Chào mừng các bạn đến với Hội Cờ Vua - Sân chơi trí tuệ dành cho mọi người - Cờ Vua giúp khai mở trí tuệ, kích hoạt não giúp trẻ thông minh hơn, ngoan hơn, học giỏi hơn. Liên hệ đăng ký học thử tại Trung Tâm Đào Tạo Cờ Vua Quốc Tế Hotline: 090.264.1618

Thứ Tư, 30 tháng 3, 2022

Nakamura và Rapport giành suất dự Candidates

Hikaru Nakamura và Richard Rapport vào giải đấu tranh ngôi Vua cờ với Magnus Carlsen, sau thành tích cao ở FIDE Grand Prix tối 28/3.

Grand Prix 2022 vẫn còn lượt trận bán kết và chung kết ở chặng cuối tại Berlin, nhưng hai suất dự Candidates đã được xác định. Nakamura và Rapport lần lượt thắng hai chặng đầu tiên. Còn ở chặng thứ ba, kỳ thủ Mỹ gốc Nhật Bản cũng vào tới bán kết, giống Rapport ở chặng đầu tiên. Hai kỳ thủ này chiếm hai suất tới Candidates thông qua Grand Prix.


Nakamura trong ván đấu cuối vòng bảng FIDe Grand Prix với Andrey Esipenko tại Berlin, Đức tối 28/3. Ảnh: FIDE

Đây là lần thứ hai Nakamura xuất hiện ở Candidates, sau năm 2016. Khi đó, anh đứng áp chót, dù chỉ ít hơn người chiến thắng Sergey Karjakin 1,5 điểm. Kỳ thủ 34 tuổi tự coi bản thân đã "giải nghệ", và là "streamer chuyên nghiệp".

Còn với Rapport, đây là lần đầu kỳ thủ số một Hungary xuất hiện ở Candidates. Anh hứa hẹn đem tới làn gió mới cho Candidates, với lối chơi tấn công kèm những ý tưởng táo bạo trong khai cuộc.

Candidates đã xác định 7 trong 8 suất, gồm Ian Nepomniachtchi, Teimour Radjabov, Alireza Firouzja, Jan-Krzysztof Duda, Fabiano Caruana, Nakamura và Rapport. Ban đầu Sergey Karjakin có suất trong Candidates, nhưng anh bị loại vì những phát ngôn gây phản ứng rộng rãi trong dư luận về căng thẳng Nga - Ukraine.

Suất của Karjakin sẽ dành cho kỳ thủ có Elo cao trong tháng 5/2022. Điều kiện là người này cần chơi tối thiểu 30 ván tính Elo từ tháng 6/2021 đến tháng 5/2022. Ding Liren (Đinh Lập Nhân) đang có cơ hội lớn để thay Karjakin, với Elo tháng 3/2022 là 2.799, trong khi người đứng sau Levon Aronian chỉ đạt 2.785. Kỳ thủ số một Trung Quốc chưa chơi đủ số trận yêu cầu, nhưng Liên đoàn cờ vua Trung Quốc đã sắp xếp hàng chục ván đấu để Ding đủ điều kiện. Nếu thành công, đây sẽ là lần thứ hai liên tiếp Ding dự Candidates.

Candidates 2022 diễn ra ở Madrid, Tây Ban Nha từ 16/6 đến 7/7. Tám kỳ thủ đấu vòng tròn hai lượt cờ tiêu chuẩn, tính điểm, để chọn ra người điểm cao nhất đấu Vua cờ Magnus Carlsen. Trận chung kết cờ vua thế giới tiếp theo dự kiến diễn ra hè 2023.

 

Quang Liêm về nhì Rapid Chess Championship 7

 Kỳ thủ Lê Quang Liêm thua kỳ thủ số 21 thế giới Dmitry Andreikin ở chung kết siêu giải cờ nhanh Rapid Chess Championship tuần 7, sáng 28/3.

Quang Liêm bắt đầu đánh từ tứ kết, sáng 28/3 giờ Hà Nội, gặp kỳ thủ Hà Lan Benjamin Bok. Kỳ thủ Việt Nam hoà ván cờ nhanh, rồi thắng ván cờ chớp nhờ đòn thí quân, tấn công thành đẹp mắt.

Ở bán kết, Quang Liêm hạ David Paravyan ngay ván cờ nhanh đầu tiên. Ván đấu kết thúc khi Paravyan chỉ còn sáu giây, còn Quang Liêm còn tới bốn phút 42 giây. Chiến thắng đưa Quang Liêm vào chung kết gặp Andreikin. Andreikin từng thắng U20 thế giới năm 2010, và hai lần vô địch Nga năm 2012 và 2018. Anh thậm chí từng vào Candidates 2014 - giải đấu chọn ra người thách đấu Vua cờ Magnus Carlsen.

Quang Liêm hoà Andreikin ở ván cờ nhanh, và có lợi thế cầm quân trắng ở cờ chớp. Kỳ thủ người TP HCM từng vô địch cờ chớp thế giới năm 2013, nhưng Andreikin cũng là cao thủ nội dung này. Kỳ thủ Nga 32 tuổi đang đứng thứ 21 thế giới cờ tiêu chuẩn, và thứ 18 cờ chớp. Andreikin tấn công cánh vua trắng, nhưng Quang Liêm vẫn chống đỡ tốt. Dù vậy, Siêu đại kiện tướng của Việt Nam mắc sai lầm và mất một tốt ở trung cuộc, dẫn tới thiệt hại lớn khi về tàn cuộc. Quang Liêm không thể chống đỡ trong tàn cuộc xe chống xe và hai tốt.


Quang Liêm trong ván đấu cờ chớp với Andreikin ở chung kết. Ảnh: chụp màn hình

Quang Liêm chấp nhận vị trí thứ hai, nhận 3.500 USD, còn Andreikin được 7.500 USD. Vị trí này giúp Quang Liêm tiến 14 bậc để leo lên thứ 10 trên bảng điểm tổng Rapid Chess Championship.

Rapid Chess Championship là hệ thống giải cờ nhanh có quỹ thưởng 650.000 USD do Chess.com tổ chức. Giải gồm 25 chặng đấu, diễn ra mỗi cuối tuần, giờ châu Âu. Sau 25 chặng này, 16 kỳ thủ thành tích cao vào vòng chung kết để chọn ra nhà vô địch.

Vào thứ bảy hàng tuần, top 100 kỳ thủ, 10 kỳ thủ nữ, 10 kỳ thủ trẻ và 10 suất đặc cách sẽ được mời đánh hệ Thuỵ Sĩ chín ván, với 10 phút cho mỗi bên. Top 8 ở vòng này sẽ vào đấu loại trực tiếp vào Chủ nhật. Quỹ thưởng mỗi tuần là 20.000 USD.

Sáng 27/3, giờ Hà Nội, Quang Liêm đứng thứ bảy vòng loại với 5,5 điểm. Anh vào tứ kết cùng Fabiano Caruana, Amin Tabatabaei, Bok, Andreikin, Alexey Sarana, Gata Kamsky và Paravyan. Kỳ thủ thứ hạng cao hơn ở vòng loại sẽ được cầm quân trắng ở ván cờ nhanh. Cựu á quân thế giới Caruana bị Andreikin loại ở bán kết.

Trong sáu tuần đầu tiên, Caruana hai lần thắng, còn lại Hikaru Nakamura, Maxim Matlakov, Ian Nepomniachtchi và Levon Aronian mỗi người một lần về nhất. Đây mới là tuần thứ ba Quang Liêm dự Rapid Chess Championship. Thành tích tốt nhất của anh trong hai tuần trước đó là vào tứ kết.

Tuần 8 của Rapid Chess Championship diễn ra ngày 2/4 và 3/4. Ngày thi đấu bắt đầu từ 23h, giờ Hà Nội.

 

Quang Liêm dự bốn nội dung SEA Games

 Siêu đại kiện tướng duy nhất của Đông Nam Á sẽ đánh cờ nhanh và chớp, nội dung cá nhân lẫn đồng đội tại SEA Games 31 tháng 5/2022.

