Dù không đánh ván cờ tiêu chuẩn nào trong tháng 8, Lê Quang Liêm sẽ lần đầu vào Top 20 thế giới theo bảng FIDE tháng 9/2022.
Quang Liêm tiến một bậc trên bảng FIDE, nhờ sự sa sút của Wang Hao (Vương Hạo), khi kỳ thủ Trung Quốc rơi sáu bậc xuống thứ 25. Wang dự Abu Dhabi Masters ở UAE từ 17/8 đến 25/8 với tư cách hạt giống số một, nhưng anh chỉ giành 5,5 trên chín điểm tối đa, mất 13 Elo. Elo hiện tại của Wang chỉ còn 2.722.
Quang Liêm đang có Elo 2.728, vượt qua Wang để đứng thứ 20 thế giới. Anh sẽ lần đầu đạt vị trí này ở một bảng FIDE trong sự nghiệp. Trước đó, vị trí cao nhất của kỳ thủ TP HCM là thứ 21, với hai lần đạt được năm 2017.
Quang Liêm cũng vươn lên đứng thứ ba châu Á, sau Ding Liren (Đinh Lập Nhân) và Viswanathan Anand. Nhưng anh vẫn còn cách Top 10 thế giới 30 Elo.
Elo hiện tại của Quang Liêm không cao nhất sự nghiệp, khi anh từng đạt 2.739 tháng 8/2017. Nếu tái hiện được mốc Elo đó lúc này, vị trí của anh sẽ là 18.
Trong hè 2022, Quang Liêm dự hai giải cờ tiêu chuẩn ở Prague tháng 6 và Biel tháng 7. Anh tích luỹ được 19 Elo qua hai giải này, trong đó có chức vô địch Biel Grandmaster.
Dự các giải cờ tiêu chuẩn không còn là ưu tiên hàng đầu của Quang Liêm, khi anh đang làm HLV cờ vua trường Webster và Giám đốc học viện SPICE. Kỳ thủ 31 tuổi từng từ chối dự siêu giải Sinquefield Cup 2021 vì bận công việc ở Webster.
Sinquefield Cup 2022 diễn ra từ 2/9 đến 11/9 cũng không có tên Quang Liêm. 10 kỳ thủ dự giải này sẽ là Magnus Carlsen, Ian Nepomniachtchi, Alireza Firouzja, Wesley So, Levon Aronian, Fabiano Caruana, Shakhriyar Mamedyarov, Maxime Vachier-Lagrave, Leinier Dominguez Perez và Hans Niemann.
Carlsen vẫn đứng đứng đầu thế giới với Elo 2.861, hơn người đứng thứ hai Ding tới 53 Elo. Dinh và Nepomniachtchi sẽ chơi trận chung kết cờ vua thế giới 2023, do Carlsen không bảo vệ ngôi Vua cờ.
Lê Quang Liêm hạ Rameshbabu Praggnanandhaa 2,5-0,5 để cắt chuỗi bốn trận thắng của đối thủ, ở vòng năm FTX Crypto Cup tại Miami hôm 19/8.
Quang Liêm cầm quân trắng ở ván đầu tiên, và hoà trong thế cờ thiên về vị trí. Ở hai ván tiếp theo, kỳ thủ số một Việt Nam toàn thắng và kết thúc trận đấu sớm một ván đấu. Chiến thắng giúp anh leo lên thứ năm với sáu điểm, cùng tiền thưởng 15.000 USD.
Bước ngoặt trận đấu đến ở ván thứ hai, khi Praggnanandhaa xử lý không tốt ở trung cuộc, để mất một tốt. Quang Liêm đưa tốt đen xuống hàng hai và doạ phong cấp ở vài nước kế tiếp, khiến thần đồng Ấn Độ xin thua. "Ván thứ hai khó khăn, khi thế cờ của tôi tệ hơn sau khai cuộc", Quang Liêm nói. "Nhưng đối thủ háo thắng dẫn tới sai lầm".
Quang Liêm tiếp tục lợi một tốt ở trung cuộc ván thứ ba, và anh tìm cách đưa xuống phong cấp. Praggnanandhaa buộc phải đổi mã lấy tốt, dẫn tới thế cờ thiệt hẳn tượng. Kỳ thủ 17 tuổi đầu hàng sau vài nước kế tiếp. "Mọi chiến thắng tại giải đều quan trọng, đặc biệt là trước đối thủ có phong độ cao như Praggnanandhaa", kỳ thủ người TP HCM nói thêm.
Praggnanandhaa từng là Kiện tướng quốc tế trẻ nhất lịch sử, khi mới 10 tuổi, và anh được phong Đại kiện tướng ở tuổi 12. Tháng 2/2022, anh thành kỳ thủ trẻ nhất lịch sử từng hạ Magnus Carlsen, ở tuổi 16 tại Airthings Masters. Ở chặng chính đầu tiên tại Oslo, Na Uy, thần đồng Ấn Độ thắng Quang Liêm cũng tỷ số 2,5-0,5.
