Ngoài học văn hóa, Linh đặc biệt yêu thích môn cờ vua. Lúc nhỏ, thấy anh trai chơi cờ cùng bạn, Linh cũng tò mò và nhờ anh hướng dẫn. Chỉ sau vài buổi, Linh đã có thể chơi cờ một cách cơ bản. Đến năm lớp 8, trường Nguyễn Đình Chiểu mở lớp dạy cờ vua, Linh đăng ký theo học và là “hạt nhân” của đội cờ vua người khuyết tật Hà Nội. Chỉ sau 1 năm học lớp năng khiếu cờ vua, đến năm 2014, Mỹ Linh có thành tích đầu tiên giành Huy chương Bạc và Huy chương Đồng cuộc thi cờ vua dành cho người khuyết tật toàn quốc. Với thành tích nổi bật, Mỹ Linh đã nhận danh hiệu “Công dân tiêu biểu Thủ đô năm 2015”.
Khoác lên màu áo vận động viên quốc gia cờ vua người khuyết tật, Nguyễn Thị Mỹ Linh đã mang về cho thể thao người khuyết tật Việt Nam hàng loạt thành tích “khủng”. Từ “hạt giống” cờ vua Hà Nội, năm 2007 Linh gia nhập đội tuyển quốc gia môn
cờ vua dành cho người khuyết tật.
Tại giải đấu Para Games 2017, Linh gặt hái được 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc. Tại Đại hội thể thao Asian Para Games 2018, Linh tiếp tục mang về chiếc Huy chương Vàng cá nhân lịch sử cho cờ vua Việt Nam ở nội dung cờ nhanh hạng thương tật B2/B3 tại đấu trường châu Á. Đây được coi là chiến thắng lịch sử bởi phân hạng khiếm thị B2/B3 của nữ theo đánh giá của giới chuyên môn là nhóm đấu có sự cạnh tranh rất lớn, với nhiều kỳ thủ cờ vua xuất sắc. Đối với Mỹ Linh, giây phút vinh quang nhất là khi Quốc kỳ Việt Nam được kéo lên tại Đại hội thể thao Asian Para Games 2018.
Chia sẻ bí quyết đạt thành công ở bộ môn cờ vua, Linh cho biết, khó khăn nhất khi chơi cờ vua chính là hình dung bàn cờ. Đối với một vận động viên bình thường, bao quát bàn cờ và các nước cờ bằng mắt. Nhưng bản thân em, phải chạm vào quân cờ, ghi nhớ quân cờ bằng cảm nhận của đôi tay, nhớ các ô để hình dung toàn bộ bàn cờ, nước cờ trong đầu, rồi tìm ra những nước đi phù hợp. May mắn là nhờ có sự hướng dẫn của HLV Bùi Quang Vũ, dần dần em cũng tư duy và cải thiện khả năng chơi cờ của mình.
Thanh niên sống đẹp
Với những nỗ lực không mệt mỏi,
Nguyễn Thị Mỹ Linh đã đạt hàng loạt thành tích đáng nể: Top 10 Gương mặt trẻ tiêu biểu Thủ đô năm 2015; đề cử Vận động viên người khuyết tật xuất sắc toàn quốc năm 2018; Huân chương Lao động hạng Ba; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bằng khen Ủy ban Olympic Việt Nam; Bằng khen UBND TP Hà Nội cho vận động viên có thành tích xuất sắc tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 12 (năm 2023). Bên cạnh việc rèn luyện, thi đấu, Mỹ Linh còn tham gia vào hoạt động gây quỹ mổ mắt miễn phí cho các bạn bị khiếm thị nghèo và thường xuyên góp mặt trong các hoạt động cộng đồng.
Từ hoàn cảnh và trải nghiệm của bản thân, Mỹ Linh mong muốn có thể mở một lớp dạy
cờ vua miễn phí cho trẻ em khiếm thị. “Khi biết chơi cờ, các em sẽ có thêm hoạt động vui chơi những lúc rảnh rỗi. Không chỉ vậy, cờ vua còn giúp trẻ nâng cao năng lực tư duy và khả năng hình dung, góp phần giúp trẻ khiếm thị học các môn văn hóa tốt hơn. Thông qua việc chơi cờ và tham gia các giải đấu cờ vua, trẻ sẽ có cơ hội làm quen, học hỏi, giao lưu với nhiều người bạn mới, hòa nhập tốt hơn với cộng đồng” - Linh chia sẻ.
Với thành tích xuất sắc môn cờ vua người khuyết tật cùng nhiều hoạt động thiện nguyện vì vì cộng đồng, Nguyễn Thị Mỹ Linh vinh dự là 1 trong 20 thanh niên trên khắp cả nước được trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” năm 2023. Chia sẻ cảm xúc khi đạt giải thưởng, Linh bày tỏ: “Tôi đã may mắn giành được nhiều giải thưởng, danh hiệu. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cần phải cố gắng hơn nữa để xứng đáng với sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô. Được vinh dự là một trong 20 thanh niên khắp cả nước được trao giải thưởng “Thanh niên sống đẹp” là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi và cũng là động lực để tôi phấn đấu nhiều hơn nữa, đền đáp và đóng góp cho xã hội”.
Ước mơ của Linh là được làm cô giáo để truyền đạt kiến thức cho học sinh, đặc biệt là học sinh khiếm thị. Cô chia sẻ: “Mỗi người sinh ra đều có số phận của riêng mình. Có những người may mắn lành lặn, có những người bị khiếm khuyết và dằn vặt đau khổ vì điều đó. Nhưng với tôi, sự khiếm khuyết không hẳn là bất hạnh. Tuy đôi mắt tôi chẳng thể nhìn được bình thường, cuộc sống sinh hoạt, học tập và làm việc gặp rất nhiều khó khăn nhưng tôi vẫn luôn tâm niệm rằng sự khiếm khuyết đó lại là đòn bẩy để tôi nỗ lực vươn lên, khẳng định bản thân trong cuộc sống tươi đẹp này”.
Theo An Ninh Thủ Đô
0 nhận xét:
Đăng nhận xét