Việt Nam sẽ dự môn cờ vua với chín kỳ thủ, gồm Lê Quang Liêm, Nguyễn Ngọc Trường Sơn, Trần Tuấn Minh, Lê Tuấn Minh (nam), Phạm Lê Thảo Nguyên, Võ Thị Kim Phụng, Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thị Mai Hưng và Bạch Ngọc Thuỳ Dương. Các kỳ thủ thi đấu 10 nội dung, chia 5 nam, 5 nữ, mỗi nội dung có hai người.



Quang Liêm tại Olympiad cờ vua 2018 tại Batumi, Georgia. Ảnh: Lâm Minh Châu

Danh sách kỳ thủ dự SEA Games 31 không khác nhiều so với SEA Games 30 tại Philippines. Trần Minh thế chỗ Nguyễn Anh Khôi, Đào Thiên Hải và Nguyễn Huỳnh Minh Huy. Còn kỳ thủ 19 tuổi Bạch Ngọc Thuỳ Dương lần đầu được tham dự cùng đội nữ.

Đội cờ vua nam được đánh giá cao hơn ở Đông Nam Á, khi Quang Liêm và Trường Sơn có Elo vượt trội các đối thủ trong khu vực. Ở nội dung nữ, Thảo Nguyên và Kim Phụng cũng thuộc nhóm đầu Đông Nam Á. Nhưng tại SEA Games 30, Việt Nam không đoạt HC vàng nào.

Môn cờ vua lần đầu xuất hiện ở SEA Games năm 2003, khi Việt Nam làm chủ nhà. Chỉ có Bảo Trâm dự cả hai kỳ Đại hội Việt Nam đăng cai. Tại SEA Games 22, cô đoạt HC vàng cờ nhanh cá nhân.

Các kỳ thủ Việt Nam đều đã có cơ hội cọ xát với các kỳ thủ đẳng cấp trên thế giới, thông qua giải cờ vua quốc tế HDBank thường niên. Siêu đại kiện tướng Quang Liêm từng vào top 20 thế giới, và vô địch cờ chớp thế giới. Đại kiện tướng nam Trường Sơn cũng từng hai lần đoạt HC vàng cá nhân bàn hai ở Olympiad cờ vua. Đại kiện tướng nữ Kim Phụng cũng từng vô địch châu Á năm 2017. Hay Lê Minh gây ấn tượng khi đứng thứ tư chung cuộc giải cờ siêu chớp Bullet Chess Championship hôm 18/3.

Với sự đồng hành của HDBank, đội cờ vua Việt Nam đã đạt thành tích cao nhất trong lịch sử thi đấu ở Olympiad cờ vua: hạng 10 chung cuộc và giành huy chương Vàng cá nhân bàn 2 năm 2018. Sau hai năm liền gián đoạn vì Covid-19, giải cờ vua quốc tế HDBank dự kiến trở lại vào tháng 10/2022.

 

Vua cờ Carlsen vô địch Charity Cup

Magnus Carlsen phải nhờ tới tie-break mới thắng Jan-Krzysztof Duda ở chung kết thứ hai của Champions Chess Tour 2022, sáng 27/3.

Carlsen thắng cả hai chặng đầu tiên của Champions Chess Tour 2022, nhưng trận chung kết với Duda không hề đơn giản. Trong ngày chung kết đầu, Carlsen dẫn trước sớm một ván đấu. Ở ngày cuối, anh lại thắng ván đầu tiên, rồi chiếm ưu thế ở ván thứ hai. Nhưng kỳ thủ số một Ba Lan thắng ngược ván đó, rồi thắng tiếp ván thứ ba để cân bằng tỷ số 1-1. Hai kỳ thủ vào đấu tie-break cờ chớp, và lần này Carlsen không mắc sai lầm nào để thắng cả hai ván.


Carlsen lần thứ sáu thắng một chặng ở Champions Chess Tour. Ảnh: Chess24

"Tôi thấy đặc biệt nhẽ nhõm với chiến thắng này", Carlsen nói. "Tôi đã lo ngại tình hình giống như mùa giải năm ngoái. Khi đó tôi thắng liên tiếp những chẳng đầu tiên, nhưng một sai lầm nhỏ thôi đã khiến mọi thứ sụp đổ. Nhưng lần này tôi đã vượt qua được".

Sau hai chặng Champions Chess Tour, kỳ thủ số một Việt Nam Lê Quang Liêm đang đứng thứ tư với tổng tiền thưởng 21.500 USD, sau Carlsen, Duda và Ian Nepomniachtchi. Anh lần đầu giành suất dự chặng chính của Tour, diễn ra từ 20/4 đến 28/4, cùng Carlsen, Duda, Nepomniachtchi, Ding Liren (Đinh Lập Nhân) và 3 suất đặc cách. Ban tổ chức kỳ vọng tám kỳ thủ dự chặng chính sẽ đến Oslo, Na Uy thi đấu trực tiếp.

Chặng chính có tiền thưởng 210.000 USD, trung bình 26.250 USD cho mỗi kỳ thủ. 8 kỳ thủ đấu vòng tròn một lượt, mỗi ngày một trận. Mỗi trận hai kỳ thủ đấu 4 ván cờ nhanh với nhau, kèm loạt tie-break cờ chớp nếu hoà 2-2. Kỳ thủ thắng từ cờ nhanh được 3 điểm, thua 0 điểm. Nếu thắng cờ chớp, kỳ thủ được 2 điểm, người thua được 1 điểm. Với mỗi điểm giành được, kỳ thủ được thưởng 2.500 USD. Như vậy tiền thưởng tối đa mà mỗi kỳ thủ có thể đoạt được là 52.500 USD. Nếu kỳ thủ đạt ít hơn hai điểm, họ vẫn được nhận tối thiểu 5.000 USD.

 

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Quang Liêm dừng chân ở bán kết Charity Cup

Kỳ thủ Lê Quang Liêm thua người giữ Cup Thế giới Jan-Krzysztof Duda 1,5-2,5 ở bán kết chặng thứ hai của Champions Chess Tour, sáng 25/3.

Quang Liêm có cơ hội lớn để thắng ván đầu tiên, nhưng anh không tận dụng được khi thế cờ phức tạp. Anh sau đó để mất quân và dẫn tới thua ngược dù cầm quân trắng. Ở ván tiếp theo cầm quân đen, kỳ thủ TP HCM lại có ưu thế lớn nhưng lại để cơ hội trôi qua và lần này hoà cờ.


Quang Liêm không thể làm nên bất ngờ trước kỳ thủ cờ nhanh số 4 thế giới Duda. Ảnh: chụp màn hình

Trong hai ván còn lại, dù cố gắng gây bất ngờ trong khai cuộc, Quang Liêm không có lúc nào chiếm được ưu thế. Duda cầm hoà thành công cả hai ván này để kết thúc trận đấu với kết quả sát nút. Kỳ thủ số một Ba Lan vào chung kết gặp Vua cờ Magnus Carlsen - người thắng Ding Liren (Đinh Lập Nhân) 3-1 ở trận bán kết còn lại.

Quang Liêm khép lại giải đấu thành công khi giành 14.000 USD tiền thưởng, trong đó có 8.000 USD từ việc đứng đầu vòng bảng, và 6.000 khi vào tới bán kết. Anh làm nên lịch sử Champions Chess Tour với số điểm cao nhất ở vòng bảng Charity Cup, 33 trên 45 điểm tối đa. Ở tứ kết, Quang Liêm thắng kỳ thủ số một Czech David Navara 2,5-1,5.

Theo điều lệ giải, Quang Liêm và Ding sẽ được dự chặng tiếp theo, và cũng là chặng chính đầu tiên của Tour năm nay, quy tụ 8 kỳ thủ hàng đầu từ 20/4 đến 28/4. Quỹ thưởng của chặng chính là 210.000 USD, cao hơn gấp 1,4 lần chặng thường như Charity Cup. Đây sẽ là lần đầu Quang Liêm được dự một chặng chính của Champions Chess Tour.

Qua hai chặng Champions Chess Tour 2022, Quang Liêm đã kiếm được 21.500 USD, chỉ sau Carlsen, Ian Nepomniachtchi và Duda. Anh không chỉ đảm bảo suất dự chặng chính tiếp theo, mà cũng được đánh chặng thường sau đó, từ 19/5 đến 26/5. Nhưng chưa rõ Quang Liêm có thể đánh chặng này không, khi thời gian đó anh bận thi đấu cờ vua ở SEA Games 31. Siêu đại kiện tướng duy nhất của Đông Nam Á dự kiến chơi cờ nhanh và cờ chớp ở SEA Games. Môn cờ vua ở SEA Games gồm 10 nội dung, chia đều 5 nam, 5 nữ, diễn ra ở Quảng Ninh từ 10/5 đến 21/5. Mỗi nội dung được cử tối đa hai VĐV, nhưng một VĐV có thể thi đấu ở nhiều nội dung.

 

Thứ Năm, 24 tháng 3, 2022

Quang Liêm vào bán kết Charity Cup

 Kỳ thủ số một Việt Nam Lê Quang Liêm thắng Siêu đại kiện tướng David Navara 2,5-1,5 ở tứ kết giải cờ nhanh online Charity Cup sáng 24/3.

Quang Liêm duy trì phong độ cao khi cầm quân trắng, thắng Navara ở ván đầu trận tứ kết. Nhưng anh thua ván thứ hai khi cầm quân đen, giúp kỳ thủ số một Czech cân bằng tỷ số. Quang Liêm tấn công mạnh mẽ ở ván thứ ba, khi đẩy tốt h lên h5 từ sớm và không nhập thành, để thắng chỉ sau 27 nước cờ. Đến ván cuối, anh lại có ưu thế thắng nhưng đồng ý hòa, kết quả đủ để đi tiếp.


Quang Liêm trong ván cuối gặp David Navara. Ảnh: Champions Chess Tour

"Sự tự tin là yếu tố then chốt, đặc biệt trong cờ nhanh", Quang Liêm nói sau chiến thắng. "Nếu không tự tin, bạn sẽ nghĩ đi nghĩ lại và lãng phí thời gian quý giá. Trong cờ nhanh, chúng ta không cần lúc nào cũng phải đi những nước tốt nhất, mà cần đi những nước hợp lý nhất".

Đây là lần thứ hai Quang Liêm vào bán kết một chặng của Champions Chess Tour, sau Chessable Masters 2021. Khi đó, Quang Liêm thắng Alireza Firouzja ở tứ kết và Levon Aronian tại bán kết. Anh chỉ thua Wesley So ở chung kết, và đó là thành tích tốt nhất của kỳ thủ Việt Nam tại giải.

Khi được hỏi liệu các học trò ở đại học Webster là nguyên nhânh giúp anh đạt phong độ cao tại giải này không, HLV trường Webster nói: "Đúng là đội tuyển cờ vua trường Webster rất mạnh, nhưng họ không giúp đỡ tôi trực tiếp cho giải này. Nhưng tôi nghĩ mình cũng hưởng lợi khi làm việc cùng họ, về sự chuẩn bị cho khai cuộc".

Đối thủ của Quang Liêm ở bán kết Charity Cup là kỳ thủ số một Ba Lan Jan-Krzysztof Duda. Duda thắng nhanh David Anton ở tứ kết với tỷ số 2,5-0,5. Kỳ thủ đang giữ Cup Thế giới sẽ có cơ hội đòi nợ Quang Liêm sau thất bại ở vòng bảng.

"Tôi sẽ tiếp tục thi đấu như trước, có lẽ sẽ chơi nhanh và chuẩn bị một chút cho khai cuộc trước Duda", kỳ thủ người TP HCM nói. "Có lẽ tôi sẽ phải nghiên cứu các ván đấu của Duda một chút".

Cặp bán kết còn lại diễn ra giữa Vua cờ Magnus Carlsen và kỳ thủ số một Trung Quốc Ding Liren (Đinh Lập Nhân). Cả hai kỳ thủ này đều thắng nhanh ở tứ kết, lần lượt trước Hans Niemann và Jorden van Foreest. Bán kết diễn ra từ 0h thứ sáu 25/3, giờ Hà Nội.

 

Thứ Tư, 23 tháng 3, 2022

Quang Liêm lập thêm kỷ lục ở Charity Cup

 Lê Quang Liêm đạt thành tích cao nhất lịch sử ở vòng bảng một chặng Champions Chess Tour, với 32 trên 45 điểm tối đa ở Charity Cup sáng 23/3.

Quang Liêm cầm hoà Vua cờ Magnus Carlsen ở ván đầu tiên trong ngày thi cuối vòng bảng sáng 23/3, giờ Hà Nội. Anh thắng kỳ thủ số một Czech ở ván áp chót, rồi hoà kỳ thủ số 7 thế giới Richard Rapport ở ván cuối.


Quang Liêm trong ván đấu Carlsen rạng sáng 23/3. Ảnh: chụp màn hình

Siêu đại kiện tướng Việt Nam kết thúc vòng bảng với 32 điểm (thắng 3 điểm, hoà 1 điểm). Nếu tính theo thang điểm cũ thắng 1 điểm, hoà 0,5 điểm, Quang Liêm đạt 11,5 trên 15 điểm tối đa. Theo cả hai cách tính điểm này, anh đều lập kỷ lục điểm số trong lịch sử Champions Chess Tour. Kỷ lục cũ thuộc về Wesley So với với 11 trên 15 điểm tối đa, ở Chessable Masters 2021, giải đấu không có Carlsen.

Quang Liêm lần đầu kết thúc vòng bảng trên đỉnh, với 3 điểm nhiều hơn người đứng thứ hai Carlsen. Tiền thưởng anh nhận được sau vòng bảng là 8.000 USD. Các vị trí vào tứ kết còn lại lần lượt là Jorden van Foreest, David Anton, Jan Krzysztof Duda, Ding Liren (Đinh Lập Nhân), Hans Niemann và David Navara.

Theo quy tắc bắt cặp tứ kết, Quang Liêm sẽ gặp Navara. Nếu vào bán kết, anh đấu Duda hoặc Anton. Cả ba kỳ thủ này đều đã thua Quang Liêm ở vòng bảng.

Ở nhánh còn lại, Carlsen gặp Niemann ở tứ kết. Nếu thắng trận này, Vua cờ sẽ đấu Ding hoặc Foreest ở bán kết.

Tứ kết diễn ra từ 0h thứ năm 24/3, giờ Hà Nội. Mỗi cặp đấu bốn ván cờ nhanh, 15 phút cho mỗi bên, thêm 10 giây sau từng nước đi (15+10). Nếu hoà sau bốn ván, hai kỳ thủ đấu thêm hai ván cờ chớp 5+3. Nếu vẫn hoà, họ sẽ đấu một ván Armageddon. Trắng có 5 phút, Đen có 4 phút, không có thời gian cộng thêm, nhưng Đen chỉ cần hoà sẽ đi tiếp.

Charity Cup là chặng thứ hai của hệ thống siêu giải Champions Chess Tour 2022, do Carlsen khởi xướng. 16 kỳ thủ được mời tham dự, có Elo cờ nhanh trung bình 2.693. Họ đấu vòng tròn một lượt, để chọn ra 8 người điểm cao vào tứ kết. Thành tích của Quang Liêm ở vòng này là 9 thắng, 5 hoà và 1 thua. Còn thành tích tốt nhất của anh là vào chung kết Chessable Masters 2021, chỉ thua So ở trận cuối.

 

Thứ Ba, 22 tháng 3, 2022

Lê Quang Liêm đánh bại đương kim vô địch World Cup cờ vua

 Lê Quang Liêm đã có chiến thắng ấn tượng trước nhà đương kim vô địch World Cup cờ vua Jan Krzysztof Duda tại giải Charity Cup 2022. Phong độ ấn tượng giúp kỳ thủ Việt Nam giành vé vào tứ kết.

Ở ngày thi đấu thứ 2 hôm 21/3, Lê Quang Liêm đã đánh bại Gawain Jones của Anh, Ju Wenjun của Trung Quốc và Vidit Santosh Gujrathi của Ấn Độ, hòa kỳ thủ Hans Moke Niemann của Mỹ để giành được 10 điểm.

Sang ngày thi đấu thứ 3 hôm nay 22/3, Lê Quang Liêm tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng với 2 chiến thắng, 1 trận hòa và 1 thất bại. Dù không giữ được mạch trận bất bại nhưng Quang Liêm vẫn có trong tay 7 điểm, qua đó tiếp tục dẫn đầu bảng đấu với 27 điểm sau 12 ván. Kết quả này giúp kỳ thủ Việt Nam có mặt ở tứ kết giải Charity Cup 2022.

Trong số bại tướng của Lê Văn Liêm ở ngày thi đấu thứ 3 có kỳ thủ Jan Krzysztof Duda (Ba Lan). Đây được xem là thần đồng cờ vua của Ba Lan. Ở giải vô địch World Cup cờ vua diễn ra năm ngoái, Jan Krzysztof Duda đã lên ngôi vô địch sau khi đánh bại Vua cờ Carlsen (Na Uy) ở bán kết.

Trên bảng xếp hạng cờ vua, Duda đứng thứ 16 cờ tiêu chuẩn với elo 2.750. Trong khi đó, Lê Quang Liêm đứng thứ 32 với elo 2709. Ngày thi đấu tiếp theo ở vòng bảng, Lê Quang Liêm sẽ thi đấu 3 ván cuối gặp Vua cờ Carlsen (Na Uy), David Navara (CH Séc) và Richard Rapport (Hungary).

Mạnh Tùng

Hơn 300 kỳ thủ tham gia Giải vô địch cờ vua đồng đội tranh Cúp TPBank 2022

Nằm trong hệ thống thi đấu cờ vua quốc gia 2022, Giải vô địch cờ vua đồng đội quốc gia năm 2022, tranh Cúp TPBank diễn ra từ ngày 24-3 đến 3-4, tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Kiên Giang.

 

Giải vô địch cờ vua đồng đội, tranh Cúp TPBank năm 2022 sẽ được tổ chức tại tỉnh Kiên Giang.

Giải đấu do Liên đoàn Cờ Việt Nam và Sở Văn hóa và Thể thao Kiên Giang tổ chức, quy tụ hơn 300 kỳ thủ của 21 đơn vị tham dự: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Quảng Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Bến Tre, Lâm Đồng, Bắc Giang, Bình Dương, Ninh Bình, Thừa Thiên - Huế, Quân đội, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Lào Cai, Hậu Giang. Các vận động viên tham gia thi đấu ở các nội dung đồng đội hỗn hợp nam, nữ; đôi nam, đôi nữ ở 3 thể thức: Cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp.

Ở mùa giải năm 2021, Hà Nội là đơn vị xếp Nhất toàn đoàn, với 4 Huy chương vàng, 1 Huy chương bạc; thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ 2 và Cần Thơ xếp thứ 3.

Giải có sự tham gia của hơn 300 kỳ thủ của 21 đơn vị.

Ngoài việc cạnh tranh thứ hạng giữa các đơn vị, Giải cờ vua đồng đội quốc gia còn mang ý nghĩa tuyển chọn các kỳ thủ đủ điều kiện tham dự Giải vô địch quốc gia năm 2023 cũng như các giải đấu quốc tế trong năm 2022-2023. Đây cũng là dịp cọ xát rất ý nghĩa cho các tuyển thủ quốc gia trong quá trình chuẩn bị cho SEA Games 31, Asiad 19 cũng như các giải đấu quốc tế trong năm.

Năm nay cũng là kỳ thứ 4 liên tiếp (sau các năm từ 2019-2021) Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) là tài trợ chính và TH True Water là nhà tài trợ nước uống.

Theo HNMO

Kỳ thủ cờ vua đầu tiên đoạt danh hiệu đại kiện tướng

Kỷ yếu của Liên đoàn Cờ vua quốc tế (FIDE) với trụ sở đặt tại thành phố Lausanne (Thụy Sĩ), ghi nhận vận động viên cờ vua Liên Xô và Nga Mikhail Botvinnik (1911-1995) đã được trao danh hiệu Đại kiện tướng (GM) trong năm 1935, là kỳ thủ cờ vua đầu tiên trên thế giới đoạt được danh hiệu này.

Ông M. Botvinnik sinh ngày 17-8-1911 tại Saint Petesrburg, trong một gia đình gốc Do Thái có cả cha lẫn mẹ đều hành nghề nha khoa. Mikhail học chơi cờ vua từ năm 12 tuổi, chỉ 4 năm sau, nhờ khả năng thi đấu điêu luyện đã được đặc cách tham gia giải vô địch cờ vua toàn Liên Xô, cũng là kỳ thủ trẻ tuổi nhất trong lịch sử của giải.

Tới năm 1930 khi mới 19 tuổi, M. Botvinnik đã đoạt chức vô địch giải kiện tướng (Master) Leningrad, đánh bại nhà vô địch cự phách Peter Romanovsky (1892-1964). Đến năm 20 tuổi, M. Botvinnik đoạt danh hiệu vô địch toàn Liên Xô, rồi lần lượt đạt các vị trí đứng đầu trong các giải thi đấu quốc tế trong 4 năm liên tiếp. Sau khi đã có đủ số ván cờ chiến thắng tại các giải đấu theo quy định, tới đầu năm 1935, M. Botvinnik được FIDE phong danh hiệu GM, trở thành kỳ thủ đầu tiên trên thế giới đoạt được danh hiệu này.

Cùng với ngôi vị vô địch thế giới, GM là danh hiệu cao nhất của FIDE.

T.Hồng (Theo FIDE.com)

Quang Liêm làm nên lịch sử Champions Chess Tour

Lê Quang Liêm thành kỳ thủ có khởi đầu tốt nhất lịch sử các chặng siêu giải Champions Chess Tour, với 27 điểm qua 11 ván đầu.

Chiến thắng trước Đại kiện tướng Eric Hansen ở ván 11 rạng sáng 22/3, theo giờ Hà Nội, giúp Quang Liêm chạm mốc 27 trong 33 điểm tối đa (thắng 3 điểm, hoà 1 điểm). Kỳ thủ Việt Nam vượt qua kỷ lục cũ 26 điểm do Ian Nepomniachtchi lập ra ở Airthings Masters 2022.

Nếu chuyển cách tính điểm của Champions Chess Tour 2022 về hệ cũ, thắng 1 điểm, hoà 0,5 điểm, kỷ lục của Quang Liêm vẫn không thay đổi. Anh thắng 8, hoà 3 trong 11 ván đầu tiên, tương ứng 9,5 trong 11 điểm tối đa. Kỷ lục cũ vẫn thuộc về Nepomniachtchi với 9 điểm. Ngoài ra Magnus Carlsen, Wesley So và Vladislav Artemiev cũng từng đoạt 8,5 điểm qua 11 ván ở những chặng khác nhau.


Quang Liêm tại siêu giải cờ nhanh Tata Steel tại Ấn Độ ngày 17/11/2021. Ảnh: Grand Chess Tour

Ngày thi thứ ba của chặng Charity Cup sáng 22/3, giờ Hà Nội, tiếp tục được coi là thành công với Quang Liêm, với 7 điểm qua 4 ván. Anh giành suất vào tứ kết sớm hẳn một ngày thi đấu, và cũng là người đầu tiên làm được như vậy ở Champions Tour.

Quang Liêm bắt đầu ngày thi 22/3 bằng chiến thắng trước người đang giữ Cup Thế giới (FIDE World Cup) Jan-Krzysztof Duda. Giữ nguyên chiến thuật từ đầu giải, Quang Liêm đi rất nhanh ở khai cuộc dù anh thừa nhận mình không có nhiều thời gian chuẩn bị. Có thời điểm máy tính đánh giá Duda có ưu thế lớn, nhưng anh không biết cách tận dụng. Sau đó do thua thiệt thời gian, kỳ thủ Ba Lan dần đi những nước yếu và bị Quang Liêm tận dụng triệt để.

Do yếu cờ, Duda chấp nhận mất tượng để tìm cách phản công và tấn công thành. Nhưng Quang Liêm sau đó đổi hậu lấy xe và tượng đen để giải nguy cho vua trắng. Ván đấu tiến đến tàn cuộc, khi Quang Liêm còn xe, tượng và mã, trong khi Duda chỉ còn hậu. Các quân trắng vừa bảo vệ nhau, vừa làm lá chắn cho vua, vừa hỗ trợ tốt cột h đẩy xuống phong cấp. Duda xin thua sau 79 nước cờ, khi hậu đen không còn nước chiếu và tốt trắng chuẩn bị phong cấp. Đây cũng là ván đấu kết thúc muộn nhất vòng.