Praggnanandhaa cũng đang chiếm nhì bảng chặng chính thứ hai FTX Crypto Cup với 12 điểm, ít hơn Carlsen một điểm. Tính cả Champions Chess Tour 2022, anh cũng đứng thứ hai với tổng tiền thưởng 91.250 USD, sau Carlsen 139.000 USD. Còn Quang Liêm đứng thứ tư ở Tour với tiền thưởng 69.000 USD.
Tại FTX Crypto Cup, Praggnanandhaa và Carlsen cùng thắng bốn trận đầu tiên và giành 12 điểm tối đa. Ở vòng năm, Carlsen thua Jan-Krzysztof Duda ở loạt tie-break, vẫn giành thêm một điểm để độc chiếm đỉnh bảng.
Bảng điểm sau năm vòng
TT
Kỳ thủ
Liên đoàn
Điểm
Thưởng (USD)
1
Carlsen
Na Uy
13
32.500
2
Praggnanandhaa
Ấn Độ
12
30.000
3
Firouzja
Pháp
11
27.500
4
Giri
Hà Lan
7
17.500
5
Quang Liêm
Việt Nam
6
15.000
5
Duda
Ba Lan
6
15.000
7
Aronian
Mỹ
5
12.500
8
Niemann
Mỹ
0
2.500
Vòng áp chót của giải diễn ra từ 23h thứ bảy 20/8, giờ Hà Nội, khi Quang Liêm gặp Giri. Các cặp đấu còn lại gồm Firouzja - Carlsen, Praggnanandhaa - Duda và Niemann - Aronian.
Kỳ thủ số một thế giới Magnus Carlsen thắng Lê Quang Liêm 3-1 ở vòng bốn FTX Crypto Cup, chặng chính Champions Chess Tour hôm 18/8.
Sau hai ván đầu đều hoà, Carlsen cầm quân trắng ở ván thứ ba, quyết định thí chất làm phức tạp ván đấu ở trung cuộc. Đến tàn cuộc, có thời điểm kỳ thủ Na Uy thiệt một mã, nhưng hơn ba tốt và chiếm thế chủ động. Quang Liêm phải phòng ngự nhưng cuối cùng rơi vào bẫy chiếu hết của đối thủ.
Quang Liêm lắc đầu khi mắc sai lầm này, rồi bấm nút xin thua. Còn Carlsen mừng ra mặt với chiến thắng quan trọng."Tôi không nhìn ra cách nào để thắng trong tình huống đó", Carlsen nói rồi cười. "Nên tôi tìm cách để đánh lừa Quang Liêm và đã thành công".
Quang Liêm buộc phải thắng ở ván cuối, nhưng anh rơi vào bẫy hậu ở trung cuộc rồi thất bại. Với thắng lợi 3-1, Carlsen đòi nợ sau khi thua Quang Liêm 1,5-2,5 ở chặng chính đầu tiên Oslo Esports Cup tháng 4/2022.
Carlsen và thần đồng Ấn Độ Rameshbabu Praggnanandhaa cùng nối dài thành tích toàn thắng sau bốn ván. Ở vòng bốn, Praggnanandhaa hạ kỳ thủ số sáu thế giới Levon Aronian cũng với tỷ số 3-1. Còn Alireza Firouzja và Anish Giri lần lượt thắng Jan-Krzysztof Duda và Hans Niemann với tỷ số 2,5-1,5.
Sau bốn ván, Quang Liêm thắng một, thua ba và đang kiếm 7.500 USD tiền thưởng. Anh có cơ hội cản đà thăng hoa của Praggnanandhaa khi hai người gặp nhau ở vòng năm, bắt đầu lúc 23h thứ sáu 19/8, giờ Hà Nội.
Kỳ thủ Lê Quang Liêm thắng ván đầu FTX Crypto Cup, với tỷ số 2,5-0,5 trước Jan-Krzysztof Duda ở vòng ba hôm 17/8 tại Miami.
Sau hai trận đầu thua đối thủ Top 6 thế giới như Levon Aronian và Alireza Firouzja, Quang Liêm cuối cùng đã ghi ba điểm đầu tiên với chiến thắng cách biệt nhà vô địch World Cup cờ vua 2021. Kỳ thủ số một Việt Nam thắng hai ván đầu, rồi hoà ván thứ ba để giành ba điểm đầu tiên sau ba vòng.
Đây không phải lần đầu Quang Liêm thắng Duda ở một chặng chính của Champions Chess Tour 2022. Tại Oslo Esports Cup ở Na Uy tháng 4, kỳ thủ người TP HCM cũng thắng Duda nhưng qua loạt tie-break với tỷ số 4-2, và giành 5.000 USD. Lần này, Quang Liêm thắng ngay từ cờ nhanh, nên đoạt trọn 7.500 USD tiền thưởng.
Ở ván đầu tiên, Quang Liêm cầm quân trắng và thiệt một tốt ở trung cuộc. Nhưng anh bẫy hậu đối thủ và chuyển sang giành ưu thế thắng. Kỳ thủ 31 tuổi chuyển hoá ưu thế thành thắng lợi đầu tiên tại Miami.
