Giúp trẻ tự tin để thành công hơn trong cuộc sống. Rèn luyện sự tự tin cho con ngay từ nhỏ, con sẽ có nhiều bạn hơn, mạnh dạn phát biểu ý kiến, sống tích cực hơn…
“Con sợ rớt môn toán”, “Con không biết chọn học môn năng khiếu nào”, “Con không biết cách vẽ tranh đẹp nếu không có mẹ giúp”, “Con không thể tự làm chiếc máy bay nếu không có bố phụ”. Tất cả những câu nói này đều thể hiện sự thiếu tự tin của trẻ. Vậy có cách nào để xây dựng lòng tự tin cho trẻ? Có đấy bạn, mách bạn những mẹo nhỏ dưới đây nhé.
13 mẹo giúp trẻ trở nên tự tin hơn
1. Tình yêu thương vô bờ
Bạn hãy dành nhiều tình cảm cho con ngay cả khi không có thời gian. Con cần biết mình được yêu thương bất kể con có điểm tốt hay xấu nào. Tình yêu vô điều kiện của bố mẹ sẽ là nền tảng cho con để trở thành người tự tin và bạn cần phải tôn trọng con.
2. Tập trung vào điểm mạnh và cải thiện điểm yếu
Để giúp trẻ trở nên tự tin hơn, bạn không nên chú ý vào những thiết sót của con mà nên tập trung cho con phát huy điểm tốt. Khi con cảm thấy thất vọng vì gặp thất bại trong cuộc sống như kết quả học tập kém, không biết chơi một môn thể thao… lúc này, bạn hãy ở bên cạnh và nói về những thành công mà con có thể đạt được.
Điều này không có nghĩa là bạn bỏ qua những lỗi lầm của con. Bạn hãy giúp con nhận ra những bài học bổ ích từ lỗi lầm của mình. Tuy nhiên, bạn cũng đừng quên tập trung vào những thành tích của trẻ, nhắc nhở rằng con có thể thành công miễn là mình muốn.
3. Đừng vội giúp trẻ
Bất kỳ bố mẹ nào cũng muốn bảo vệ con mình, sẵn sàng làm một vài thứ để giúp trẻ khi cần. Tuy nhiên, nếu bạn giải quyết những vấn đề nhỏ của con sẽ không phải là một ý tốt, thậm chí là ngăn cản kỹ năng giải quyết vấn đề ở trẻ. Việc giúp đỡ con hoàn toàn là một ý tốt nhưng bé phải nhận ra được vấn đề của mình là gì.
4. Để bé đưa ra quyết định
Tự quyết định là một kỹ năng quan trọng mà bé cần phải học để trở nên tự tin hơn. Việc tự quyết định giống như cho trẻ quyền lựa chọn để làm một việc gì đó. Tuy nhiên, trẻ không có khả năng giống như người lớn là biết cách tự đưa ra quyết định.
Để giúp trẻ dễ dàng lựa chọn, bạn có thể bắt đầu bằng cách cho con hai lựa chọn và yêu cầu trẻ chọn điều tốt nhất. Ví dụ, bạn có thể để con gái sáu tuổi quyết định mặc gì đến trường miễn là bộ đồ đó lịch sự. Bằng cách này, bạn cũng có thể dạy trẻ phải chịu trách nhiệm về quyết định của chúng.
5. Khuyến khích và bồi dưỡng kỹ năng đặc biệt của con
Một số trẻ có sở thích về âm nhạc, nhảy múa, trong khi những đứa trẻ khác thích vẽ tranh. Bạn nên tìm ra năng khiếu đặc biệt, vấn đề mà con quan tâm và khuyến khích con phát triển năng khiếu này.
Nếu con thích vẽ, bạn có thể cho bé đến một lớp học vẽ. Nếu trẻ thích thể thao, bạn có thể khuyến khích con tham gia đội bóng rổ hoặc bóng đá của trường. Việc tập trung phát triển vào những mặt tốt của con sẽ giúp con trở nên tự tin hơn.
6. Để con chịu trách nhiệm
Một cách hiệu quả để xây dựng sự tự tin là cho trẻ làm việc nhà nằm trong khả năng của chúng. Trẻ có thể tự mình làm tốt một số việc, thậm chí có việc có thể làm bạn kinh ngạc. Vì vậy, hãy để con bắt đầu bằng những việc nhỏ trong nhà như phơi đồ, quét nhà, dọn bát đũa, lau bàn sau khi ăn, cho thú cưng ăn… Bạn đừng quên dành lời khen ngợi khi con làm tốt điều đó!
Khi trẻ nỗ lực để đạt được điều gì đó, bạn hãy đánh giá cao chúng. Điều này giúp khích lệ tinh thần ở trẻ. Ví dụ, nếu con đã nhớ cho chú cún cưng ăn mỗi ngày được hai tuần, mà bạn không cần phải nhắc nhở, hãy khen ngợi bé vì việc làm đó.
