Sở hữu tuổi đời 600 năm nếu tính từ mốc đầu tiên được thành hình như hình
hài hiện tại, và sẽ là 1500 năm nếu tính cả tiền thân của mình là cờ
chaturanga, cờ vua là trò chơi cổ xưa và cũng đang là trò chơi phổ biến nhất
trên thế giới. Tuổi đời dài lâu kéo theo nhiều huyền thoại. Từ xưa đến nay nó
đã trở thành niềm cảm hứng trong nhiều lĩnh vực, như văn chương, thi ca và cả
những lĩnh vực hiện đại như khoa học máy tính. Bài viết này sẽ cùng tìm hiểu những
huyền thoại, hoặc huyễn tưởng, về cờ vua và cuộc cách mạng khoa học máy tính đã
thay đổi diện mạo của trò chơi này một cách sâu sắc như thế nào.
Những huyễn tưởng đầu tiên về “cuộc cờ” và “cuộc đời”
Tiền thân của cờ vua là cờ chaturanga, một trò chơi mô phỏng chiến tranh với
bốn loại quân tương ứng với bốn binh chủng trong quân đội: chiến xa, kị binh,
tượng binh, bộ binh. Chaturanga ban đầu tương đối khác cờ vua hiện đại, nó xuất
phát từ Ấn Độ, dần dà được du nhập sang Ba Tư, rồi sang châu Âu và đã có bước
tiến hoá lớn ở châu lục này để trở thành cờ vua với luật chơi như hiện nay.
Người ta thường coi điểm mốc đầu tiên của cờ vua là khi quân Hậu từ quân cờ yếu
ớt với nước đi ngắn trở thành quân cờ mạnh nhất bàn cờ với khả năng đi đến bất
kì đâu theo đường thẳng và chéo. Thời điểm lúc bấy giờ là thế kỉ XV.
Cũng giống như những tay mơ mới học chơi cờ của thế hệ chúng ta, buổi bình minh
của cờ vua được khắc hoạ bằng các lối chơi thiên về cách đánh cảm tính, còn gọi
là cách đánh giang hồ hoặc cách đánh lãng mạn, nơi người ta tư duy về trò chơi
này như cách tư duy về chiến tranh ngoài thực tế. Cũng bắt đầu từ đây mà cờ vua
được sản sinh ra những huyền thoại đầu tiên về mối quan hệ giữa cuộc cờ và cuộc
đời, về khoa học kết hợp với nghệ thuật, về thứ trực giác bắt buộc phải có khi
chơi cờ. Thậm chí đi xa hơn, các nhà đạo đức thời đó lấy cả cờ vua ra để giảng
đạo, thế kỉ XIII có hẳn một quyển sách sử dụng cờ vua để định hướng đạo đức xã
hội và được cho là bán chạy thứ hai, chỉ sau Kinh Thánh [1].
Thế kỉ XV đến thế kỉ XIX được gọi là thời đại lãng mạn của cờ vua. Ngày nay
việc kiểm soát các ô trung tâm trên bàn cờ là nguyên tắc tối quan trọng với
những ai học chơi cờ dù chỉ là nghiệp dư. Nhưng ở thế kỉ XV thì nguyên tắc ấy
chưa xuất hiện. Các kì thủ hồi đó mang tư duy đánh cờ như đánh trận. Giống như
đầu trận đánh các tướng lĩnh thường xung phong lên trước, thì đầu cuộc cờ người
ta thường chỉ mở 1 đến 2 Tốt rồi tung quân nặng và nhẹ ra luôn, đặc biệt là Hậu
và Mã vì tính cơ động vốn có của chúng. Mục đích đánh trận là lấy mạng tướng
giặc nên trên bàn cờ vị trí cần tập trung tấn công của các kì thủ bấy giờ là
khu vực quân Vua đứng. Dấu vết của cách đánh này có thể tìm được ở những ván
chơi của Gioachino Greco (1600-1634), kì thủ người Ý này được cho là tay cờ
mạnh nhất thời bấy giờ
Đặc trưng của kiểu chơi cờ lãng mạn là nó chỉ tập trung vào
chiến thuật ngắn hạn và thiếu đi các chiến lược dài hạn. Ván cờ thường chỉ là
cuộc đấu cục bộ của một số quân được tung ra, nhanh gọn và chớp nhoáng đến mức
nhiều khi Vua bị chiếu bí mà một nửa quân trên bàn cờ vẫn chưa được triển khai.