Thua dù có ưu thế lớn, Duda chơi tất tay ở ván thứ hai khi anh thí mã từ khai cuộc. Nhưng Quang Liêm duy trì được ưu thế, dần đổi quân để đưa về tàn cuộc xe mã đấu xe, thắng sau 53 nước cờ.
Đến ván thứ ba, Duda không lúc nào tạo được ưu thế lớn bởi lối đánh chắc chắn của Quang Liêm. Ván này hoà đồng nghĩa trận đấu kết thúc mà kỳ thủ Việt Nam không cần đến ván thứ tư.
Chiến thắng này là động lực giúp Quang Liêm đụng kỳ thủ số một Magnus Carlsen ở vòng bốn, diễn ra từ 23h thứ năm 18/8, giờ Hà Nội. Carlsen cũng là một trong hai kỳ thủ duy nhất giành trọn chín điểm tại giải, bên cạnh thần đồng Ấn Độ Rameshbabu Praggnanandhaa.
Duda sinh ngày 26/4/1998 tại Wieliczka, Ba Lan. Anh nổi tiếng khi vô địch World Cup cờ vua 2021, để giành suất dự Candidates 2022 và đứng thứ bảy ở đó. Duda còn từng chấm dứt chuỗi kỷ lục 125 ván bất bại của Carlsen, ở siêu giải Na Uy ngày 10/10/2020. Duda cũng vô địch Oslo Esports Cup 2022, do hơn Quang Liêm một điểm.
FTX Crypto Cup diễn ra từ 15/8 đến 21/8 tại Miami, mỗi ngày một vòng đấu. Với mỗi điểm giành được, kỳ thủ nhận 2.500 USD. Kỳ thủ thắng sau bốn ván cờ nhanh được ba điểm, còn thắng sau loạt tie-break được hai điểm, thua tie-break được một điểm.
Tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á (ASEAN Para Games) lần thứ 11 - năm 2022 mới kết thúc tại Indonesia, đội tuyển cờ vua Việt Nam đóng góp 13 Huy chương Vàng (HCV), 6 Huy chương Bạc (HCB), 11 Huy chương Đồng (HCĐ) vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam (65 HCV, 62 HCB, 56 HCĐ, hạng Ba toàn đoàn). Trong đó, các kỳ thủ của Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội đóng góp 12 HCV, 5 HCB, 4 HCĐ. Đó được xem là thành công ngoài mong đợi của cờ vua Hà Nội.
Không ít khó khăn
Cách đây gần 4 năm, sau khi được bầu chọn là một trong ba Huấn luyện viên (HLV) tiêu biểu thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2018, HLV Bùi Quang Vũ của đội cờ vua người khuyết tật (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội) nói rằng ông rất muốn có thêm nhiều lần khẳng định mình ở sân chơi quốc tế.
Thế nhưng, mong mỏi góp mặt ở ASEAN Para Games của ông Bùi Quang Vũ và các học trò phải đợi đến năm 2022 mới thành hiện thực. Do khó khăn về tài chính và ảnh hưởng của dịch Covid-19, Philippines không đăng cai ASEAN Para Games năm 2019 như dự kiến; phải đến tháng 2-2022, Indonesia mới chính thức nhận đăng cai ASEAN Para Games lần thứ 11.
Trong quãng thời gian chờ đợi đó, các thành viên đội cờ vua người khuyết tật Hà Nội, những người mong muốn được góp mặt ở sân chơi quốc tế vừa sức như ASEAN Para Games luôn sống trong cảnh hồi hộp. Ở đó, họ có nhiều cơ hội giành huy chương, có điều kiện cải thiện thu nhập nhờ tiền thưởng theo quy định của Chính phủ, địa phương. Trưởng bộ môn thể thao người khuyết tật Hà Nội Đỗ Ngọc Thanh, HLV Bùi Quang Vũ đã hết lòng động viên tinh thần của VĐV dù cũng không biết chắc khi nào có cơ hội thi đấu quốc tế.
Phải đến khi ngành Thể thao quyết định cử Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam dự ASEAN Para Games lần thứ 11 thì guồng quay chuẩn bị của đội tuyển cờ vua Việt Nam với nòng cốt là các kỳ thủ Hà Nội mới được vận hành tối đa. Cũng do việc tham dự ASEAN Para Games lần thứ 11 là đột xuất, không được bố trí kinh phí theo kế hoạch của Tổng cục Thể dục Thể thao nên phía Tổng cục đã “có lời” với các địa phương có vận động viên (VĐV) dự ASEAN Para Games lần thứ 11 chủ động tổ chức tập huấn cho VĐV bằng nguồn kinh phí địa phương. Các HLV, VĐV không có chế độ tập huấn đội tuyển quốc gia như các kỳ ASEAN Para Games trước nhưng việc được tham dự ASEAN Para Games là niềm vui khôn tả và tất cả sẵn sàng chia sẻ với ngành Thể thao.
HLV Bùi Quang Vũ chia sẻ thêm: Khi có thông tin ASEAN Para Games 11 sẽ được tổ chức tại Indonesia, các VĐV trọng điểm của đội tuyển cờ vua người khuyết tật Hà Nội đã được ngành Thể thao Hà Nội triệu tập tập huấn. Sau Giải vô địch cờ vua người khuyết tật toàn quốc kết thúc vào tháng 4-2022, các VĐV đã ngay lập tức bắt tay vào tập luyện để chuẩn bị cho giải. Các buổi tập của đội diễn ra liên tục các ngày trong tuần, nhiều thành viên gác lại công việc làm thêm để chuyên tâm tập luyện. Các buổi thi đấu tập với các VĐV bình thường từ một số câu lạc bộ trên địa bàn thành phố được tổ chức, giúp các VĐV của đội tuyển giữ được phong độ, cảm giác thi đấu.
Hướng đến sân chơi lớn hơn
Khi tới Indonesia vào cuối tháng 7, tình hình của đội tuyển cờ vua Việt Nam không hẳn thuận lợi. Có 2 VĐV Hà Nội mắc Covid-19. Điều đó khiến 1 VĐV mất cơ hội thi đấu nội dung cờ tiêu chuẩn và chỉ dự nội dung cờ nhanh, cờ chớp. VĐV còn lại kịp có kết quả âm tính để dự đủ cả 3 nội dung (cờ tiêu chuẩn, cờ nhanh, cờ chớp). Những ngày đó, từ phụ trách đội tuyển cờ vua Đỗ Ngọc Thanh đến các HLV bận rộn lo từ việc chuyên môn đến chăm sóc VĐV. Việc bộn bề nhưng cuối cùng thì nỗ lực của tất cả thành viên đội tuyển đã mang về cái kết có hậu, được đánh giá là ngoài mong đợi.
Những VĐV quen thuộc và cả những VĐV mới lần đầu dự ASEAN Para Games đều giành huy chương. Trong đó, những VĐV kỳ cựu đóng góp thành tích đáng kể như Trần Thị Bích Thủy (3 HCV, 1 HCĐ), Nguyễn Thị Mỹ Linh (4 HCV), Nguyễn Thị Minh Thư (3 HCV, 1 HCĐ)... Nguyễn Thị Hồng, VĐV trẻ lần đầu tham dự Đại hội đóng góp 5 HCV, 1 HCB cá nhân, đồng đội... VĐV Trần Thị Bích Thủy kể, việc được thi đấu và giành những tấm HCV mang đến cho cô niềm hạnh phúc lớn lao bởi cô đã phải chờ đến gần 5 năm để được dự và giành huy chương ASEAN Para Games.
Tính chung, trong thành tích giành 48 huy chương (16 HCV, 17 HCB, 15 HCĐ) của thể thao người khuyết tật Hà Nội ở ASEAN Para Games lần thứ 11 thì thành tích 12 HCV, 5 HCB, 4 HCĐ của các VĐV cờ vua Hà Nội càng trở nên đáng kể.
Ngày kết thúc ASEAN Para Games lần thứ 11, HLV Bùi Quang Vũ nói rằng, ông và các học trò, trong đó có các VĐV Hà Nội, rất vui vì đã đóng góp tích cực vào thành tích của Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam. Nhưng các thành viên đội cờ vua người khuyết tật Hà Nội vẫn muốn nhiều hơn, như giành HCV ở Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á năm 2023 chẳng hạn. Tất cả cũng là để chứng minh người khuyết tật luôn giàu khát vọng vươn lên, luôn muốn đóng góp cho đất nước trong khả năng của mình.
Cờ vua Việt Nam đón nhận tin vui khi kỳ thủ Hà Nội Lê Tuấn Minh vừa đạt đủ điều kiện để trở thành Đại kiện tướng quốc tế nam thứ 13 của Việt Nam. Tất nhiên, đó không phải là điểm cuối trong hành trình “tăng trưởng” số lượng Đại kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế của cờ vua Việt Nam cũng như Hà Nội. Để nối dài hành trình đó, chúng ta cần tiếp tục tiếp sức cho các kỳ thủ...
Chờ đợi quá lâu
Ngay trong năm 2017 - 2018, Lê Tuấn Minh đã giành đủ 2 chuẩn Đại kiện tướng quốc tế nhờ kết quả thi đấu tốt tại Giải cờ vua quốc tế HD Bank diễn ra tại Việt Nam. Ngay lúc đó, kỳ thủ sinh năm 1996 này được đánh giá là sẽ sớm giành chuẩn thứ 3 để được phong Đại kiện tướng quốc tế nội dung cờ tiêu chuẩn.
Nhưng ở một số giải quốc tế sau đó, khi có cơ hội thì Lê Tuấn Minh lại không thể tận dụng. Bên cạnh đó, việc không tham dự nhiều giải quốc tế vì vấn đề kinh phí cũng như do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hành trình lấy chuẩn Đại kiện tướng quốc tế bị chậm lại.
Chính vì thế mà sau SEA Games 31, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Hà Nội và gia đình đã nỗ lực chung tay giúp Lê Tuấn Minh thi đấu tại giải Philadelphia International 2022 (Mỹ) nhằm lấy chuẩn Đại kiện tướng quốc tế. Kết quả thi đấu tại giải này đã giúp kỳ thủ người Hà Nội giành chuẩn cuối cùng để được phong danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế. Thành tích này cũng kết thúc hành trình gần 4 năm chinh phục chuẩn cuối để được phong danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế của Lê Tuấn Minh.
Trước đó, cờ vua Việt Nam mới chỉ có 12 Đại kiện tướng quốc tế, trong đó cờ vua Hà Nội có 3 Đại kiện tướng quốc tế gồm Bùi Vinh, Trần Tuấn Minh, Nguyễn Văn Huy.
Tiếp tục hướng đến mục tiêu mới
Đánh giá về số lượng Đại kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế cờ vua ở Việt Nam, ông Nguyễn Minh Thắng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, phụ trách bộ môn cờ (Tổng cục Thể dục thể thao) cho rằng, số lượng kỳ thủ nam, nữ giành danh hiệu Đại kiện tướng quốc tế của cờ vua Việt Nam là quá ít so với tiềm năng.
Nguyên Trưởng bộ môn cờ Hà Nội Đặng Vũ Dũng đã nhiều lần khẳng định, đẳng cấp của một nền cờ vua chỉ được xác định thông qua số lượng Đại kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế chứ không hẳn là số danh hiệu. Cũng vì vậy, từ hơn chục năm trước, ngành Thể thao Hà Nội đã quyết liệt đầu tư trọng điểm bằng nguồn kinh phí ngân sách để Hà Nội có thêm Đại kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế. Còn Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, cũng là người thầy của Lê Tuấn Minh từ khi còn bé, đã tính toán rằng, nếu đầu tư liên tục, mạnh tay thì cờ vua Việt Nam đã có nhiều hơn 13 Đại kiện tướng quốc tế nam.
Cho nên, vẫn cần thực hiện rốt ráo hàng loạt giải pháp để cờ vua Việt Nam nhanh chóng có thêm nhiều Đại kiện tướng quốc tế nam và nữ. Trong các giải pháp đó, bên cạnh nguồn ngân sách nhà nước, rất cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động nguồn lực xã hội để các kỳ thủ Việt Nam có điều kiện tham gia nhiều giải đấu quốc tế, qua đó giành đủ chuẩn để được công nhận danh hiệu quốc tế.
Thực tế, gần đây đã có nhiều giải đấu xét chuẩn Đại kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế được tổ chức tại Việt Nam thay vì chỉ “chằn chặn” một giải/ năm là Giải Cờ vua quốc tế HD Bank. Liên đoàn Cờ Việt Nam đã cùng Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức giải xét chuẩn Đại kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế (diễn ra tại Hà Nội vào cuối tháng 5 vừa qua). Ít tháng tới, Liên đoàn Cờ Việt Nam sẽ tham gia tổ chức một giải đấu tương tự tại Hà Nội. Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam Nguyễn Minh Thắng, Liên đoàn sẽ tích cực phối hợp với các đơn vị tổ chức để tạo điều kiện tốt nhất cho khâu tổ chức giải.
Cờ vua Hà Nội hiện còn nhiều kỳ thủ có nhiều khả năng giành chuẩn Đại kiện tướng quốc tế, trong đó có Trần Minh Thắng (từng vô địch U8 thế giới, đã giành 1 chuẩn Đại kiện tướng quốc tế). Theo Đại kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, ngoài việc để các kỳ thủ ra nước ngoài thi đấu, rất cần sự chung tay của các đơn vị khác trong việc tổ chức các giải quốc tế ngay ở Thủ đô nhằm giúp các kỳ thủ Hà Nội có nhiều cơ hội giành chuẩn Đại kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế.
Và chỉ có vậy thì cờ vua Việt Nam cũng như Hà Nội mới thực hiện được mục tiêu nâng tầm với việc có nhiều Đại kiện tướng quốc tế, Kiện tướng quốc tế.
Đội tuyển cờ vua nữ Việt Nam chỉ đứng hạng 53 tại giải cờ vua đồng đội thế giới (Olympiad) năm 2022, vừa kết thúc tại Ấn Độ. Không kể, nhiều kỳ thủ Việt Nam cũng đang mướt mải tìm thêm hệ số elo quốc tế để có thể được góp mặt ở các giải quốc tế cấp độ cao hơn. Tất cả cho thấy cần hướng đi rõ ràng và mang tính xã hội hóa rõ hơn trong đầu tư cho các kỳ thủ cờ vua.
Thiếu cọ xát, khó nói chuyện thành tích
Việc đội tuyển cờ vua nữ Việt Nam chỉ đứng hạng 53 tại Olympiad năm 2022 không gây bất ngờ cho người làng cờ Việt Nam. Theo ông Nguyễn Minh Thắng, phụ trách Bộ môn cờ vua - Tổng cục Thể dục Thể thao, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam, đây là việc bình thường khi các kỳ thủ nữ Việt Nam ít tham dự các giải quốc tế.
Đó cũng là câu chuyện được nhắc đến liên tục trong thời gian qua. Điều đó cũng dẫn đến việc nhiều kỳ thủ không tích lũy được hệ số elo cần thiết, các danh hiệu quốc tế để đủ điều kiện dự những giải đấu quốc tế.
Ngay cuối tháng 7 vừa qua, rất nhiều kỳ thủ Việt Nam muốn tham dự các giải đấu trong hệ thống “Giải cờ vua Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2022”, nhưng cuối cùng đành đứng ngoài cuộc chơi do không đủ điều kiện về hệ số elo.
Thực tế, từ nhiều năm nay, các kỳ thủ Việt Nam thường phải trông vào sự đầu tư từ đơn vị chủ quản và Tổng cục Thể dục Thể thao để thi đấu quốc tế, tăng hệ số elo, giành chuẩn các danh hiệu quốc tế. Đương nhiên, nguồn ngân sách không bao giờ có thể đáp ứng hết yêu cầu tập huấn, thi đấu quốc tế để tạo nên lực lượng kỳ thủ đông đảo, có trình độ cao trong làng cờ thế giới, có thể giúp cờ vua Việt Nam duy trì thành tích ổn định. Cho nên, đến tháng 8-2022, Việt Nam mới chỉ có 13 Đại Kiện tướng quốc tế nam, trong đó có người được phong danh hiệu này khi đã ngoài 30 tuổi.
Trong khi đó, giải pháp tổ chức liên tục các giải đấu quốc tế ngay tại Việt Nam, thay vì 1-2 giải mỗi năm, đã bắt đầu được thực hiện. Đây là giải pháp căn cơ để tiết kiệm kinh phí cho vận động viên Việt Nam, giúp họ nhanh chóng có hệ số elo và các danh hiệu quốc tế từ Liên đoàn Cờ vua thế giới như Kiện tướng FIDE, Kiện tướng quốc tế, Đại Kiện tướng quốc tế… Tuy nhiên, để giải đấu thực sự như kỳ vọng vẫn còn chặng đường dài, bắt đầu bằng việc có nền tảng vững chắc từ hệ số elo, danh hiệu của kỳ thủ.
Liên đoàn Cờ Việt Nam nhìn nhận, khối lượng công việc sẽ rất nặng nề. Trong đó phải tổ chức thật nhiều giải đấu ở trong nước được Liên đoàn Cờ vua thế giới công nhận, giúp vận động viên tích lũy hệ số elo. Từ đây sẽ có nhiều kỳ thủ đủ điều kiện thi đấu các giải quốc tế, để lấy chuẩn các danh hiệu quốc tế, trước mắt tập trung lấy chuẩn Kiện tướng quốc tế.
Cần thêm cú hích
Những diễn biến gần đây cho thấy dấu hiệu tích cực trong việc hỗ trợ các kỳ thủ Việt Nam có điều kiện thi đấu quốc tế với mức kinh phí tiết kiệm nhất mà vẫn đáp ứng yêu cầu chuyên môn.
Trong 3 tháng qua, tại Hà Nội đã diễn ra 3 giải cờ vua quốc tế do Liên đoàn Cờ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Đây là chuyện chưa từng có trong làng cờ vua Việt Nam. Đặc biệt, ở 2 giải đấu gần đây nhất thuộc hệ thống “Giải cờ vua Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2022”, có 1 kỳ thủ Việt Nam giành được chuẩn Kiện tướng quốc tế; 3 kỳ thủ Việt Nam khác được phong trực tiếp danh hiệu Kiện tướng FIDE. Ngoài ra, nhiều kỳ thủ Việt Nam tăng hệ số elo, trong đó, kỳ thủ Nguyễn Vương Tùng Lâm tăng 198 điểm; Trần Đăng Minh Đức 189 điểm; Trần Đăng Minh Quang 145 điểm; Bành Gia Huy 107 điểm; Hoàng Minh Hiếu 106 điểm…
Phụ trách Bộ môn cờ vua - Tổng cục Thể dục Thể thao, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cờ Việt Nam Nguyễn Minh Thắng cho rằng: “Chúng tôi hiểu rằng, khó khăn nhất chính là huy động nguồn xã hội hóa để đồng hành với kỳ thủ. Việc tổ chức các giải quốc tế tại Hà Nội như thời gian qua là hướng đi phù hợp, thể hiện tính xã hội hóa rất cao trong việc phát triển môn cờ vua. Vì thế, Liên đoàn Cờ Việt Nam sẽ đặc biệt coi trọng hướng đi này trong tương lai”.
Còn Đại Kiện tướng quốc tế Bùi Vinh, Tổng trọng tài, đồng thời tham gia tổ chức các giải trên, cũng nhận định, hiệu quả ban đầu từ việc tổ chức các giải đấu quốc tế tại Việt Nam đã rõ ràng. Nhưng về lâu dài vẫn cần thêm nhiều cá nhân, tổ chức cùng chung tay tổ chức các giải cờ vua quốc tế tại Việt Nam để tạo thêm cú hích mạnh cho cờ vua Việt Nam. Tuy nhiên, về lâu dài, phải bảo đảm được nguồn lực tài chính ổn định cho tổ chức giải đấu thông qua tài trợ, quảng cáo, phí tham dự từ các kỳ thủ, các sự kiện liên quan… Nếu không, sẽ khó duy trì cách làm này.
Ông Bùi Vinh cũng khẳng định, một hướng đi khác cần làm rõ là phải đưa các kỳ thủ ra nước ngoài thi đấu càng nhiều càng tốt để được cọ xát ở những sân chơi phát triển hơn về chuyên môn. Trong điều kiện hiện nay, không thể trông chờ kinh phí từ ngân sách mà cần phải có sự chung sức từ các gia đình để cờ vua Việt Nam sớm có nhiều hơn những Kiện tướng quốc tế, Đại Kiện tướng quốc tế ngay trước 18 tuổi. Theo tính toán, để có thể đạt mục tiêu Đại Kiện tướng quốc tế, cần đầu tư gần 1 tỷ đồng/năm cho một kỳ thủ trẻ trong chu kỳ 4-6 năm.
“Mỗi quốc gia có một chiến lược riêng trong đầu tư cho các kỳ thủ nhưng quan trọng nhất là phải có nguồn lực tài chính. Từ đó có lực lượng ở trình độ cao, giúp nâng vị thế làng cờ vua Việt Nam cũng như duy trì ổn định thành tích trong làng cờ vua thế giới", ông Bùi Vinh nói.
Kỳ thủ Lê Quang Liêm thua sát nút Levon Aronian 1,5-2,5 ở trận đầu FTX Crypto Cup, chặng chính thứ hai của Champions Chess Tour 2022, hôm 15/8.
Aronian cầm quân trắng ở ván đầu và tìm cách tấn công thành ở trung cuộc. Quang Liêm không tìm ra những nước phòng thủ tốt nhất dẫn tới thiệt chất, rồi thất bại.
Kỳ thủ số một Việt Nam có cơ hội tốt để gỡ hoà ở ván tiếp theo, khi anh cầm quân trắng, hơn chất và một tốt trong tàn cuộc. Nhưng Quang Liêm đánh không đúng kỹ thuật và để kỳ thủ số sáu thế giới cầm hoà.
Quang Liêm không còn cơ hội nào tốt như thế để gỡ hòa. Trong hai ván còn lại, Aronian không mắc sai lầm nào để cầm hoà. Kết quả đó vừa đủ để kỳ thủ Mỹ gốc Armenia thắng trận đầu, kiếm 7.500 USD tiền thưởng.
Ba cặp đấu còn lại cũng phân thắng thua. Bất ngờ lớn nhất là thần đồng Ấn Độ Rameshbabu Praggnanandhaa hạ kỳ thủ số bốn thế giới Alireza Firouzja cũng với tỷ số 2,5-1,5. Praggnanandhaa đang đứng thứ ba ở Champions Chess Tour 2022, khi đã kiếm 68.750 USD.
Người đứng đầu Tour cũng thắng trận ra quân là Magnus Carlsen. Kỳ thủ số một thế giới hạ Anish Giri 3-1, để nâng tiền thưởng ở Tour lên 114.000 USD.
Kỳ thủ đang đứng thứ hai Tour Jan-Krzysztof Duda cũng thắng Hans Niemann 3-0 để đạt 80.500 USD tổng thưởng từ đầu mùa. Còn Quang Liêm vẫn đứng thứ năm ở Tour với 54.000 USD.
FTX Crypto Cup diễn ra từ 15/8 đến 21/8 tại Miami, mỗi ngày một vòng đấu. Người thắng mỗi trận được 7.500 USD, thua không có tiền thưởng.
Ở vòng hai, bắt đầu lúc 23h hôm nay 16/8, giờ Hà Nội, với các cặp đấu Firouzja - Quang Liêm, Duda - Aronian, Carlsen - Niemann, Praggnanandhaa - Giri.
Kỳ thủ Lê Quang Liêm chơi trận đầu tiên ở FTX Crypto Cup với số sáu thế giới Levon Aronian từ 23h hôm nay 15/8, giờ Hà Nội.
Quang Liêm chưa từng thắng Aronian trong bốn lần đối đầu trước đây tại Champions Chess Tour, khi kỳ thủ số một Việt Nam hoà một và thua ba ván. Lần này anh có cơ hội đòi nợ khi đấu bốn ván cờ nhanh với Aronian ở vòng một FTX Crypto Cup - chặng chính thứ hai của Tour.
Ở ba cặp đấu còn lại, hai kỳ thủ tuổi teen Alireza Firouzja và Rameshbabu Praggnanandhaa gặp nhau. Kỳ thủ số một Magnus Carlsen đấu Anish Giri, còn Jan-Krzysztof Duda gặp trẻ số một Mỹ Hans Niemann.
Đây là lần thứ hai liên tiếp Quang Liêm được dự chặng chính của Tour, lần đầu diễn ra tại Oslo, Na Uy, mang tên Esports Cup. Kỳ thủ người TP HCM gây bất ngờ ở giải đó khi lần đầu thắng Vua cờ Carlsen, không chỉ một mà hai ván. Anh cũng kết thúc giải đó ở vị trí thứ hai, sau Duda.
Tám kỳ thủ đấu vòng tròn một lượt, mỗi ngày một trận. Mỗi trận hai kỳ thủ đấu bốn ván cờ nhanh với nhau, kèm loạt tie-break cờ chớp nếu hoà 2-2. Kỳ thủ thắng từ cờ nhanh được ba điểm, thua 0 điểm. Nếu thắng cờ chớp, kỳ thủ được hai điểm, người thua được một điểm. Với mỗi điểm giành được, kỳ thủ được thưởng 2.500 USD. Như vậy, tiền thưởng tối đa mà mỗi kỳ thủ có thể đoạt được là 52.500 USD. Nếu kỳ thủ đạt ít hơn hai điểm chung cuộc, họ vẫn được nhận tối thiểu 5.000 USD. Ngoài ra nhà tài trợ còn có thể thưởng thêm cho kỳ thủ đạt thành tích cao.
FTX Crypto Cup diễn ra từ 15/8 đến 21/8, mỗi ngày một vòng đấu. Thời gian thi đấu mỗi ngày bắt đầu từ 23h, giờ Hà Nội. Các kỳ thủ sẽ ngồi đấu trực diện, nhưng thông qua màn hình máy tính tương tự ở Oslo.
Quang Liêm sẽ đấu Carlsen ở vòng bốn, ngày 18/8.
Champions Chess Tour là hệ thống giải cờ vua trực tuyến lớn nhất thế giới do Carlsen khởi xướng. Tour 2022 có quỹ thưởng 1,6 triệu USD, đã qua năm chặng đấu. Quang Liêm đang đứng thứ thư ở Tour với 54.000 USD tiền thưởng, sau Carlsen 106.500 USD, Duda 73.000 USD và Praggnanandhaa 61.250 USD.
Không thắng cả năm trận cuối, hạt giống số 24 Việt Nam kết thúc Olympiad cờ vua bảng nữ ở vị trí 53.
Sau trận thắng lịch sử trước Hungary để vào Top 10, Việt Nam bắt đầu rơi tự do. Trong năm ván cuối, đội thua Kazakhstan, Đức, Philippines và hoà Bỉ, Albania. Ngoài Đức và Kazakhstan, ba đội còn lại đều có Elo trung bình thấp hơn Việt Nam.
Chỉ kiếm được hai điểm trong năm ván cuối, Việt Nam kết thúc giải với 12 điểm. Với chỉ số phụ tốt, Võ Thị Kim Phụng và đồng đội đứng đầu trong những đội cùng được 12 điểm, nhưng cũng chỉ xếp thứ 53 chung cuộc.
Trong Top 25 hạt giống của giải, chỉ có riêng Việt Nam xếp ngoài vị trí 30 chung cuộc. Hiệu suất thi đấu của Kim Phụng, Hoàng Thị Bảo Trâm, Nguyễn Thị Mai Hưng và Bạch Ngọc Thuỳ Dương đều thấp hơn Elo. Chỉ có kỳ thủ 17 tuổi Nguyễn Thiên Ngân đạt hiệu suất thi đấu 1.921, nhỉnh hơn Elo 1.912.
Ở bảng nữ, hạt giống số hai Ukraine vô địch với 18 điểm, hơn á quân Georgia chỉ số phụ. Chủ nhà Ấn Độ đứng thứ ba với 17 điểm.
Tại bảng mở rộng, dàn kỳ thủ trẻ Uzbekistan bất ngờ vô địch với 19 điểm, hơn Armenia chỉ số phụ. Bốn trên năm kỳ thủ Uzbekistan dự giải thuộc lứa U20. Đội hình trẻ của Ấn Độ 2 cũng gây ấn tượng khi đoạt HC đồng. Trong đó, Gukesh Dommaraju và Nihal Sarin lần lượt đoạt HC vàng bàn một và hai.
Tính gộp thành tích hai bảng đấu, Ấn Độ vô địch, Mỹ về nhì còn Ấn Độ 2 đứng thứ ba. Do đội tuyển nam Việt Nam không dự giải vì nhiều kỳ thủ hàng đầu bận, đội không được xếp thứ tự gộp hai bảng.
Olympiad được coi là Olympic của cờ vua, diễn ra hai năm một lần. Đại hội năm nay diễn ra từ 29/7 đến 9/8 tại Chennai, Ấn Độ, hội tụ 1.736 kỳ thủ đến từ 186 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bảng nữ có 799 VĐV đến từ 160 đoàn, riêng chủ nhà được quyền cử ba đội tham dự.
Tại Olympiad cờ vua 2018 ở Batumi, Georgia, đội nữ Việt Nam đứng thứ 15, đội nam đứng thứ bảy. Chung cuộc, Việt Nam xếp thứ 10. Riêng kỳ thủ Nguyễn Ngọc Trường Sơn giành HC vàng bàn hai.