Nếu đầu hè, cha mẹ tìm mọi cách khích lệ trẻ chơi thể thao cho năng động thì vào năm học, có nên duy trì hay cắt giảm tập thể thao để con tập trung đèn sách cũng là câu hỏi khó.
Thực tế, đây là tâm lý chung của nhiều phụ huynh. Còn từ góc nhìn của chuyên gia tâm lý hay những người mẹ thông thái, họ nghĩ sao về vấn đề này?
Tri thức - “trục tọa độ” cần nhưng chưa đủ
Trong các cuộc trò chuyện, phụ huynh thường hỏi nhau thành tích học tập của con mà ít khi đề cập hoạt động thể thao hay sự rèn luyện khác của bé. Cũng từ thói quen này, nhiều phụ huynh trở nên lúng túng khi định hướng cho con có nên tiếp tục tập luyện thể thao khi vào năm học mới.
Trong hè, chị Lan Anh cho con trai 10 tuổi đi tập võ tại một trung tâm gần nhà. Cậu bé tỏ ra rất đam mê môn này. Tuy nhiên từ giữa tháng 8, khi trường bắt đầu học chính khóa, bên cạnh niềm vui con rắn rỏi hơn sau hè, chị khá phân vân có nên cho bé học võ tiếp hay không. “Cháu vẫn rất hăng hái mỗi chiều ra sân. Nhưng tôi lại lo cháu không đủ thời gian hoàn thành bài vở, tập trung học hành”, chị Lan Anh chia sẻ.
Cân đối học hành - tập luyện thể thao khi vào năm học mới luôn khiến nhiều phụ huynh đau đầu.
Không sai khi những bậc làm cha mẹ nhận thức được tầm quan trọng của việc học tập với con trẻ. Tuy nhiên theo chuyên gia tâm lý Tô Nhi A, đây mới chỉ là góc nhìn từ “trục tọa độ” tri thức. Ngoài trí tuệ, nhiều phụ huynh đã quên rằng sự phát triển của con còn được đo theo các “trục tọa độ” khác như kỹ năng, thể chất, phẩm chất...
Nữ thạc sĩ tâm lý ví trẻ như cây đang lớn. Để cây phát triển tốt nhất không thể chỉ bón phân, tưới nước hoặc ra nắng thật nhiều, mà cần hài hòa các yếu tố này. “Con trẻ cũng thế. Mong muốn con được phát triển tốt nhất, chúng ta không thể chỉ tập trung ở một trục tọa độ mà cần phải giúp con phát triển đa dạng, toàn diện ở các mặt”, chuyên gia Tô Nhi A đưa ra lời khuyên.
Trẻ lớn khôn khi được phát triển “đa trục”.
Hiểu được tầm quan trọng của việc giúp trẻ phát triển toàn diện, hay nói theo cách của chuyên gia Tô Nhi A là “phát triển đa trục”, nhiều trường học đã đưa võ thuật, bóng đá, bơi lội… vào giảng dạy. Theo thầy cô huấn luyện, các môn thể thao này rèn cho trẻ sự kiên trì, dẻo dai, phản xạ nhanh, đồng thời giảm áp lực để học tập tốt hơn.
Còn tại ngôi trường nơi bé Dâu - con gái của mẹ Nguyễn Ngọc Thanh Thảo (MC Thanh Thảo Hugo) theo học, các CLB bóng đá, bóng rổ… được duy trì đều đặn trong năm học. Nữ MC tiết lộ con gái là một trong 10 thành viên năng nổ của đội bóng rổ. Dâu luôn có một tiếng tập bóng sau giờ học, mỗi tuần 2 buổi. “Nhờ thể thao, con có cơ hội bung tỏa mệt mỏi sau giờ học, có niềm vui bạn bè nữa. Mình luôn khuyến khích con tập luyện thể thao”, Thanh Thảo cho biết.
Học tập và rèn luyện thể thao, chọn sao cho vẹn cả đôi đường?
Vẫn biết vận động đem lại nhiều lợi ích, nhưng sắp xếp thời gian học tập – rèn luyện thể thao sao cho phù hợp lại không hề đơn giản. Từ kinh nghiệm của một bà mẹ hiện đại, Thanh Thảo chia sẻ trong vài tuần đầu năm học, bố mẹ nên sát sao thời gian biểu của bé, linh hoạt sắp xếp để bé không thấy thay đổi đột ngột dẫn đến khó chịu, bất hợp tác.
Về chuyện học, cô không ép Dâu mỗi ngày phải học bao lâu. Nếu nhiều bài quá, con có thể nghỉ một chút rồi học tiếp, hoặc hôm sau dậy sớm hơn để hoàn thiện.
Song song đó, chơi thể thao ở trường hay ở nhà vẫn được nữ MC duy trì như một thói quen dù đã vào năm học. Tuy nhiên, cô sẽ linh hoạt tùy khả năng và thời điểm. “Những hôm con mệt, không muốn vận động mạnh thì mẹ con sẽ chơi với bowling nhựa, ném vòng, đánh cờ vua, tập yoga… trong nhà, không nhất thiết cứ vận động là phải đẩy con ra ngoài”, Thanh Thảo cho biết.
Tuy vậy, cũng có không ít trường hợp vấn đề lại nằm ở trẻ: Bé thích chơi thể thao nhưng sợ ảnh hưởng chuyện học. Lúc này, cha mẹ hãy tâm sự những câu chuyện thực tế với con. Bởi theo chuyên gia Tô Nhi A, con trẻ thường tin và sẽ bị thuyết phục bởi những câu chuyện cụ thể, gần gũi, có thể kiểm chứng. Ví dụ bạn A từ khi tập luyện thể dục thể thao đã có được những lợi ích nhất định và việc học tập được tốt hơn.
Với các bé sợ chơi thể thao vì áp lực huy chương, cha mẹ nên tôn trọng và tạo điều kiện để con tự do lựa chọn, đặc biệt không tạo áp lực thành tích và cần lưu ý tính vừa sức của con. “Nếu chúng ta chơi thể thao vì sức khỏe và rèn luyện tính cách cho trẻ, việc bám sát các thành tích không tưởng sẽ khiến khiến trẻ hoảng sợ hoặc chán nản với thể thao”, chuyên gia tâm lý Tô Nhi A nhận định.
Cha mẹ nên cho con tập luyện thể thao vì sức khỏe của bé, thay vì chạy theo thành tích.
Một khi cả cha mẹ và bé đã giải tỏa được gánh nặng tâm lý, cả nhà sẽ cùng hướng tới mục tiêu chung: Học chất, chơi chất. Bởi không ai có thể phủ nhận được lợi ích của thể thao trong việc phát triển toàn diện cơ, xương, khớp ở trẻ. Vận động cũng tốt cho trí não, giúp bé tỉnh táo và tập trung học hơn.
Ngoài ra sau những giờ học, chơi một môn thể thao là cách để trẻ giải tỏa áp lực, đồng thời hình thành đức tính đáng quý như tinh thần đồng đội, sự bền bỉ, đam mê và quyết tâm... Cùng tham gia một môn thể thao, ba mẹ còn dễ chia sẻ các vấn đề học tập, trường lớp, bạn bè, từ đó gắn bó với con hơn.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét