/01.
Nhưng nếu bạn đặt thông số cho "cut off date" là 1998/06/06 thì chương trình sẽ "quay về quá khứ" vào thời điểm ngày 6 tháng 6 năm 1998 và xem như những ai sinh từ ngày 1984/06/06 thì chỉ có mới có 14 tuổi. 

Như vậy để SwissManager tính chính xác nhóm tuổi, bạn nên đặt thông số "cut off date" vào ngày đầu năm mà bạn đang sống. Trường hợp cần tính cụ thể tuổi theo ngày sinh nhật thì "cut off date" sẽ phải là ngày thi đấu ván cuối cùng của giải (ở phần nâng cao tôi sẽ nói trở lại tham số "cut off date" này).

Tiếp theo ta sẽ chuyển sang thẻ Tie-breaks

Sau khi thiết lập các thông số cần thiết cho một giải đấu, ta chọn tiếp thẻ"Tie-breaks"của hộp thoại (phần tôi khoanh màu đỏ ở hình 11). Hộp thoại giờ chuyển sang phần để thiết lập hệ số phụ dùng để phân hạng (Tie-breaks).
Đương nhiên là bất cứ giải nào người ta cũng đều xếp hạng theo điểm, nhưng nếu cần tính hạng cho những người đồng điểm với nhau thì người ta sẽ xem xét đến hệ số phụ, vì vậy phần thiết lập hệ số phụ này cũng rất quan trọng mà bạn không nên bỏ qua.
Ta có hình 12 bên dưới:

Hình 12. Chọn hệ số phụ cho Giải
Trong hình 12 bạn sẽ thấy tôi vẽ 2 khung màu: Khung bên trên(viền màu xanh)là các hệ số phụ có sẵn trong chương trình SwissManager. Khung bên dưới (viền màu đỏ) là các hệ số phụ được chọn để áp dụng cho giải.
Các hệ số phụ có sẵn trong SwisManager có rất nhiều; Tác giả của chương trình rất thường xuyên cập nhật bổ sung thêm nên số lượng hệ số đến nay đã là 60. Như hình 12 ở cuối mỗi dòng của từng hệ số ta sẽ thấy có một con số thứ tự đại diện cho một hệ số đặt trong móc [ ]. Tùy theo hệ giải Thụy sĩ hoặc vòng tròn cá nhân hay đồng đội v.v... ta sẽ có những hệ số tương ứng với giải đó xuất hiện ở khung bên trên (dự kiến ở bài khác, phần nâng cao của hướng dẫn, tôi sẽ giải thích chi tiết từng hệ số này)
Để chọn hệ số phụ cho giải, bạn dùng chuột bấm vào hệ số nào mà bạn muốn ở khung trên, nó sẽ tự động chép xuống khung bên dưới (trừ những hệ số có chữ "...(variable with parameter)" thì bạn phải thiết lập thêm tham số). Thứ tự sắp sếp các hệ số được chọn ở khung bên dưới cũng sẽ là trình tự để xếp hạng. Như hình 12 tôi chọn trình tự xếp hạng với hệ số phụ là: điểm (đương nhiên), hệ số lũy tiến [8], hệ số Buchholz [37] và số ván thắng [12].
+ Nếu muốn thay đổi trình tự thì bạn hãy bấm chuột vào hệ số muốn đổi và bấm nút[Line -1]hoặc[Line + 1];
+ Nếu muốn bỏ 1 hệ số nào đó thì bạn hãy bấm chuột vào hệ số muốn bỏ và bấm nút[Remove Tie-Break]; Nếu muốn bỏ hết hệ số để làm lại thì bạn bấm nút[delete all Tie-Breaks]Chú ý rằng SwissManager yêu cầu bạn phải chọn hệ số phụ cho giải.
+ Nếu muốn thay đổi thông số của các hệ số có chữ "...(variable with parameter)" thì bấm nút[Change Parameter].
Sau khi chọn hoàn chỉnh các hệ số, bạn hãy bấm lại thẻ General của hộp thoại và bấm nút[OK]. Hộp thoại"Tournament data dialog"sẽ được đóng lại, một hộp thoại khác sẽ xuất hiện để bạn nhập danh sách đấu thủ tham dự.

Hình 13. Hộp nhập danh sách đấu thủ
Hình trên bạn cũng sẽ thấy 2 khung.
+ Phần khung ở trên (khoanh màu đỏ) hiển thị danh sách kỳ thủ trong bảng cường số (rating list). Khung này chỉ là khung hiển thị, ta không thể nhập dữ liệu vào khung này được. Nếu có danh sách đấu thủ nào trên khung này thì bạn có thể dùng các phím mũi tên lên hoặc xuống hoặc dùng chuột để chọn đấu thủ thích hợp đưa vào khung dưới. Tôi sẽ nói lại khung này ở bài nâng cao; bài cơ bản tôi sẽ chỉ nói ở khung nhập liệu bên dưới.
+ Phần khung dưới (khoanh màu xanh) là khung chứa danh sách các đấu thủ tham dự giảiChiều cao của khung có thể thay đổi bằng cách kéo chuột tại đường phân đôi màu xanh nằm ở giữa 2 khung.
Ở khung này, bạn có thể trực tiếp nhập liệu đấu thủ tham dự. Nếu bạn nào đã có kỹ năng thực hành MS-Excel hoặc MS-Access thì sẽ dễ dàng thao tác trên khung này. Ví dụ như dùng phím <Tab> để di chuyển con trỏ chuột, hoặc nhập một ký tự mới đè lên thay thế ký tự cũ, hoặc bấm chuột vào các cột đầu dòng để xếp thứ tự theo cột đó, hoặc kéo cột ra cho vừa bằng cách kéo chuột ở tiêu đề cột v.v...
Để nhập tên đấu thủ, bạn có thể bấm chuột vào nút[manually input],sau đó bấm vào vùng dữ liệu của cột"Last name"và bắt đầu nhập các chi tiết của đấu thủ. Hình 13 được lấy dữ liệu từ giải HDBank 2012 để làm mẫu, mọi chi tiết như trên hình đều khá dễ hiểu. Ý nghĩa của từng cột dữ liệu như sau:
Cột (trường dữ liệu)Ý nghĩa. Ví dụ
Last nameHọ
First nameTên
GraduateTước hiệu
TitleĐẳng cấp IM,GM,WGM,FM,...
Rtg.natCường số quốc gia: từ 0 đến 2999
Rtg.IntCường số quốc tế: từ 0 đến 2999
BirthNgày sinh: theo quy ước yyyy/mm/dd hoặc yyyy/00/00 ví dụ như 1974/12/30 hoặc 1974/00/00
FedLiên đoàn (tên đơn vị) Mã tên 3 ký tự của Liên đoàn VIE, AUT, GER
SexGiới tính: W hoặc F: nữ, M hoặc để trống: nam; C: máy tính.
TypeNhóm tuổi: U10, U12, S60, sẽ tự động gán vào nếu ta xác định trong hộp Tournament dialog
GroupNhóm: 4 ký tự bất kỳ
ID noMã định danh: thường dùng cho mã của quốc gia, ví dụ như 105020 (cho nước Áo)
Fide-NoMã định danh: FIDE: dùng cho mã trong danh sách của FIDE, ví dụ 1600320
SourceNguồn: diễn giải nguồn của bảng danh sách cường số mà bạn nhập vào, ví dụ như:
AUT... từ danh sách của Áo
FID... từ danh sách của FIDE
Trống ... do nhập thủ công
CNoSố của câu lạc bộ. Ví dụ 1005 cho CLB Cờ Breitensee
ClubTên CLB. Ví dụ: CLB cờ Breitensee
BNoSố vị trí bàn (chỉ dành cho giải đồng đội)
TNoSố của đội (chỉ dành cho giải đồng đội)
Short nameTên viết ngắn lại (viết tắt 1 phần), ngầm định Swissmanager sẽ tự đặt tên viết ngắn.
RankcorrCột Rankcorr để tác động vào bảng xếp hạng. Thường cột này mặc định là 0 (không ảnh hưởng đến vị trí hạng). Tại cột này, thứ hạng có thể thay đổi bằng cách thủ công nếu cần thiết.
StatusTình trạng thi đấu. Dùng cho các giải vòng tròn. Nếu đấu thủ bỏ cuộc ở hệ này và điểm của anh ta không được tính vào bảng xếp hạng sau cùng (theo thông lệ nếu anh ta thi đấu ít hơn 50% tổng số ván đấu) bạn có thể nhập vào ô Status dấu - (dấu trừ). Đấu thủ đó sẽ không được xếp hạng và điểm thi đấu của anh ta sẽ không dùng để tính hệ số phụ, Nếu bạn vẫn muốn dùng điểm của anh ta để tính hệ số thi đánh vào ô Status dấu + (dấu cộng).
SNoSố thứ tự ban đầu (số hạt nhân). Do chương trình tự gán nên không thể thay đổi.
PtsAddĐiểm thêm cho mỗi đấu thủ (ví dụ, điểm cho các vòng loại hoặc điểm ở trận tranh hạng trực tiếp (play-off)) có thể nhập điểm vào ô đó để thay đổi cho phù hợp với thứ hạng sau cùng. Song song đó hệ số phụ (Tie-Break) cũng phải chọn như sau: "Points (Game-points + Qualifying-points) [42]", "Play-off Points [43]").
RankXếp hạng. Do chương trình tự gán nên không thể thay đổi.
BNoPairVị trí bàn trong danh sách bốc thăm. Nhập số thứ tự vào ô này trước khi bốc thăm nếu bạn muốn xếp đặt vị trí các bàn thi đấu trong hệ Thụy sĩ cá nhân.
KHệ số K của FIDE dành để tính cường số ratings quốc tế.
Hộp thoại nhập tên đấu thủ trên còn có 2 nút là [spec.selection], [Accept] và 1 hộp "name of code" liên quan đến danh sách kỳ thủ trong bảng cường số ở khung trên, do đó ta cũng sẽ nói về vấn đề này ở phần nâng cao. Và tất nhiên trong phần nâng cao tôi sẽ bàn đến giải pháp để giúp bạn đỡ nhọc nhằn trong việc nhập liệu nếu giải có đến hàng trăm đấu thủ. Tuy nhiên như tôi đã nói ở bài 1 rằng bạn cần rèn luyện để phát triển kỹ năng thao tác, như vậy bạn cứ hãy trải nghiệm chương trình bằng cách nhập tay từng đấu thủ một nhé.
Sau khi nhập đầy đủ chi tiết cho một đấu thủ ở dòng 1, bạn bấm chuột xuống dòng 2 và tiếp tục nhập liệu; cứ như thế cho đến khi nhập đủ toàn bộ danh sách đấu thủ.
Nếu muốn xóa đấu thủ nào thì bấm chuột vào tên đấu thủ đó, sau đó bấm nút[Delete].
Sau khi nhập liệu xong, bấm [OK] để đóng hộp thoại lại, bây giờ bạn có thể bốc thăm cho ván đấu đầu tiên của giải được rồi. Sau này nếu bạn muốn xem lại hoặc sửa chữa danh sách đấu thủ thì có thể truy xuất các trình đơn:
{Input/Input player...}Nhập tên đấu thủ mới
{Input/player..}Hiển thị/ thay đổi dữ liệu đấu thủ, phím tắt <Ctrl + F6>
attentionTrước khi kết thúc bài 2 tôi xin nói lại về việc nhập các tham số của giải ở phần trên, trong đó phần ghi tên quốc gia (Federation), nơi tổ chức giải, là rất quan trọng, dù là giải nhỏ ở địa phương. 
Vì nếu không như thế, sẽ có lúc bạn dùng mã bản quyền không hợp pháp hoặc vay mượn của quốc gia nào đó, thì khi tải dữ liệu lên internet để công bố thông tin ở trang http://chess-results.com sẽ bị đưa nhầm sang kho dữ liệu của quốc gia có người sở hữu mã bản quyền đó. 
Ví dụ như một số giải địa phương Quận Hải Châu, Đà Nẵng, bị tải nhầm sang Singapore như hình 14 dưới đây:
image14
Hình 14. Một số Giải của Việt Nam tải lên nhầm sang Singapore
Do bài đã dài nên tôi phải thay đổi lộ trình và kết thúc bài 2 tại đây vậy, nhân tiện cũng để bạn có thời gian tập khởi tạo một giải mới và thử nhập liệu đấu thủ, tốt nhất là không nên học quá nhanh.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618