7. Tự nói chuyện với mình
Tự nói chuyện (suy nghĩ trong đầu) tác động đáng kể đến cảm xúc cũng như thành công sau này của trẻ. Nếu con tin rằng mình có thể làm điều gì đó và tự nói rằng mình sẽ làm được mỗi ngày, cuối cùng, trẻ sẽ làm được thật.
Ví dụ, con rất thích xe tải nên tự mở Youtube tìm cách hướng dẫn làm mô hình xe tải. Sau đó, con thu thập các vật liệu và tiến hành làm. Cuối cùng, bé cũng làm được chiếc xe tải mô hình và thích thú khoe với mọi người.
8. Đặt ra mục tiêu thực tế
Khi giao việc nằm ngoài khả năng, bạn vô tình sẽ làm giảm sự tự tin ở trẻ. Tuy nhiên, nếu bạn muốn con thành công trong cuộc sống và phát triển khỏe mạnh, tự tin, hãy đặt ra những mục tiêu phù hợp với độ tuổi của con.
Ví dụ, bạn đặt mục tiêu cho con học piano và đàn thành thạo trong một tháng. Đây là mục tiêu không thực tế. Lúc này, bạn có thể chia nhỏ mục tiêu ra, tuần đầu tiên, bé học cách để bàn tay lên phím đàn đúng cách, biết được các nốt nhạc…
9. Dạy trẻ tính độc lập
Một đứa trẻ tự tin không sợ làm thử những điều mới mẻ, chẳng hạn như thử hương vị kem mới, đi xe mới tại công viên giải trí, gặp bạn bè mới ở lớp nghệ thuật hoặc câu lạc bộ những người đam mê tranh ảnh. Dù vấn đề đó là gì, hãy khuyến khích trẻ thử làm một điều gì đó mới.
Đồng thời, hãy dạy trẻ xử lý tình huống khó khăn có thể đến với chúng. Ngoài ra, bạn cho phép trẻ đi dã ngoại, cắm trại để phát triển sự độc lập của trẻ và dạy trẻ cách xử lý các tình huống khác nhau mà không cần sự giúp đỡ của bạn.
11. Để trẻ chấp nhận sự thất bại
Bất kể cố gắng thế nào, bạn cũng không thể kiểm soát được sự thành công hay thất bại của con. Giống với mọi người, con sẽ trải nghiệm sự thất bại, thất vọng, đau đớn và những lời chỉ trích. Ví dụ, khi chơi một ván cờ, con bị thua nên tỏ ra thất vọng, buồn chán. Bạn có thể đố con biết là tại sao con lại thua, có thể do con chơi hời hợt, đánh đại nên dẫn đến thua. Lúc này, bạn khuyến khích trẻ chơi cẩn thận một chút, chịu khó suy nghĩ một chút, con sẽ đánh thắng thôi mà.
12. Là tấm gương tốt cho bé
Bố mẹ luôn là tấm gương tốt cho trẻ. Bạn luôn là người tự tin trong suy nghĩ và hành động. Trẻ sẽ bắt chước những điều mà bạn làm. Do đó, bạn hãy cố gắng trở thành tấm gương tốt cho bé.
13. Khuyến khích trẻ bộc lộ tình cảm và cảm xúc
Một đứa trẻ tự tin có thể bày tỏ tình cảm và cảm xúc của mình thoải mái, nhưng không quá kích động hoặc hung hãn. Sự tự tin là cách thể hiện cảm xúc lành mạnh và giúp trẻ biết khi nào nên bình tĩnh. Khuyến khích con thể hiện cảm xúc của mình bằng cách nói chuyện, viết ra giấy hoặc dạy trẻ làm thế nào để giữ bình tĩnh trong những tình huống khác nhau.
Những trò chơi giúp trẻ trở nên tự tin
1. Gợi lại những thành tựu của bé
Bạn có thể giúp trẻ trở nên tự tin hơn bằng cách gợi nhớ lại những thành tích mà bé đã đạt được. Để làm được điều này, bạn cần giấy và bút. Tất cả những người trong gia đình, kể cả con có 15 phút để ghi lại những thành tích mà mình đạt được dù lớn hay nhỏ lên tờ giấy.
Sau đó, gấp tất cả các tờ giấy và ghi tên mình lên tờ, sau đó cho vào một cái bát rồi chuyền đến từng người trong nhà, mỗi người sẽ bốc lại tờ giấy và đọc to nội dung bên trong. Bằng cách này, nhiều người sẽ biết thành tích của trẻ cũng như trẻ có thể biết thành tích của người khác. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy tự hào và tự tin hơn.
2. Hộp ma thuật
Bạn cần chuẩn bị một bìa cứng và một cái gương. Đầu tiên, dùng bìa cứng tạo thành một chiếc hộp. Tiếp theo, bạn cho một chiếc gương vào trong hộp sao cho bất cứ ai nhìn vào bên trong cũng có thể thấy hình ảnh của mình trong chiếc hộp đó.