Thế cờ sau nước 79.Bf6. Hậu đen không còn nước chiếu. Vua trắng giữ tượng vàmã,. Tượng và mã lại che chắn cho vua. Mã bảo vệ xe, tượng cũng giữ tốt b2. Còn tốt h7 chuẩn bị xuống phong cấp ở h8, nơi tượng trắng cũng đang kiểm soát. Không còn cách nào khác, Duda phải xin thua.

Cả Duda lẫn Quang Liêm đều tỏ ra mệt mỏi khi phải đấu ván tiếp theo sau đó vài phút. Nhưng trong khi Quang Liêm cầm hoà Pentala Harikrishna ở ván tiếp theo, kỳ thủ số một Ba Lan lại thua Ju Wenjun (Cư Văn Quân) trong thế thắng. Đây là thắng lợi đầu tiên của một kỳ thủ nữ tại Charity Cup, và Ju thậm chí chiếu hết bằng xe đen.

Quang Liêm dường như lấy lại được trí lực ở ván thứ ba, khi anh cầm quân trắng gặp Eric Hansen. Thành tích của Quang Liêm khi cầm quân trắng kể từ đầu giải là toàn thắng, và ván này cũng không phải ngoại lệ. Sau 24 nước cờ, Trắng có ưu thế nhẹ, nhưng quan trọng là Quang Liêm còn hơn 10 phút trong khi kỳ thủ Canada chỉ còn hơn 2 phút.

Vừa yếu cờ, vừa cạn thời gian, Hansen mắc lỗi nghiêm trọng ở nước 28. Đen thí mã, nhưng tính sót nước và không bù đắp được gì từ đòn thí.


Hình cờ sau 29...dxe3. Trắng chuẩn bị bắt mã e6, còn Đen muốn đẩy tốt xuống e2 đuổi xe...


...Nhưng Trắng nhanh hơn một nhịp với nước 31.exf7 chiếu, sau đó Quang Liêm nhảy mã lên e5 chiếu tiếp, rồi mới chạy xe.

Thiệt hẳn một mã, Hansen cố gắng chơi thêm vài nước rồi buông cờ ở nước 34. Chiến thắng này giúp Quang Liêm đạt 27 trên 33 điểm có thể.

Ngày thi của Quang Liêm chỉ có một vết gợn khi anh nhận thất bại đầu tiên tại Charity Cup, ở ván cuối ngày. Anh cầm quân đen, thua kỳ thủ số một Trung Quốc Ding Liren (Đinh Lập Nhân), trong tàn cuộc xe và thiệt tốt.

Thất bại này không ảnh hưởng tới vị trí của Quang Liêm, khi anh vẫn đứng đầu với 27 điểm. Vua cờ Carlsen đứng thứ hai, với 3 điểm ít hơn, còn Ding đứng thứ tư với 20 điểm. Khoảng cách giữa Quang Liêm với vị trí thứ chín là 10 điểm, khi giải chỉ còn ba vòng. Số điểm tối đa mà một kỳ thủ đạt được từ ba ván còn lại là 9 điểm, vì thế Quang Liêm chắc suất vào tứ kết.


Bảng điểm sau 3 ngày thi. Ảnh: Champions Chess Tour

Trong ngày thi cuối, Quang Liêm khởi đầu bằng ván cầm quân trắng gặp Carlsen lúc 0h thứ tư 23/3, giờ Hà Nội. Anh toàn thắng khi cầm quân trắng kể từ đầu giải, nhưng chưa từng thắng Vua cờ Na Uy sau 14 lần đấu trí. Ở hai ván còn lại, Quang Liêm gặp David Navara và Richard Rapport.

Champions Chess Tour là hệ thống giải cờ nhanh online do Vua cờ Carlsen khởi xướng từ năm 2020, năm nay có quỹ thưởng 1,6 triệu USD. Charity Cup là chặng thứ hai của Champions Tour 2022, sau Airthings Masters. Ở chặng đầu tiên, Quang Liêm vào tứ kết nhưng bị Carlsen loại.

 

Karjakin bị loại khỏi Candidates

Kỳ thủ số hai Nga Sergey Karjakin bị cấm thi đấu 6 tháng, bắt đầu từ hôm 21/3, vì những phát ngôn ủng hộ Nga trong căng thẳng với Ukraine.

Karjakin bị kết tội vi phạm điều 2.2.10 của Bộ luật Đạo đức FIDE, và bị cấm thi đấu ở mọi giải tính Elo. Còn kỳ thủ Sergei Shipov không vi phạm điều luật này, nên thoát lệnh cấm.

"Loạt bình luận của Karjakin về căng thẳng quân sự ở Ukraine kéo theo phản ứng đáng kể tới mạng xã hội và dư luận", trang chủ FIDE thông báo. "Phần lớn trong đó phản ứng tiêu cực với những ý kiến của Karjakin".

Điều 2.2.10 có đoạn: "Việc kỷ luật sẽ xảy ra với hành động gây ảnh hưởng tới xấu và tổn hại tới danh tiếng của cờ vua và FIDE".

Ủy ban Đạo đức và Kỷ luật FIDE (EDC) cho biết Karjakin có quyền kháng cáo quyết định này trong vòng 21 ngày.


Sergey Karjakin tại siêu giải Tata Steel ngày 28/1/2022 ở Hà Lan. Ảnh: Jurriaan Hoefsmit – Tata Steel Chess Tournament 2022

Karjakin và Shipov đều công khai ủng hộ Nga trong căng thẳng quân sự ở Ukraine. Nhưng Karjakin có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội lớn hơn Shipov, dẫn tới luồng phản ứng mạnh mẽ hơn từ dư luận.

Karjakin sinh ra ở thành phố Simferopol, bán đảo Crimea, Ukraine, nhưng chuyển sang khoác áo Nga từ năm 2009. Anh từng giữ kỷ lục Đại kiện tướng trẻ nhất lịch sử gần 20 năm. Karjakin cũng từng là á quân thế giới, khi thua Magnus Carlsen ở trận tranh ngôi Vua cờ năm 2016 tại New York, Mỹ. Karjakin đang có Elo 2.747, đứng thứ 17 thế giới và thứ hai Nga.

"Đúng là một quyết định đáng xấu hổ từ FIDE, nhưng tôi đã đoán trước được", Karjakin nói. "Tất cả lựa chọn trong thể thao đã bị chà đạp, nguyên tắc cơ bản rằng thể thao nằm ngoài chính trị đã bị chà đạp. Điều quan trọng nhất, trước hết tôi là một người yêu nước. Sau đó mới đến điều thứ hai, tôi là một VĐV. Nếu được nghĩ lại quyết định ủng hộ tổng thống Nga, người dân và quân đội, tôi vẫn sẽ làm điều tương tự! Tôi không hối tiếc bất cứ điều gì".

Trước khi án phạt này đưa ra, Karjakin cũng đăng lên Twitter, nói rằng việc thi đấu hay không ở một vài giải đấu không ảnh hưởng gì tới cuộc sống của anh. "Vấn đề chưa bao giờ là tài chính", anh viết.

Giải đấu lớn nhất Karjakin phải vắng mặt là Candidates, diễn ra ở Madrid, Tây Ban Nha từ 16/6 đến 7/7. Giải đấu quy tụ 8 kỳ thủ, đấu vòng tròn hai lượt để chọn ra người thách đấu ngôi Vua cờ với Carlsen năm 2023. Karjakin từng giành suất dự giải này, sau khi về nhì ở Cup Thế giới 2021. Suất của anh sẽ được trao cho người có Elo cao nhất trong tháng 5/2022 mà chưa có vé. Hiện tại, kỳ thủ số một Trung Quốc Ding Liren (Đinh Lập Nhân) đang có cơ hội lớn thay thế Karjakin.

 

Quang Liêm bứt phá ở siêu giải của Vua cờ Carlsen

Kỳ thủ Lê Quang Liêm tiếp tục dẫn đầu siêu giải Charity Cup sau ngày thi thứ hai, nhiều hơn nhì bảng Magnus Carlsen 4 điểm.

Quang Liêm bắt đầu ngày thi với chiến thắng chóng vánh trước kỳ thủ Anh Gawain Jones. Dù cầm quân đen, anh vẫn tấn công thành bằng cách thí tượng vào tốt a3, sau đó doạ chiếu hết. Jones phải xin thua chỉ sau 27 nước cờ.



16 kỳ thủ trong ngày đấu thứ hai rạng sáng 21/3. Ảnh: Champions Chess Tour

Ở ván kế tiếp vẫn cầm quân đen, Quang Liêm hoà tài năng trẻ Mỹ Hans Niemann. Chính Niemann dẫn đầu giải cùng kỳ thủ Việt Nam sau ngày thi đầu tiên.

Quang Liêm tìm lại mạch thắng ngay ở ván sau đó, khi cầm quân trắng gặp Ju Wenjun (Cư Văn Quân). Thế cờ cân bằng ở tàn cuộc nhưng Trắng tấn công chủ động, và bắt được hai tốt đen. Quang Liêm thắng nhờ nước nhảy má chiếu vua bắt xe.

Quang Liêm có lẽ không ngờ rằng anh lại thắng tiếp ở ván cuối gặp kỳ thủ số hai Ấn Độ Vidit Gujrathi. Lần này vẫn là đòn thí mã vào tốt h3 để tấn công thành, sau đó buộc trắng phải đổi mất hậu. Vidit vẫn cố gắng đánh tiếp nhưng cuối cùng đầu hàng sau 50 nước cờ.


Thế cờ sau 20.Nd4. Quang Liêm mất khoảng 3 phút suy nghĩ, trước khi thí mã đen vào tốt h3. Sau đó anh dùng hậu chiếu ở g5, rồi lấy xe bắt tốt f2. Hậu và xe đen doạ chiếu hết, buộc trắng phải đổi hậu lấy xe.

Quang Liêm đã thắng sáu, hoà hai trong tám ván đã qua tại giải. Anh đang dẫn đầu với 20 điểm, và tiền thưởng 5.000 USD. Carlsen và Jan-Krzszytof Duda đứng thứ hai với 16 điểm. Cả giải chỉ còn Quang Liêm và Duda bất bại. Vị trí thứ chín của David Anton đang có 11 điểm.

Tại chặng đầu tiên Airthings Masters, Quang Liêm giành 22 điểm và vừa đủ vào tứ kết. Chỉ qua 8 ván Charity Cup, anh đã đạt 20 điểm, khi vòng đấu vẫn còn 7 ván nữa.

"Thật tuyệt vời", Quang Liêm nói. "Kết quả này vượt trên kỳ vọng của tôi. Đây là khởi đầu tốt nhất của tôi ở Champions Tour, dù tôi không đặt kỳ vọng quá nhiều ở giải này. Vài tuần qua, tôi bận sắp xếp cho một giải đấu lớn ở Đại học Webster. Nên hôm nay tôi không chuẩn bị được nhiều cho Charity Cup, và quyết định sẽ chơi những gì mình biết".

Champions Tour diễn ra theo thể thức cờ nhanh, với 15 phút cho mỗi bên, thêm 10 giây sau mỗi nước đi. Nhưng có tới ba ván thắng đã qua, Quang Liêm đều còn hơn 9 phút trên đồng hồ, trước Lei Tingjie (Lôi Đĩnh Tiệp), Jones và Vidit. Trong đó ván thắng Jones và Vidit, anh đều còn hơn 11 phút.

"Tôi nghĩ mình đã quen với cách thi đấu tại Champions Tour", kỳ thủ số một Đông Nam Á nói thêm. "Tôi không gặp nhiều áp lực, và cố gắng chơi nhanh, nhưng không mắc sai lầm lớn nào. Mọi chuyện diễn ra suôn sẻ dù tôi phải cầm quân đen trong ba ván hôm nay".


Bảng điểm và tiền thưởng sau 8 ván Charity Cup. Ảnh: Champions Chess Tour

Trong ngày thi thứ ba, bắt đầu lúc 0h thứ ba 22/3, giờ Hà Nội, Quang Liêm cầm quân trắng đấu Duda, rồi đi sau gặp Pentala Harikrishna. Ở ván cuối, anh lại cầm quân trắng gặp kỳ thủ Canada Eric Hansen.

Charity Cup là chặng thứ hai của siêu giải online Champions Chess Tour 2022, quy tụ 16 kỳ thủ, với Elo cờ nhanh trung bình 2.693. Quang Liêm là hạt giống số bốn tính theo Elo cờ nhanh, sau Carlsen, Ding Liren (Đinh Lập Nhân) và Richard Rapport.

 

Quang Liêm dẫn đầu siêu giải Charity Cup

Kỳ thủ số một Việt Nam Lê Quang Liêm đoạt 10 trên 12 điểm tối đa ở ngày thi đầu tiên, chặng thứ hai của Champions Chess Tour sáng 20/3.


Hình ảnh 16 kỳ thủ tại giải thi đấu trực tuyến. Ảnh: Champions Chess Tour

Quang Liêm thắng cả hai ván đầu tiên trước Lei Tingjie (Lôi Đĩnh Tiệp), và thần đồng Ấn Độ Rameshbabu Praggnanandhaa. Ở ván thứ ba cầm quân đen, anh hoà Siêu đại kiện tướng Jorden van Foreest. Còn ván thứ tư, Quang Liêm thắng kỳ thủ Tây Ban Nha David Anton. Ba ván thắng, một hòa là khởi đầu tốt nhất của kỳ thủ số một Việt Nam trong lịch sử Champions Chess Tour.

Chiến thắng kịch tính nhất của Quang Liêm chính là trước Praggnanandhaa. Quang Liêm lợi chất, nhưng thiệt một tốt ở tàn cuộc. Có thời điểm ưu thế thắng nghiêng về kỳ thủ 16 tuổi, nhưng Quang Liêm lật ngược thế cờ để thắng ván quan trọng.

Ở ván cuối ngày gặp Anton, Quang Liêm tận dụng cơ hội thí mã, rồi thí xe để tấn công thành. Hậu và tượng trắng đe doạ chiếu hết ở h7, buộc đen phải đổi hậu nếu không muốn bị chiếu hết. Khi đó Quang Liêm lợi tới 4 tốt và khiến đối thủ phải đầu hàng.


Thế cờ sau 29...g6. Quang Liêm thí mã để mở toang đường cho xe trắng tấn công vua đen.

Quang Liêm đang cùng dẫn đầu giải với kỳ thủ trẻ Hans Niemann, với 10 điểm. Kỳ thủ số một Trung Quốc Ding Liren (Đinh Lập Nhân) đứng thứ ba, với ván thắng Vua cờ Magnus Carlsen cuối ngày thi. Carlsen đang có 7 điểm và đứng thứ sáu.

Khoảng cách giữa Quang Liêm và vị trí thứ chín của Praggnanandhaa đang là năm điểm. Nhiệm vụ của kỳ thủ 31 tuổi là giữ được vị trí trong Top 8 để vào tứ kết. Nếu đi sâu ở giải này, Quang Liêm sẽ lần đầu giành suất dự chặng chính của Champions Chess Tour, diễn ra tháng 4 tới.


Bảng điểm và tiền thưởng sau 4 ván đầu. Ảnh: Champions Chess Tour

Tại chặng đầu tiên Airthings Masters, Quang Liêm giành 22 điểm và vừa đủ vào tứ kết. Chỉ qua 4 ván Charity Cup, anh đã gần đạt nửa số điểm đó, khi vòng ngoài vẫn còn 11 ván nữa.

Trong ngày thi thứ hai, bắt đầu lúc 0h thứ hai 21/3, giờ Hà Nội, Quang Liêm cầm quân đen gặp Gawain Jones, sau đó đấu Niemann, đều với quân đen. Ở ván tiếp theo, anh cầm quân trắng gặp Ju Wenjun (Cư Văn Quân), rồi cầm quân đen đấu Vidit Santosh Gujrathi. Cả bốn đối thủ này đều không quá khó nhằn với kỳ thủ người TP HCM.

 

Thứ Tư, 16 tháng 3, 2022

Lê Tuấn Minh thua ngược ở bán kết giải cờ siêu chớp

Kỳ thủ Lê Tuấn Minh dẫn 4-0 nhưng thua Andrew Tang chung cuộc 8-9 ở bán kết Bullet Chess Championship sáng 15/3. Anh vẫn còn cơ hội do giải có vòng vớt.

Trước kỳ thủ được coi là nhanh nhất thế giới hiện tại, Tuấn Minh thắng liền bốn ván đầu tiên. Đến giờ giải lao, anh vẫn dẫn trước hai điểm, với tỷ số 5,5-3,5. Ở ván thứ 12, Tang cân bằng tỷ số 6-6 trong tàn cuộc cân bằng. Nhờ khả năng di chuột nhanh, Đại kiện tướng người Mỹ khiến Tuấn Minh thua vì hết thời gian.

Lê Tuấn Minh tại giải cờ vua Đông Nam Á 2019 tại Bắc Giang. Anh đang là kỳ thủ số hai Việt Nam, sau Trần Tuấn Minh, theo bảng thứ tự FIDE tháng 3/2022.

Tang lần đầu vượt lên ở ván 13, dẫn 7-6, nhưng sau đó kỳ thủ Việt Nam thắng liền hai ván để dẫn ngược. Nhưng ở hai ván cuối, kỳ thủ Mỹ đều thắng để dẫn ngược 9-8. Đúng lúc này trận đấu hết giờ, giúp Tang vào chung kết gặp kỳ thủ cờ chớp số một thế giới Hikaru Nakamura.

Dù thua, Tuấn Minh vẫn còn cơ hội thi đấu, do giải áp dụng vòng vớt. Vòng vớt này giống với vòng repechage của các môn Olympic như taekwondo, judo, vật và rowing. Các kỳ thủ thua ở vòng 1/8, tứ kết, bán kết và chung kết sẽ xuống nhánh vớt đấu tiếp. Ở nhánh thua bán kết, Tuấn Minh sẽ gặp kỳ thủ Ukraine Olexandr Bortnyk. Cặp còn lại của nhánh này diễn ra giữa Daniel Naroditsky và Jose Martinez.

 https://video.vnexpress.net/embed/v_349896

Ngày thi tiếp theo bắt đầu lúc 0h thứ Tư 16/3, giờ Hà Nội. Tuấn Minh sẽ tiếp tục phải đấu vào giờ rạng sáng. Mỗi trận đấu diễn ra trong 30 phút, giải lao sau 15 phút đầu tiên.

Giải cờ siêu chớp (Bullet Chess Championship) được nền tảng cờ vua Chess.com tổ chức lần đầu năm 2019, khi đó có quỹ thưởng 15.000 USD. Do Liên đoàn Cờ vua Thế giới không tổ chức giải siêu chớp, Bullet Chess Championship được coi là giải hàng đầu thế giới ở thể loại này. Giải diễn ra thường niên và đến năm 2022 tăng lên 100.000 USD, diễn ra từ 21/2 đến 17/3. Vua cờ Magnus Carlsen và đương kim vô địch Alireza Firouzja không dự giải này.

Theo Vnexpress.net

 

Vì sao Việt Nam ít giải cờ vua tính Elo?

 Kinh phí là vấn đề then chốt khiến Việt Nam chưa thể có nhiều giải đấu tính Elo quốc tế.

Theo thống kê của Liên đoàn Cờ vua thế giới FIDE, Việt Nam có 16 giải (hoặc bảng đấu trong giải) có tính Elo năm 2019, thời điểm trước khi Covid-19 lan rộng. Con số này không chỉ thấp hơn các nước hàng đầu khác ở châu Á như Ấn Độ 175 giải hay Trung Quốc 46 giải. Việt Nam cũng chỉ đứng thứ sáu ở Đông Nam Á về số giải tính hệ số, tương đương Indonesia.

Thống kê trên không hề tương xứng với thực lực của cờ vua Việt Nam hiện tại. Ở bảy giải đồng đội châu Á gần nhất, Việt Nam năm lần đứng trong top 3. Còn ở ba giải cá nhân châu Á gần nhất, Việt Nam cũng có hai nhà vô địch là Lê Quang Liêm (2019) và Võ Thị Kim Phụng (2017). Hay ở các giải trẻ châu Á, Việt Nam cũng thường có thành tích cao hàng đầu. Có thể coi nền cờ vua Việt Nam đang thuộc nhóm đầu châu lục.

Nhưng do chưa có nhiều giải đấu tính Elo, đặc biệt là các giải tầm cỡ quốc tế, Elo của nền cờ vua Việt Nam đang thấp hơn thực lực. Điều này đúng hơn với các kỳ thủ trẻ, khi họ thiếu môi trường cải thiện hệ số. "Elo thực lực của các kỳ thủ trẻ Việt Nam cứ phải cộng thêm 200 đơn vị nữa mới chuẩn", Đại kiện tướng nam Bùi Vinh nói với VnExpress.

Vì Elo đang thấp hơn thực lực, các kỳ thủ Việt Nam ngại thi đấu với nhau nếu giải tính Elo. Bởi khi đó Elo trung bình của giải sẽ không cao. Elo của các kỳ thủ sẽ không cải thiện được, hay thậm chí bị kéo xuống dù họ đạt kết quả không tệ. Hai yếu tố dẫn tới việc tăng giảm Elo của một kỳ thủ chính là Elo trung bình của các đối thủ, và số điểm đạt được từ giải đó.



 

Kỳ thủ Đầu Khương Duy tại giải cờ vua quốc gia 2020 tại Hà Nội. Duy đang có Elo 1.754 ở tuổi 11, nhưng từng thắng Đại kiện tướng Cao Sang với Elo trên 2.400 ba năm trước. Ảnh: Xuân Bình

"Nhiệm vụ đầu tiên là phải cải thiện Elo kỳ thủ Việt Nam lên đúng với thực lực", Bùi Vinh nói thêm. "Nhưng vấn đề này phức tạp, và phải được cải thiện dần dần".

Để tăng Elo của kỳ thủ Việt Nam cho đúng với kỳ lực, có hai phương án. Một là kỳ thủ ra nước ngoài thi đấu, ở những nơi kỳ thủ có Elo đúng với thực tế. Những nơi này là Ấn Độ, Nga, Mỹ hay các nước châu Âu. Phương án hai là Việt Nam mời những kỳ thủ quốc tế về đấu với các kỳ thủ Việt Nam. Cả hai phương án này đều vướng phải bài toán kinh phí.

Cờ vua không phải môn thể thao thu hút người xem, dù số lượng người chơi cờ không ít. FIDE thống kê có khoảng 300 triệu đến 600 triệu người chơi cờ thường xuyên. Nhưng không phải người chơi cờ nào cũng thích xem người khác đấu cờ, đặc biệt là với các kỳ thủ mạnh. Một người có Elo thấp sẽ khó hiểu được ván cờ của một Kiện tướng FIDE (FM) trở lên. Kỳ thủ phong trào cũng sẽ không hiểu vì Đại kiện tướng lại đi quân như vậy. Điều này khác với các môn thể thao đại chúng như bóng đá, quần vợt hay bóng rổ.

Nhưng đây là bài toán mà bất cứ nền cờ vua nào cũng gặp phải, và không dễ để thu hút các nhà tài trợ. "Kỳ thủ nhí của Việt Nam thiếu môi trường cọ xát, thi đấu, khi mỗi năm ở Việt Nam chỉ có giải HDBank là tính hệ số Elo", Siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm nói. "Điều này làm cho việc phát triển trình độ và đạt danh hiệu quốc tế khó khăn hơn rất nhiều. Trong khi đó, ở Mỹ và châu Âu, mỗi năm có rất nhiều giải trẻ, giải mở rộng, giải lấy chuẩn được tổ chức liên tục".

Câu hỏi được đặt ra là vì sao Việt Nam ít giải tính hệ số Elo?

Có thể chia những giải tính Elo làm ba nhóm: giải tính Elo trong nước, quốc tế và giải lấy chuẩn. Để một nước tổ chức những giải như này, FIDE đều yêu cầu liên đoàn cờ quốc gia đó phải nộp phí. Tuỳ vào số lượng kỳ thủ và Elo trung bình của giải, khoản phí phải nộp sẽ khác nhau. Nhưng khoản phí này thường không cao, không quá 10 euro (khoảng 250.000 đồng) cho một kỳ thủ dự giải mở. Số tiền này càng giảm nếu số kỳ thủ dự giải tăng lên.

Với giải tính Elo trong nước không lấy chuẩn, đây thường là cơ hội để các kỳ thủ kiếm những hệ số Elo đầu tiên. Theo quy định, một kỳ thủ chưa có Elo cần gặp ít nhất 5 kỳ thủ có Elo, và đạt tối thiểu 0,5 điểm trong 5 ván này. Hiện tại, một số CLB cờ vua ở Việt Nam đã tự tổ chức những giải như vậy để các kỳ thủ trẻ có những hệ số Elo đầu tiên.

Với giải tính Elo quốc tế, Elo trung bình của giải cũng phải đủ cao để thu hút các kỳ thủ nước ngoài tham dự. Nhưng cũng vì Elo của kỳ thủ Việt Nam thấp hơn thực tế, các kỳ thủ nước ngoài sẽ ít có nguyện vọng thi đấu ở đây. Bùi Vinh đã phối hợp tổ chức bốn giải cờ vua quốc tế Hà Nội mở rộng, nhưng các kỳ thủ dự giải hầu hết là người Việt Nam, và cũng hiếm có kỳ thủ Elo trên 2.000 tham dự.

Dallas Wilson là kỳ thủ quốc tế hiếm hoi dự giải, nhưng anh cũng sống ở Việt Nam trong thời gian đó. Kỳ thủ New Zealand đang có Elo 1.575 này nói với VnExpress: "Tôi đã bị một vài kỳ thủ 9, 10 tuổi ở Việt Nam huỷ diệt. Hệ số Elo của tôi hiện rất tệ. Kỳ thủ trẻ Việt Nam may mắn, vì được nhiều Đại kiện tướng dạy dỗ. Cờ vua rất phổ biến ở Việt Nam, và các kỳ thủ trẻ cũng được nhà nước hỗ trợ nhiều. Còn nhà nước New Zealand chẳng bao giờ hỗ trợ cho kỳ thủ, nên chúng tôi phải tự bỏ tiền túi dự giải".

Như Wilson đã nói, cờ vua Việt Nam may mắn khi được nhà nước hỗ trợ nhiều, so với các nước khác. Lệ phí dự các giải đấu tính Elo của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với quốc tế. Chẳng hạn các giải First Saturday tại Hungary, hay Third Saturday ở Montenegro, lệ phí mà từng kỳ thủ phải đóng thường từ 200 euro (5 triệu đồng) trở lên, dù ở bảng đấu có Elo trung bình thấp hay cao. Còn ở Việt Nam, các kỳ thủ thường không phải đóng quá 1 triệu đồng.

Dù ban tổ chức giải thường hỗ trợ kỳ thủ quốc tế lệ phí, nhưng mức độ thu hút của giải ở Việt Nam vẫn chưa đủ thuyết phục họ tới dự. Kỳ thủ nước ngoài vẫn phải bỏ tiền di chuyển và ăn ở tại đây, nếu họ không sống ở Việt Nam. Điều này khiến các kỳ thủ Việt Nam lại tự đánh với nhau, kéo Elo xuống thấp hơn.



Kiện tướng FIDE nữ Nguyễn Thiên Ngân thi đấu ở giải vô địch Đông Nam Á 2019 tại Bắc Giang. Elo hiện tại của cô là 1.861, nhưng từng vô địch cờ chớp quốc gia năm 2021. Ảnh: Xuân Bình

Còn ở giải muốn lấy chuẩn, vấn đề lớn nhất chính là kinh phíBan tổ chức gần như bắt buộc phải thu hút được các nhà tài trợ. Với những giải kiếm chuẩn, FIDE quy định phải có kỳ thủ từ ít nhất 5 quốc gia góp mặt tại giải.

Để một kỳ thủ kiếm chuẩn, dù là Kiện tướng FIDE (WFM và FM), Kiện tướng quốc tế (WIM và IM) hay Đại kiện tướng (WGM và GM), các đối thủ thường phải có Elo cao, khoảng 2.000 trở lên. Nếu kỳ thủ muốn kiếm chuẩn IM hay GM, quy định càng khó khăn hơn. Chẳng hạn để kỳ thủ kiếm chuẩn IM, điều kiện cần là Elo trung bình của giải phải từ 2.230 trở lên. Và họ cũng cũng gặp ít nhất ba IM hoặc GM tại giải.

Nói cách khác, để tổ chức các giải kiếm chuẩn, ban tổ chức cần thu hút được một lượng kỳ thủ quốc tế theo yêu cầu. Những kỳ thủ này cũng có Elo cao, và có đẳng cấp. Lúc này, bài toán kinh phí xuất hiện.

Để mời được những kỳ thủ quốc tế có đẳng cấp, ban tổ chức sẽ phải đề nghị họ một khoản phí "lót tay". Số tiền này có thể lên tới 500 USD (khoảng hơn 11 triệu đồng) hoặc hơn nữa, tuỳ vào đẳng cấp và Elo của kỳ thủ. Ngoài ra, ban tổ chức cũng cần hỗ trợ, hoặc chi trả một phần phí đi lại và ăn ở cho họ. Giải thưởng cũng phải ở mức đủ hấp dẫn để thu hút các kỳ thủ này. Không dễ gì để tổ chức một giải đấu kiếm chuẩn ở Việt Nam, nếu không có nhà tài trợ thành tâm.

Việt Nam không phải mảnh đất "màu mỡ" để các kỳ thủ quốc tế đến kiếm Elo, hay đạt chuẩn, cũng vì Elo của kỳ thủ Việt Nam thấp hơn thực lực. Kỳ thủ nước ngoài dễ có nguy cơ mất Elo hơn là được, nếu thi đấu ở Việt Nam. Để chấp nhận mạo hiểm, họ phải được bù đắp, không gì khác bằng thu nhập. Chưa kể ban tổ chức cũng cần chuẩn bị trang thiết bị để tổ chức giải, hay thù lao cho các trọng tài.

Ngay cả các kỳ thủ hàng đầu Việt Nam cũng không mừng khi thi đấu những giải tính Elo trong nước. Giải vô địch quốc gia (A1) vừa kết thúc hôm 5/3 là giải toàn quốc duy nhất tính Elo. Nhiều kỳ thủ trẻ dự giải có Elo thấp hơn thực lực tới vài trăm đơn vị. Elo trung bình của bảng nam là 2.005, còn bảng nữ là 1.731.

Kỳ thủ số hai Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường Sơn cũng chưa từng vô địch quốc gia, chủ yếu vì anh ít dự giải. "Nếu tính Elo, ban tổ chức nên thắt chặt kỳ thủ dự giải", Đại kiện tướng nữ Võ Thị Kim Phụng nói với VnExpress. "Giải A1 hiện có xu hướng phong trào quá, nên mọi người đánh không hào hứng lắm. Vì vô địch cũng không có suất đi giải nào nữa".

Cờ vua Việt Nam đang rơi vào một vòng lặp luẩn quẩn. Elo hiện tại của nền cờ thấp hơn thực lực khoảng 200 đơn vị. Để cải thiện Elo, kỳ thủ cần được thi đấu với các kỳ thủ quốc tế. Nhưng kỳ thủ quốc tế không muốn thi đấu ở đây vì Elo trung bình của Việt Nam thấp hơn thực lực. Giải được bài toán này không thể chỉ là công việc ngắn hạn.

"Việt Nam đang có kế hoạch tổ chức thêm nhiều giải đấu tính Elo trong năm nay", Tổng thư ký Liên đoàn cờ Việt Nam - bà Nguyễn Thị Anh Thư - cho biết. "Trước và sau SEA Games, sẽ có hai giải đấu diễn ra tại Hà Nội. Liên đoàn cũng đã gửi thư mời các nước khác trong khu vực. Tiếc là hai năm qua Covid-19 khiến nhiều giải đấu bị trì hoãn".

Giải đầu tiên dự kiến diễn ra từ 8/4 đến 17/4 tại Hà Nội. Nhưng hiện tại Covid-19 Việt Nam và Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Thực trạng cờ vua Việt Nam hiện tại còn nhiều trở ngại khác, hóc búa không kém dịch bệnh. Nhưng ít nhất, những người làm cờ vua đã bắt đầu tìm lời giải cho bài toán này.

 

 
Liên Hệ [x]
hotline090 264 1618