Các kì thủ thời kì này chưa có các lí thuyết cờ rõ rệt, chỉ
chơi và phân tích các biến theo kinh nghiệm. Chỉ mãi đến thế kỉ XVIII,
François-André Philidor (1726-1795) lần đầu tiên đưa ra lí thuyết cờ quanh vấn
đề xây dựng cấu trúc Tốt. Trong khi những kì thủ đương thời coi Tốt là vật cản
không cho quân mạnh lên chiến đấu, Philidor đã nhìn ra những điểm mạnh nếu biết
cách sắp xếp Tốt hiệu quả nhằm làm tiền đề cho các cuộc tấn công trong lâu dài.
Philidor để lại câu nói bất hủ cho giới chơi cờ vua “Tốt là linh hồn của cuộc
cờ.”
Với tầm nhìn vượt thời đại và gần như mang tính định hình,
không có gì khó hiểu khi ông trở thành một trong những “kì vương không ngai”
đầu tiên của làng cờ vua, tức là những nhà vô địch ở vào thời mà cờ vua chưa có
các giải đấu chính thức để tranh ngôi vô địch. Chỉ có điều đáng tiếc là
Philidor đi trước thời đại quá sớm, lí thuyết của ông và sự hiệu quả của nó
không tác động đủ mạnh để khiến làng cờ bấy giờ bỏ đi lối tư duy lãng mạn “đánh
cờ như đánh trận”. Tư duy đánh cờ lãng mạn vẫn kéo dài thêm 100 năm nữa, cho
đến khi xuất hiện Wilhelm Steinitz (1836-1900), nhà vô địch chính thức đầu tiên
của làng cờ.
Sinh ra trong thời đại của cách đánh lãng mạn, thế nhưng Steinitz theo đuổi
cách đánh xây dựng cấu trúc Tốt của Philidor và cải tiến nó. Việc lên ngôi vô
địch của Steinitz không những là bằng chứng chứng minh cho lí thuyết của
Philidor, còn là dịp hiếm hoi để thấy cách con người phản ứng trước huyễn tưởng
của mình đang bên bờ vực sụp đổ khi phải đối mặt với thực tế phũ phàng.
Steinitz đánh theo kiểu phòng thủ chắc chắn để tích luỹ lợi thế dần dần, thay
vì lao lên thí quân và tấn công vội vàng. Cũng chính vì vậy mà một thời gian
dài cách đánh của ông bị coi là “hèn nhát” và dấy lên nhiều phản đối, trước khi
nó được công nhận rộng rãi vì thực chiến cho thấy đó là cách đánh thật sự hiệu
quả
Xét theo cả quan điểm trí tuệ lẫn quan điểm thể thao, cách
đánh phòng thủ của Steinitz không có gì sai. Về trí tuệ, cờ là một biểu tượng
của sự vươn lên ở trí tuệ con người, những danh kì miệt mài tìm ra lí thuyết
mới và áp dụng thành công vào thực tế bằng những chiến thắng, đó là dấu hiệu
đáng mừng của trí tuệ. Mọi sự lãng mạn hoá đều trở thành lạc nhịp nếu không cho
một chiến thắng ở thực chiến. Về thể thao, cờ là môn đối kháng với mục đích cao
nhất là chiến thắng đúng luật, sẽ là bất công với những kì thủ bỏ hàng chục năm
để rèn luyện mà không được chiến đấu bằng chiến thuật tối ưu, thay vào đó phải
đánh cờ sao cho “đẹp mắt” người xem, biết rằng vẻ đẹp ấy không được xây dựng
trên những giá trị cốt lõi của cờ.Dù sao thì huyễn tưởng đầu tiên này cũng đã
chỉ còn là dĩ vãng, ít nhất là đối với giới kì thủ chuyên nghiệp. Nhưng chúng
ta mới đang dừng lại ở cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX, khi mà khoa học máy tính
mới chỉ đang nhăm nhe trỗi dậy – sự trỗi dậy ấy mang đến một thay đổi sâu sắc
với làng cờ.
Những huyễn tưởng về tầm quan trọng của “trực giác” trong cờ
Đã có một thời gian dài việc nhận xét người khác “Đánh cờ như
máy” là hành động xúc phạm. Câu nói ấy hàm ý người đánh cờ vừa đưa ra một nước
đi ngô nghê, rập khuôn, thiếu cái hồn. Bạn có thể cảm nhận điều này thông qua
việc đánh với máy. Rất dễ có cảm giác khó chịu khi nước cờ của chúng thường
không nhằm đáp trả lại nước cờ của bạn, trông không có chút liên quan đến tình
huống hiện tại và dường như chứa đựng một toan tính xa xôi đến mức khó đoán.
Lúc bấy giờ, người ta quan niệm trực giác được coi là thứ tối quan trọng trong
cờ vua, mà nếu không có thì không chơi giỏi được.
Nhưng câu “Đánh cờ như máy” đến nay đã trở thành dĩ vãng, và nếu có chăng nó
còn được sử dụng thì là sử dụng như một lời khen. Từ sắc thái chê bai nó chuyển
dần sang sắc thái khen ngợi, ngày nay ai đánh cờ được như máy hẳn phải là một cao
thủ tầm cỡ thế giới. Thậm chí trong các giải đấu, đánh giống máy quá nhiều nước
đi trong một chuỗi còn bị nghi ngờ là gian lận.
Sự thay đổi trong cách nhìn nhận của con người này nằm ở sự tiến bộ chóng mặt
của máy móc trong việc chơi cờ, mà dấu mốc quan trọng không thể không kể đến là
năm 1997, khi lần đầu tiên loài người thua máy móc trong một cuộc đấu cờ chính
thức. Nhà vô địch cờ vua lúc bấy giờ, Garry Kasparov, đấu với siêu máy tính của
IBM, Deep Blue. Kết quả chung cuộc của cuộc đấu năm 1997 là Deep Blue–Kasparov:
3½–2½ (Deep Blue 2 thắng, 3 hoà; Kasparov 1 thắng, 3 hoà).
Nhiều điều thú vị có thể rút ra từ cuộc đấu này. Thứ nhất, chiến thắng này của
máy móc không phải là quả bom nổ bất thình lình, mà nó là chiến thắng có thể dự
đoán được qua những tiến bộ được tích luỹ dần dần của khoa học máy tính. Trước
cuộc đấu 1997, Kasparov đã có một cuộc đấu khác với Deep Blue vào năm 1996. Kết
quả cuộc đấu 1996 là Kasparov–Deep Blue: 4–2 (Kasparov 3 thắng, 2 hoà; Deep
Blue 1 thắng, 2 hoà). Điều đó có nghĩa là Deep Blue từng thắng nhà vô địch
Kasparov 1 ván ở năm 1996.
Thứ hai, cũng giống như những thành công trong lí thuyết cờ của Philidor không
đủ để xoá tan những huyễn tưởng của thế kỉ XVIII trong một sớm một chiều, chiến
thắng năm 1996 của Deep Blue cũng như vậy đối với huyễn tưởng về thứ trực giác
bắt buộc phải có trong cờ vua. Thực tế, sau ván thua năm 1996, Kasparov cáo
buộc đội ngũ IBM gian lận vì lén lút cho một đại kiện tướng-con người điều
khiển Deep Blue khi đấu với ông. Sau ván thua năm 1997, Kasparov cũng đưa ra
cáo buộc tương tự như vậy. Lí do ông nói thế là bởi ở những ván ấy Deep Blue
đưa ra những nước cờ “có hồn” quá, có “tính người” quá, đến mức ông đoán chỉ có
con người mới chơi như thế được mà thôi.
Nhưng đó là ở quãng năm 1997 khi trí tuệ của máy móc chưa hoàn toàn gạt bỏ được
mọi nghi ngờ, sau đó người ta vẫn tiếp tục mở nhiều cuộc đấu giữa máy và người
nữa. Nhưng đến năm 2019 con người đã hoàn toàn từ bỏ mọi nỗ lực nhằm thắng cờ
máy. Năm 2016, chính Kasparov cũng thừa nhận rằng tất cả cáo buộc của ông đều
không đúng và ngày nay một phần mềm chơi cờ chạy trên laptop bình thường cũng
có thể thắng Deep Blue dễ dàng .
Trong khi đó Deep Blue đã thắng Kasparov, và Kasparov hiện đang là kì thủ con
người có chỉ số ELO cao thứ hai trên thế giới (sau Magnus Carlsen), vậy thì ta
có thể mường tượng máy móc đang lấn lướt các kì thủ con người dễ dàng đến mức
nào.
3. Làng cờ còn lại gì sau khi cơn bão máy móc quét qua?
Câu trả lời, đáng mừng là, còn rất nhiều. Hay thậm chí có thể nói là làng cờ
nhận về nhiều hơn mất. Sau chiến thắng của Deep Blue, mặc dù lòng tự tôn cũng
như huyễn tưởng của loài người bị đánh phá tơi bời, nhưng không vì thế mà chúng
ta bỏ cờ. Gần như ngay sau đó, Kasparov vẫn tiếp tục chơi cờ, nhân loại vẫn
tiếp tục học, dạy, chơi, và thi đấu cờ. Đây có thể coi là phẩm chất thật sự cao
đẹp ở con người đối với cờ, đó là chơi không hoàn toàn để thắng. Mặc dù biết
rằng giống loài chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội trở thành nhà vô địch nữa,
nhưng chúng ta vẫn cứ chơi cờ.
Chỉ có điều là tất cả hoạt động liên quan đến cờ của chúng ta từ đó trở đi
không bao giờ còn như xưa nữa.
Chúng ta thực tế hơn. Sau hai đợt đổ vỡ ảo tưởng trong lịch sử cờ như chúng tôi
đã kể, ngày nay chúng ta rất hiếm khi được nghe các kì thủ chuyên nghiệp khen
ngợi cờ vua bằng những sáo ngữ liên quan đến trực giác, nghệ thuật, chiến
tranh, hay bài học cuộc đời, v.v. Những sáo ngữ ấy nếu có thì chỉ nằm trên
miệng dân ngoại đạo mà thôi, bởi kì thủ chuyên nghiệp nào cũng hiểu rằng đây là
trò chơi thuần tuý tính toán, và ai muốn chơi giỏi thì tốt nhất nên sắm cho bản
thân một phần mềm dạy cờ tân tiến, thay vì ngồi suy tư những bài học cuộc sống
từ một trò chơi có 64 ô vuông.
Tính thực tế này đôi khi thực tế đến mức trần trụi. Theo đại kiện tướng người
Nga Vladimir Kramnik, máy móc ngày nay hiện đại đến mức xây dựng được cả thư
viện khổng lồ tất cả những khai cuộc (giai đoạn đầu tiên và quan trọng nhất
trong ba giai đoạn của một ván cờ bao gồm khai cuộc, trung cuộc, tàn cuộc) hay
dùng, các kì thủ thay vì tự nghiên cứu các biến thể khai cuộc, họ có thể
tham khảo thư viện khai cuộc để rồi học thuộc lòng. Nhiều ván đấu đỉnh cao được
chơi bằng cách học thuộc lòng suốt một nửa đầu ván. Vì lí do này mà nhiều người
nói rằng cờ vua đã bớt sáng tạo và đang dần trở thành môn học thuộc lòng nhàm chán.
Nhưng điều này không phải lỗi do máy. Máy móc chỉ đang tìm ra những cách chơi
cờ tối ưu mà thôi, nó cũng giống với công việc của biết bao nhà lí thuyết cờ
trong quá khứ, chỉ là được làm một cách triệt để hơn.
Khi Philidor đề ra lí thuyết cấu trúc Tốt cũng là lúc lối
chơi lãng mạn đến hồi cáo chung, khi Steinitz đề ra cách chơi phòng thủ cũng là
lúc lối chơi thí quân vồ vập trở nên rệu rã. Càng tối ưu càng bớt đa dạng, đó
dường như là đặc điểm của trò chơi này, dựa trên luật chơi nó đang có. Cách duy
nhất để thoát khỏi nó chỉ có thể là sửa luật cờ mà thôi, như Bobby Fischer đã
từng làm khi sáng tạo biến thể cờ Chess960.
Mặt khác, việc xem thi đấu thể thao bằng tâm thế xem phim
drama đã là sai lầm từ cơ bản. Những gì thể thao đề cao là tính trung thực, vẻ
đẹp của thể thao cũng xuất phát từ đó mà ra. Người ta nên xem thi đấu cờ bằng
con mắt của trí tuệ thay vì chờ đợi những cảm xúc kịch tính như là một nước vô
nghĩa nhưng chuyển bại thành thắng, hay một sai lầm nhưng vẫn đem về vinh
quang. Những cảm xúc kịch tính kiểu này chỉ thoả mãn những khán giả tò mò chứ
không đem lại giá trị tốt đẹp cho kì thủ, nếu biết rằng một sai lầm trong cờ
vua có thể khiến kì thủ thức nhiều đêm dài dằn vặt bản thân, một thất bại vì
sai lầm dễ khiến công sức rèn luyện của kì thủ ấy trở thành mây khói, và một kì
thủ ngồi vào bàn cờ để tìm trí tuệ và chiến thắng, chứ không phải tìm drama hay
mong muốn bản thân trở thành một phần của vở kịch thỏa mãn khán giả.
Chúng ta khiêm nhường hơn. Nhà vô địch-máy móc hiện nay trong cờ vua là AlphaZero.
AlphaZero cũng là máy đánh cờ, nhưng dùng công nghệ mới mẻ và hiện đại hơn
nhiều so với Deep Blue, AlphaZero có khả năng tự chơi và tự học từ những ván
chơi với bản thân mà không được cung cấp các kiến thức gì ngoài luật chơi tối
thiểu, thậm chí không được biết về nguyên tắc khai cuộc. Trong 9 giờ tự chơi,
nó hoàn thành 44 triệu ván đấu. Sau 2 giờ, nó chơi giỏi hơn con người. Sau 4
giờ, nó chiến thắng phần mềm cờ vua tốt nhất con người đang có. Nó mất chưa đầy
nửa ngày để trở thành nhà vô địch thế giới.
Năm 2018, tiền thân của AlphaZero là AlphaGo thi đấu cờ vây với nhà vô địch cờ
vây Lee Sedol. Cờ vây được cho là cần trực giác rất cao và bấy giờ máy móc chưa
thắng được người ở môn này. Nói ngắn gọn thì kết quả ván đấu là máy thắng. Lần
này kì vương cờ vây của chúng ta phản ứng rất khác với kì vương cờ vua của 21
năm trước. Lee Sedol sau khi thua với tỉ số 1-4 chỉ nói rằng “Tôi xin lỗi vì đã
bất lực” chứ tuyệt không đổ lỗi do máy gian lận. Hành động nhỏ này của
Sedol cùng những động thái khác của làng cờ khiến chúng ta có thể tin vào lòng
khiêm nhường của con người. Lòng khiêm nhường ấy xuất phát từ thực tế rằng con
người đã học được rằng giống loài của mình không còn giữ vị trí độc tôn trong
lĩnh vực cờ nữa.
Với đặc thù của mình, trước kia cờ vua là môn thể thao không thể gian lận hiệu
suất thi đấu, bởi vì không có thứ thuốc nhất thời nào giúp kì thủ uống vào làm
mẫn tiệp hơn được. Hồi đó gian lận ở cờ vua chỉ là các hành động thuộc phạm trù
không đẹp như thái độ khiêu khích, chạm tay vào quân mà không đi, dàn xếp tỉ
số. Sự trỗi dậy của máy móc sinh ra hình thức gian lận mới: nhờ máy tính chơi
giúp. Hệ quả là bắt đầu từ quãng những năm 2008, các giải đấu đều cấm mang điện
thoại vào, đồng thời có nhiều vụ gian lận dưới hình thức giấu điện thoại trong nhà
vệ sinh. Cũng qua đó mà chúng ta hiểu rằng cờ vua không phải trò chơi cao quý
đến mức người chơi không gian lận, mà chỉ là xưa kia không có điều kiện gian
lận mà thôi.
Lợi ích sau cùng là, bất chấp những lời chỉ trích cho rằng máy móc đang phá huỷ
môn cờ vua, sự hoạt động của máy móc vẫn đã và đang cần mẫn phụng sự mục tiêu
cốt lõi của nó: cờ vua. Đối với người học cờ, tất cả đều được chia đều cơ hội
để học. Xưa kia chỉ một số ít trẻ em có đặc quyền được hưởng nền giáo dục cờ
chất lượng cao từ những người thầy là đại kiện tướng, giờ đây một phần mềm trên
máy tính thông thường cũng giỏi cờ bất kì đại kiện tướng nào và đều có thể dạy
theo cách của nó. Phần mềm chỉ cho chúng ta rằng một nước đi là tốt hoặc tệ,
trong một thế cờ nhất định thì nên đi nước nào và chuỗi các nước đi sau đó nên
như thế nào, thư viện các khai cuộc lúc nào cũng sẵn sàng để tham khảo, tất cả
điều này đều có thể làm trên một chiếc điện thoại di động bình dân ngày nay.
Chess dot com, trang chơi cờ vua lớn nhất thế giới đã và đang áp dụng những
công nghệ này. Hàng loạt trang khác cũng phát triển theo hướng tương tự, tập
trung vào AI và các phương pháp chuyển hóa UX/UI sao cho người và máy có thể
hợp tác hiệu quả với nhau. Rất có thể thành tựu từ lĩnh vực này sẽ sớm được tận
dụng trong các lĩnh vực giáo dục khác trong thế kỷ 21.
Đối với kì thủ chuyên nghiệp, một nghiên cứu của Kenneth W. Regan chỉ ra rằng
hệ số Elo kể từ khi ra đời vào năm 1970 đến nay vẫn giữ mức độ ổn định và không
“lạm phát”, có nghĩa là đại kiện tướng có Elo 2700 của 50 năm trước sẽ mang
trình độ ngang bằng với đại kiện tướng 2700 của ngày nay [11]. Nhưng chúng ta
hôm nay thì có rất nhiều đại kiện tướng với hệ số Elo cao hơn nhiều so với lớp
tiền bối. Những tượng đài nổi tiếng trong cờ vua như Bobby Fischer (2785),
Anatoly Karpov (2725), Mikhail Tal (2660) đều có hệ số Elo thấp hơn nhiều so
với những đại kiện tướng kém nổi tiếng hơn ngày nay: Magnus Carlsen – Vua cờ
hiện tại (2882), Fabiano Caruana (2844), Levon Aronian (2830). Biết rằng ở thi
đấu cờ vua đỉnh cao, chỉ cần chênh 100 Elo là kì thủ thấp hơn có rất ít cơ hội
thắng.
Và cuối cùng, có lẽ thứ phá hoại cờ vua nhất không phải là cách đánh phòng thủ
“hèn nhát” của Steinitz, hay sự trỗi dậy của máy móc, mà là những huyễn tưởng
quanh nó. Những huyễn tưởng không tồn tại vì lợi ích của những người chơi, và
cũng không phụng sự cho tiến trình trí tuệ của trò chơi này, thậm chí không
liên quan đến bản chất của trò chơi ngay từ đầu. Nó chỉ tồn tại để thoả mãn
những tưởng tượng đậm chất kịch tính của người thích xem cờ vua như một bộ phim
drama, và xem cuộc cờ như một cuộc sát phạt thấm đẫm cảm xúc thay vì là một
cuộc thi trí tuệ.
Chúng ta đã tạo ra cờ vua, chúng ta đã tạo ra máy móc có khả năng chiến thắng
chính mình ở trò chơi này. Tôi vẫn chưa hiểu vì sao đó lại là một điều đáng
buồn?
Đã đến lúc để giải phóng tâm trí và sức lao động để tạo ra những thứ mới mẻ,
phức tạp hơn.