Đặt chiếc hộp ma thuật ở giữa và hỏi: “Con nghĩ ai sẽ là người đặc biệt trong chiếc hộp này?”. Khi con nhìn thấy mình trong gương, con sẽ nghĩ mình là người đặc biệt và trẻ trở nên tự tin hơn về bản thân mình.
3. Quản lý mọi thứ tốt hơn
Hoạt động này giúp trẻ tập trung vào mục tiêu để đạt kết quả dễ dàng. Bạn cần chuẩn bị giấy, bút chì và thước, lên kế hoạch thực hiện trong bao lâu, một ngày, một tuần hoặc một tháng. Bạn chia tờ giấy thành bốn cột, mỗi cột là một nhiệm vụ. Bạn đừng quên cho trẻ ngày hoàn thành nhiệm vụ nhé.
Dán tờ giấy lên tủ lạnh hoặc tường phòng ngủ của trẻ. Bằng cách sử dụng tờ giấy kế hoạch, bạn có thể giúp con tiến bộ hơn trong việc hoàn thành bài tập. Ngoài ra, bạn còn giúp trẻ hứng thú với việc hoàn thành bài tập hơn bằng cách tặng cho bé một ngôi sao hoặc một mặt cười khi bé hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn. Sau khi bé làm tốt tất cả kế hoạch đề ra, bạn thưởng cho bé một món quà mà bé yêu thích.
4. Không để công việc quá lâu
Thông thường, trẻ nhỏ hay chán, bỏ lỡ giữa chừng nếu không làm được việc gì đó. Bạn có thể giúp con cải thiện bằng cách viết một cái bảng gồm 2 cột trên giấy: một cột là mục tiêu bé muốn làm ban đầu, cột thứ 2 là mục tiêu mới nếu bé không thực hiện được mục tiêu đầu. Với cách làm này, bạn sẽ giúp con thực hiện mục tiêu một cách linh hoạt hơn, không bị chán nản và hoàn tất công việc càng sớm càng tốt.
5. Cùng một ký tự, đặt nhiều tên khác nhau
Đây là một trò chơi vui nhộn có thể khuyến khích trẻ tự mô tả về bản thân. Bạn nói: “Bắt đầu” và con bắt đầu nhẩm bảng chữ cái trong đầu. Bạn bảo: “Dừng”, bé sẽ báo ký tự mình đang nghĩ tới và mô tả bản thân bắt đầu với ký tự này.
Ví dụ: Trẻ nhẩm đến chữ m trong bảng chữ cái và nói to: “mũm mĩm”.
6. Di chuyển theo nhạc
Nhảy múa giúp bé trở nên vui vẻ hơn. Một số trẻ cảm thấy xấu hổ và không muốn nhảy vì chúng nghĩ mình nhảy không đẹp. Tuy nhiên, nếu bạn để bé thử với trò chơi này, bạn có thể nhận được sự thay đổi của bé. Tham gia trò chơi này, trẻ cần di chuyển cơ thể theo âm nhạc. Nếu trẻ muốn nhảy, hãy để trẻ nhảy mà không cần quan tâm việc trẻ nhảy như thế nào, có tốt hay không. Hãy nhớ rằng mục đích để trẻ nhảy là cho trẻ hoạt động.
7. Sáng tạo
Một cách khác để xây dựng sự tự tin của trẻ là khuyến khích con thử làm một cái gì đó sáng tạo, ví dụ như tự nghĩ ra một câu chuyện. Nếu trẻ không làm được điều đó, bạn có thể kể một câu chuyện và cho bé xây dựng tình huống trong câu chuyện đó. Ví dụ, bạn kể chuyện cô bé quàng khăn đỏ, đến đoạn cô bé gặp chó sói, bạn khuyến khích con tự nghĩ ra tình huống tiếp theo sẽ là gì. Tùy theo sự hiểu biết của con, con có thể cho con chó sói và cô bé trở thành đôi bạn thân hoặc chó sói sẽ tấn công cô bé và may mắn là có chú thợ săn giải cứu. Cho dù diễn biến câu chuyện thế nào, bạn hãy đánh giá cao nỗ lực và sự sáng tạo của trẻ. Hoạt động này cũng sẽ giúp bạn hiểu sâu hơn về quá trình tư duy của con.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử các trò chơi nhập vai, các hoạt động được hẹn giờ và các trò chơi xây dựng đội nhóm để khuyến khích con làm bất cứ điều gì mình có thể, tự tin. Đó là một công việc đang tiến triển sẽ cần bạn kiên nhẫn và hỗ trợ cho trẻ để có được kết quả mong muốn.
Hy vọng rằng bài viết giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về cách giúp con trở nên tự tin hơn cũng như giúp bạn hiểu rõ hơn về con yêu.
Theo HLBS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét